Chính quyền 2 cấp ở Đà Nẵng – Kỳ 2: Những ‘nút thắt’ cần tháo gỡ
Địa bàn rộng, trải dài từ đồng bằng đến miền núi, cũng như điều kiện kinh tế - xã hội giữa các địa phương phát triển không đồng đều, dẫn đến việc vận hành bộ máy hành chính sau sáp nhập tại một số nơi ở thành phố Đà Nẵng đang đối mặt với nhiều khó khăn cần được tháo gỡ kịp thời.

Hơn 4 giờ di chuyển từ trung tâm thành phố Đà Nẵng, băng qua đồi núi trập trùng, những cung đường dốc đứng và khúc khuỷu, trung tâm hành chính xã biên giới La Dêê mới dần hiện ra giữa mênh mông đại ngàn. Đây là một trong những xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn bậc nhất thành phố.
Xã La Dêê được hình thành trên cơ sở sáp nhập hai xã La Dêê và Đắc Tôi (thuộc huyện Nam Giang cũ). Xã nằm ở phía Tây thành phố, cách Trung tâm Hành chính Đà Nẵng khoảng 130 km, với vị trí tiếp giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang.

Sau sáp nhập, bài toán tổ chức lại bộ máy hành chính cấp xã tại vùng biên La Dêê vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về cơ sở vật chất phục vụ người dân. Trong khi địa bàn rộng, giao thông cách trở, thì điều kiện hạ tầng lại chưa theo kịp yêu cầu vận hành chính quyền mới.
Theo Chủ tịch UBND xã La Dêê Bùi Thế Anh, hiện nay, trụ sở chính của xã đang sử dụng lại trụ sở làm việc của xã La Dêê cũ, diện tích làm việc không đáp ứng theo quy định. Do không có không gian bố trí Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) nên UBND xã tận dụng khu để xe Nhà văn hóa xã để sửa sang lại phục vụ giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.
Sau sắp xếp, xã La Dêê có tổng số lượng cán bộ, công chức, viên chức là 57 người. Tuy nhiên, hiện nay xã còn khuyết 5 chức danh chủ chốt tại các phòng chuyên môn. Hệ thống họp trực tuyến được đầu tư với 2 điểm cầu đã kết nối thông suốt với thành phố nhưng chất lượng đường truyền đôi lúc không ổn định và bị gián đoạn...
Video phỏng vấn Chủ tịch UBND xã La Dêê Bùi Thế Anh
Không chỉ riêng xã La Dêê, thực trạng khó khăn về trụ sở, trang thiết bị máy móc cũng đang hiện hữu tại nhiều xã vùng cao khác, trong đó có Trà Linh – một xã miền núi nằm cách trung tâm thành phố hơn 200 km về phía Tây Nam.
Chủ tịch UBND xã Trà Linh Trịnh Minh Hải cho biết, Trung tâm Phục vụ hành chính công được tận dụng toàn bộ thiết bị máy móc của 2 bộ phận một cửa (xã Trà Nam và xã Trà Linh cũ) để bố trí máy móc cho cán bộ, công chức và người dân thực hiện giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính. Tuy nhiên, hiện nay Trung tâm chỉ có 2 công chức chuyên trách làm việc trực tiếp (1 Phó Giám đốc và 1 chuyên viên).
“Hiện nay, xã không đủ quỹ phòng để bố trí cho các cơ quan, đơn vị của xã; nhiều cán bộ, công chức cùng làm việc trong phòng với diện tích nhỏ, tận dụng hội trường để làm việc. Ngoài ra, nhà làm việc xã đội, phòng họp, phòng họp trực tuyến, địa điểm tiếp công dân vẫn chưa được bố trí”, ông Hải chia sẻ.

Địa bàn đi lại khó khăn, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, khoảng cách giữa trung tâm các xã cũ cách xa đang là thực tế chung tại khu vực miền núi sau sáp nhập. Những yếu tố này gây trở ngại rất lớn cho việc bố trí, khai thác hiệu quả các trụ sở cũ và tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống hành chính mới.
Cùng với đó, việc thiếu thốn trang thiết bị và hạ tầng công nghệ thông tin đang là lực cản lớn đối với quá trình hiện đại hóa hành chính tại nhiều địa phương.

Theo Chủ tịch UBND xã Trà Linh Trịnh Minh Hải, trên địa bàn xã hiện nay còn hơn 500 hộ/13 khu dân cư bị lõm sóng, chưa được phủ sóng viễn thông như: Măng Priu, Tu Cring, Chu Viu thôn 3; Tak Nấp thôn 2; Tak Ta thôn 6); 9 điểm dân cư có đường giao thông kết nối chưa được cứng hóa với tổng chiều dài gần 4 km.
Tại xã Sông Vàng, thực trạng này đang bộc lộ rõ nét. Hầu hết trang thiết bị tại Trung tâm Phục vụ hành chính công đều đã cũ, vận hành chậm. Các thiết bị như: máy tính, máy in, máy scan… đều đã xuống cấp.
Theo ông Lê Văn Tư, Chủ tịch UBND xã Sông Vàng, với đặc thù địa bàn miền núi, thường xuyên gặp mưa giông buổi trưa và chiều nên hệ thống điện hoạt động không ổn định, ảnh hưởng đến việc vận hành xuyên suốt hệ thống. Trong đó có công tác điều hành tác nghiệp chuyên môn.
“Địa phương đang thiếu cán bộ có trình độ chuyên sâu về công nghệ thông tin và chuyển đổi số để hướng dẫn tập huấn cho cán bộ công chức làm nhiệm vụ chuyên môn. Hạ tầng mạng không ổn định, ngắt quãng ảnh hưởng đến việc kết nối tại trung tâm và các phòng họp trực tuyến của xã”, ông Tư nói.
Cũng như nhiều xã miền núi khác, Trà Vân đang đối mặt với không ít trở ngại về hạ tầng viễn thông. Sóng điện thoại di động và mạng 4G thường xuyên chập chờn, thiếu ổn định; thậm chí ngay tại Trung tâm Hành chính xã vẫn có thời điểm hoàn toàn không bắt được tín hiệu 4G.
Toàn xã hiện chỉ có một nhà mạng duy nhất là Viettel phủ sóng, khiến việc liên lạc, truy cập thông tin và triển khai các dịch vụ công trực tuyến gặp nhiều khó khăn.
“Khó khăn nhất ở Trà Vân là có 3/6 thôn chưa có sóng điện thoại, dịch vụ 4G và cũng chưa có điện lưới quốc gia. Do đó gây khó khăn rất lớn đến công tác vận hành, nhất là việc thực hiện các dịch vụ công của công dân, như tại khu vực đang bị chồng lấn địa giới hành chính với tỉnh Quảng Ngãi mới” – Chủ tịch UBND xã Trà Vân Nguyễn Tấn Thành chia sẻ.

Tương tự, xã Hùng Sơn – địa phương miền núi có yếu tố biên giới cũng đang đối mặt với nhiều trở ngại. Địa hình chia cắt, dân cư phân tán, cơ sở hạ tầng nhỏ, lẻ khiến công tác chỉ đạo, điều hành gặp nhiều khó khăn.
Chủ tịch UBND xã Zơrâm Buôn cho biết, đường truyền Internet yếu, nhiều thôn chưa có phủ sóng di động, trong khi tình trạng mất điện diễn ra thường xuyên. Địa phương phải dùng máy phát điện để duy trì hoạt động, gây tốn kém chi phí nhiên liệu.
“Chúng tôi mong thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có giải pháp khắc phục hạ tầng điện lưới cho địa phương vì muốn chuyển đổi số trước tiên phải có điện lưới”, ông Zơrâm Buôn bày tỏ.
Nhận diện khó khăn là bước đầu để tìm ra hướng đi phù hợp. Đà Nẵng không né tránh thực tế, mà nhìn thẳng và bắt tay hành động. Đây chính là tiền đề quan trọng để kiến tạo một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục vụ ngày càng cao, ngay cả ở những địa bàn còn nhiều thách thức về điều kiện phát triển.
HOÀNG PHAN - HOÀNG VƯƠNG - THANH HẢI - PHAN TOÀN
Phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, sẵn sàng cống hiến vì sự phát triển của thành phố
Chiều 21-7, Đảng bộ Văn phòng UBND thành phố tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030. Dự Đại hội có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh; các Phó chủ tịch UBND thành phố: Trần Nam Hưng, Trần Chí Cường, Nguyễn Thị Anh Thi, Hồ Quang Bửu, Trần Anh Tuấn.
Đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho Kỳ thi Toán học quốc tế lần thứ 25 tại Đà Nẵng
Đây là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Kỳ thi Toán học quốc tế VIMC lần thứ 25 vào chiều 21-7.
Tập trung tham mưu thành phố triển khai xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, Khu Thương mại tự do Đà Nẵng
Sáng 22-7, Đảng bộ Sở Tài chính tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 – 2030. Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng ủy UBND, Chủ tịch UBND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Trần Phước Sơn thăm gia đình người có công tiêu biểu
Kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2025), sáng 21-7, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Trần Phước Sơn đến thăm, tặng quà một số gia đình người có công tiêu biểu trên địa bàn phường Hải Vân và xã Đại Lộc.

Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố ngày 21-7
Triển khai Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương; Kiện toàn Tổ công tác và triển khai các nhiệm vụ về hoạt động của Khu Thương mại tự do Đà Nẵng; Thí điểm các dịch vụ hành chính công chủ động; Phê duyệt 48 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban quản lý Khu CNC và các KCN…là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố ngày 21-7.
Chưa có bình luận ý kiến bài viết!