Đà Nẵng, khát vọng mới
Sau 28 năm chia tách, Đà Nẵng và Quảng Nam trở về chung một mái nhà. Thành phố Đà Nẵng mới với một không gian phát triển rộng mở, với khát vọng mới trên hành trình cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Nền tảng vững chắc
Ngày 1-7-2025, đánh dấu bước ngoặt quan trọng, thành phố Đà Nẵng mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất thành phố Đà Nẵng (cũ) và tỉnh Quảng Nam, mở ra một không gian phát triển mới với định hướng xây dựng thành phố Đà Nẵng mới trở thành cực tăng trưởng của Việt Nam và là một trong những thành phố có năng lực cạnh tranh cao của quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một Đà Nẵng không chỉ là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung, mà còn thể hiện vai trò tiên phong trong quá trình phát triển hiện đại.

Trước thời điểm hợp nhất, Đà Nẵng và Quảng Nam đã xây dựng cơ cấu kinh tế phù hợp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát huy vai trò của ngành dịch vụ - du lịch, khai thác tiềm năng kinh tế biển, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả đầu tư và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2020-2025 của thành phố Đà Nẵng đạt 6,82%, tỉnh Quảng Nam đạt 4,6%. Tính chung hai địa phương đạt 5,8%/năm.
Thành phố Đà Nẵng sau hợp nhất có diện tích tự nhiên 11.867,25 km2, quy mô dân số 3.0665.628 người, lớn nhất trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Không nhiều địa phương có vị trí đắc địa như Đà Nẵng sau hợp nhất. Phía Bắc giáp Thừa Thiên Huế, phía Nam nối Quảng Ngãi, phía Tây tiếp giáp Lào, phía Đông là biển Đông với chuỗi cảng nước sâu. |
Thành phố Đà Nẵng tập trung phát triển hệ thống hạ tầng, từng bước hình thành các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại.
Trong khi đó, Quảng Nam chú trọng phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai dần trở thành khu kinh tế động lực của vùng và cả nước; phát triển khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải có quy mô ngang tầm khu vực. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp tại Khu kinh tế mở Chu Lai chiếm trên 60% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Đặc biệt, thành phố Đà Nẵng mới tiếp tục kế thừa các định hướng phát triển, các cơ chế, chính sách đặc thù của Đà Nẵng. Nổi bật trong đó là Kết luận số 79/KL-TW ngày 13-5-2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 1142/QĐ-TTg ngày 13-6-2025 về Thành lập Khu Thương mại tự do thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về Trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế tại Việt Nam đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng,...
Các quy hoạch được phê duyệt giữa hai địa phương cũng được tiếp tục thực hiện và vừa làm, vừa điều chỉnh phù hợp với định hướng, quy mô mới. Tất cả sẽ tạo nền tảng vững chắc để Đà Nẵng vững bước phát triển trong giai đoạn mới.
Đông – Tây cùng nhau “cất cánh”
Trung ương đặt kỳ vọng rất lớn với định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành một cực tăng trưởng của Việt Nam, có năng lực cạnh tranh cao của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, có vai trò tiên phong, dẫn dắt các địa phương trong quá trình phát triển hiện đại; là “trung tâm đổi mới, sáng tạo, công nghệ cao và khởi nghiệp quốc gia”, tiên phong trong các lĩnh vực mới như: kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế biển…
Với kỳ vọng của Trung ương, một Đà Nẵng mới với những khát vọng mới hứa hẹn sự phát triển mạnh mẽ với không gian rộng mở, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh hiện có.
Không gian phát triển thành phố có thể được phân định thành 2 vùng Đông và Tây theo đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Vùng Đông (khu vực đồng bằng ven biển) được phát triển trở thành chuỗi đô thị chức năng (Đô thị hành chính; đô thị di sản; đô thị du lịch; đô thị công nghiệp; đô thị cảng biển, đô thị sân bay; đô thị giáo dục), trung tâm tài chính, du lịch, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.
Sở hữu hệ thống hạ tầng đồng bộ, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng cao, gắn với bất động sản nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; bảo tồn, phát huy di sản văn hóa thế giới, quốc gia; là điểm đến hấp dẫn của thế giới.
Hệ thống sản phẩm du lịch mới sẽ được đầu tư theo các nhóm sản phẩm chính và đặc trưng, phát triển du lịch di sản chất lượng cao trên cơ sở phát huy tối đa giá trị 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.
Các khu vực Hội An - Mỹ Sơn - Cù Lao Chàm - Bà Nà - Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, khu vực ven sông Hàn và ven biển sẽ được liên kết để hình thành chuỗi điểm đến cao cấp, đẳng cấp quốc tế.

Thành phố Đà Nẵng mới sở hữu 2 sân bay, 2 cảng biển loại và hệ thống giao thông khá đồng bộ, kết nối liên hoàn theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây.
Trên cơ sở đó, Đà Nẵng tập trung phát triển dịch vụ logistics gắn với đầu tư đồng bộ hệ thống cảng hàng không, cảng biển, khu kinh tế, cửa khẩu quốc tế. Từ đó hướng đến mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm thương mại lớn với hạ tầng và hệ thống phân phối đồng bộ, hiện đại; trung tâm logistics, vận tải đa phương thức; trung tâm phân luồng hàng hóa của khu vực miền Trung - Tây nguyên và cả nước.
Cùng với đó, Đà Nẵng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ theo mô hình xanh, bền vững, sản phẩm cơ khí, điện, điện tử theo hướng kinh tế tuần hoàn, gắn với đẩy nhanh triển khai thực hiện các khu công nghiệp sinh thái và các cụm công nghiệp, nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp Halal.
Đồng thời, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, vi mạch bán dẫn gắn với nền kinh tế số. Các khu công nghệ thông tin tập trung và chuỗi khu công viên phần mềm khi được hình thành sẽ tạo sự liên kết trong nghiên cứu làm chủ công nghệ và sản xuất các sản phẩm công nghệ số.
Đà Nẵng cũng sẽ đầu tư xây dựng, hình thành vệt đô thị ven biển, các khu đô thị mới, xanh có quy mô lớn, hiện đại, thông minh tại vùng Đông và phát triển không gian trên biển tại vịnh Đà Nẵng. Định hướng phát triển trở thành chuỗi đô thị, trung tâm tài chính, dịch vụ, du lịch, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.
Trong đó, từ phía Nam đèo Hải Vân đến phía Bắc sông Thu Bồn ưu tiên phát triển các lĩnh vực du lịch, dịch vụ thương mại, tài chính, vận tải hành khách - logistics gắn với cảng biển và sân bay quốc tế, công nghiệp công nghệ cao.
Hạ tầng đô thị phía Nam sông Thu Bồn sẽ dần hình thành và phát triển gắn với phát triển Đặc khu Hoàng Sa, Cù Lao Chàm theo hướng phát triển du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, kết hợp đẩy mạnh khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển.
Các nguồn lực sẽ được huy động, sử dụng để đẩy nhanh tiến độ các công trình động lực, trọng điểm. Trong tương lai, Đà Nẵng sẽ hình thành đường sắt nhánh nối đến cảng Liên Chiểu; hạ tầng giao thông chiến lược liên vùng Đông – Tây; mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn La Sơn - Hòa Liên; các dự án giao thông kết nối thành phố Đà Nẵng qua các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan: 14D, 14B…; kết nối giao thông ngầm qua Sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ tập trung tập trung xây dựng, phát triển Khu thương mai tự do gắn Trung tâm tài chính quốc tế.
Tại lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Khu thương mại tự do thành phố Đà Nẵng diễn ra cuối tháng 6-2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình khẳng định, sau sáp nhập, quy mô kinh tế, dư địa, không gian phát triển của Đà Nẵng sẽ rộng lớn hơn, tạo thuận lợi cho Khu thương mại tự do của thành phố có điều kiện kết nối, trước hết là kết nối với các khu kinh tế như Chu Lai, Dung Quất, các khu kinh tế ven biển…
“Đây là sáng kiến của thành phố Đà Nẵng, được Trung ương lựa chọn thí điểm, kỳ vọng trở thành cú hích kết nối kinh tế toàn cầu và thúc đẩy phát triển vùng sau khi sáp nhập. Với tư duy đổi mới, tầm nhìn xa và hành động quyết liệt, Đà Nẵng đã kiến tạo nhiều sáng kiến chiến lược như trung tâm tài chính, cảng nước sâu. Đây là những ý tưởng táo bạo, cho thấy khát vọng vươn tầm khu vực và thế giới của thành phố biển miền Trung”, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhìn nhận.

Trong khi đó, vùng Tây gồm khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được định hướng phát triển thành vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thuỷ điện, khoáng sản và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Đầu tháng 7-2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 183/2025/NĐ-CP, sửa đổi Nghị định 156/2018/NĐ-CP, thiết lập một khung pháp lý riêng cho hoạt động nuôi, trồng và thu hoạch cây dược liệu trong rừng.
Đáng chú ý, khái niệm “cây dược liệu trong rừng” và “thu hoạch dược liệu” được định danh rõ ràng, giúp loại bỏ tình trạng “lách luật” trong khai thác tài nguyên rừng, đồng thời khẳng định chủ trương phát triển ngành dược liệu theo hướng bài bản, bền vững, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.
Nghị định 183/2025/NĐ-CP sẽ góp phần “mở đường” cho Đà Nẵng trở thành trung tâm dược liệu vùng miền Trung - địa phương đang sở hữu tiềm năng lớn về dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, ba kích, đảng sâm, sa nhân tím…, vốn chủ yếu sinh trưởng dưới tán rừng tự nhiên ở các vùng núi cao nhưng lâu nay thiếu hành lang pháp lý để phát triển bền vững.
Một Đà Nẵng mới với những khát vọng phát triển đã sẵn sàng bay cao, bay xa, thực sự vươn ra biển lớn với vị thế xứng tầm quốc gia và quốc tế.
HOÀNG PHAN - THANH NGUYÊN
Sáp nhập 2 trường cao đẳng, đổi tên thành Trường Cao đẳng Đà Nẵng
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn ký Quyết định số 1867/QĐ-BGDĐT ngày 3-7-2025, sáp nhập nguyên trạng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng vào Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng và đổi tên thành Trường Cao đẳng Đà Nẵng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh kiểm tra hoạt động của Trung tâm Phục vụ Hành chính công xã Bà Nà
Sáng 2-7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh kiểm tra hoạt động của Trung tâm Phục vụ Hành chính công xã Bà Nà. Cùng đi có lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Tập huấn phần mềm quản lý văn bản và điều hành cho các phường, xã mới của thành phố Đà Nẵng sau sáp nhập
Sáng 02-7, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức chương trình tập huấn sử dụng Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành cho các phường, xã mới của thành phố Đà Nẵng sau sáp nhập.
Việt Nam được du khách Hàn Quốc chọn là điểm đến hàng đầu khu vực ASEAN
Sáng 2-7, Đại học Duy Tân phối hợp với các đối tác ASEAN và Hàn Quốc tổ chức khai mạc Hội nghị “Bàn tròn Du lịch ASEAN-Hàn Quốc” lần thứ nhất năm 2025. Đến dự có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Yong Ho Seong, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Anh Tuấn.
Lắng đọng đêm nhạc Nguyễn Duy Khoái "Khi trái tim vẫn hồng"
Tối 2-7, tại Nhà hát Trưng Vương, hàng trăm khán giả đến tham dự Đêm nhạc Nguyễn Duy Khoái "Khi trái tim vẫn hồng" do Chi hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Đà Nẵng, Hội Âm nhạc Đà Nẵng, gia đình và thân hữu nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái cùng hợp tác thực hiện. Đêm nhạc nhằm ghi nhận và tri ân những thành tựu âm nhạc trong hơn 50 năm qua dành cho nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái - người đã cống hiến hơn nửa thế kỷ cho âm nhạc quê hương. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi dự đêm nhạc.
Chưa có bình luận ý kiến bài viết!