Đà Nẵng – 28 năm vươn mình ra biển lớn - Bài 3: Không gian mới, tầm nhìn mới cho Đà Nẵng tương lai
Sau 28 năm vươn lên trở thành một thành phố mang tầm khu vực, Đà Nẵng hôm nay đang đối diện với một giới hạn phát triển không gian – thách thức lớn nhất của một đô thị đã gần đạt đỉnh về quỹ đất, trong khi nhu cầu phát triển hạ tầng, dân số, kinh tế ngày càng mở rộng. Trong bối cảnh đó, việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam vào TP Đà Nẵng được xem là bước ngoặt chiến lược, tạo nên một không gian phát triển mới mang tính đột phá cho tương lai đô thị động lực miền Trung.
Hợp nhất để phát triển bền vững
Ngày 15-6-2025, Bộ Chính trị chính thức công bố quyết định hợp nhất tỉnh Quảng Nam vào TP Đà Nẵng, sau nhiều năm nghiên cứu, đánh giá toàn diện từ Trung ương đến địa phương. Đây là một trong những quyết định hành chính – chính trị quan trọng nhất kể từ sau khi Đà Nẵng được tái lập năm 1997.
Với việc sáp nhập, Đà Nẵng không chỉ gia tăng đáng kể về diện tích địa lý mà còn mở rộng nguồn lực, đa dạng hóa mô hình phát triển và tạo nên sự cộng hưởng giữa một thành phố năng động và một tỉnh giàu tiềm năng.
Theo quy hoạch ban đầu, Đà Nẵng mới sẽ có diện tích trên 11.867km², trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích lớn nhất cả nước. Dân số sau sáp nhập ước đạt trên 3 triệu người, với mật độ phân bố đa dạng, từ đô thị hóa cao ở lõi Đà Nẵng cũ đến không gian nông thôn, miền núi, biển đảo ở khu vực Quảng Nam.

Quảng Nam – vùng đất “địa linh nhân kiệt” – mang trong mình nhiều giá trị đặc biệt. Từ Hội An cổ kính đến thánh địa Mỹ Sơn huyền bí, từ những bãi biển nguyên sơ đến vùng núi Ngọc Linh hùng vĩ, đây là địa phương có cả chiều sâu văn hóa lẫn tiềm năng phát triển bền vững. Khi được tích hợp với hệ sinh thái phát triển sẵn có của Đà Nẵng, các lợi thế đó sẽ trở thành nền tảng để xây dựng một đô thị có chiều sâu văn hóa – kinh tế – sinh thái độc đáo nhất khu vực.
Đáng chú ý, Đà Nẵng mới sẽ sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông – logistics đồng bộ và đa dạng hàng đầu cả nước:
Hai sân bay: Sân bay quốc tế Đà Nẵng – cửa ngõ vùng duyên hải miền Trung; và sân bay Chu Lai – trung tâm logistics – công nghiệp phía Nam.

Hệ thống cảng biển nước sâu: Cảng Tiên Sa, Cảng Liên Chiểu, Cảng Chu Lai, Cảng Kỳ Hà và Cảng Trường Hải, tạo trục logistics kết nối từ Bắc Trung Bộ đến Nam Trung Bộ và điểm đầu của các tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.
Hệ thống đường cao tốc – quốc lộ – đường ven biển - đường sắt: Giúp kết nối nhanh chóng giữa các vùng đô thị – công nghiệp – nông thôn.
Thành phố sau sáp nhập cũng là nơi duy nhất sở hữu cùng lúc 2 Di sản văn hóa thế giới là Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn và 1 Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, tạo nên “tam giác vàng” về sinh thái – văn hóa – du lịch.
Không gian tăng trưởng mới
Sự mở rộng không gian hành chính cho phép Đà Nẵng triển khai hiệu quả hơn các dự án quy mô lớn đang được quy hoạch, đặc biệt là Trung tâm tài chính quốc tế và Khu thương mại tự do. Với lợi thế quỹ đất rộng, kết nối cảng biển – sân bay và hạ tầng đồng bộ, các vùng ven biển Nam Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam như Chu Lai, Thăng Bình, Núi Thành đang được xem là “đất lành” để xây dựng các siêu đô thị công nghiệp – thương mại – tài chính kiểu mới.
Các khu kinh tế mở Chu Lai, khu công nghiệp Tam Thăng, khu công nghiệp Đông Quế Sơn… khi tích hợp vào hệ thống quản lý đô thị mới của Đà Nẵng sẽ được hưởng cơ chế điều hành linh hoạt, chiến lược quy hoạch đồng bộ và năng lực xúc tiến đầu tư mạnh mẽ. Đây chính là “vùng tăng trưởng thứ cấp” tiếp nối động lực từ khu vực trung tâm.

Sự hợp nhất giữa Đà Nẵng và Quảng Nam không chỉ là phép cộng cơ học về diện tích hay dân số. Đó còn là sự kết nối của lịch sử, văn hóa và trách nhiệm. Hai địa phương từng là một khối thống nhất trước năm 1997. Nay trong vai trò mới, việc hợp nhất không chỉ đòi hỏi sự điều phối hiệu quả giữa hệ thống chính quyền, mà còn cần một chiến lược phát triển hài hòa, tôn trọng bản sắc, bảo vệ môi trường, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng.
Nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị và kinh tế cho rằng: sự sáp nhập này là cơ hội vàng để Đà Nẵng trở thành một “siêu thành phố” kiểu mẫu – nơi hội tụ giữa văn minh đô thị và bản sắc địa phương, giữa hiện đại hóa hạ tầng và gìn giữ giá trị thiên nhiên.
Một đô thị động lực mới của cả nước
Sau khi sáp nhập, Đà Nẵng sẽ có khả năng đóng vai trò như một “vùng động lực quốc gia” với chức năng tổng hợp: kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, tài chính quốc tế, du lịch nghỉ dưỡng và giao thương quốc tế. Cùng với thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng ở các vùng kinh tế trọng điểm ở miền Nam và miền Bắc, TP Đà Nẵng mới hình thành trục phát triển của cả nước, trở thành thành phố động lực của miền Trung, có năng lực đối trọng và liên kết ngang với các vùng kinh tế trọng điểm khác.

Hợp nhất không gian chỉ là bước đầu. Với khát vọng, nội lực và tầm nhìn chiến lược, Đà Nẵng đang bước vào một thời kỳ mới – thời kỳ của những bước nhảy dài không còn bị giới hạn bởi không gian chật hẹp.
Từ một thành phố bên bờ sông Hàn, Đà Nẵng – Quảng Nam nay đang hướng tới tương lai như một cực tăng trưởng mới, một hình mẫu phát triển tích hợp – bền vững – bản sắc giữa lòng miền Trung.
NGUYÊN KHÔI - XUÂN QUỲNH
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh kiểm tra hoạt động của Trung tâm Phục vụ Hành chính công xã Bà Nà
Sáng 2-7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh kiểm tra hoạt động của Trung tâm Phục vụ Hành chính công xã Bà Nà. Cùng đi có lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Sáp nhập 2 trường cao đẳng, đổi tên thành Trường Cao đẳng Đà Nẵng
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn ký Quyết định số 1867/QĐ-BGDĐT ngày 3-7-2025, sáp nhập nguyên trạng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng vào Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng và đổi tên thành Trường Cao đẳng Đà Nẵng.
Tập huấn phần mềm quản lý văn bản và điều hành cho các phường, xã mới của thành phố Đà Nẵng sau sáp nhập
Sáng 02-7, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức chương trình tập huấn sử dụng Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành cho các phường, xã mới của thành phố Đà Nẵng sau sáp nhập.
Lắng đọng đêm nhạc Nguyễn Duy Khoái "Khi trái tim vẫn hồng"
Tối 2-7, tại Nhà hát Trưng Vương, hàng trăm khán giả đến tham dự Đêm nhạc Nguyễn Duy Khoái "Khi trái tim vẫn hồng" do Chi hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Đà Nẵng, Hội Âm nhạc Đà Nẵng, gia đình và thân hữu nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái cùng hợp tác thực hiện. Đêm nhạc nhằm ghi nhận và tri ân những thành tựu âm nhạc trong hơn 50 năm qua dành cho nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái - người đã cống hiến hơn nửa thế kỷ cho âm nhạc quê hương. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi dự đêm nhạc.
Việt Nam được du khách Hàn Quốc chọn là điểm đến hàng đầu khu vực ASEAN
Sáng 2-7, Đại học Duy Tân phối hợp với các đối tác ASEAN và Hàn Quốc tổ chức khai mạc Hội nghị “Bàn tròn Du lịch ASEAN-Hàn Quốc” lần thứ nhất năm 2025. Đến dự có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Yong Ho Seong, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Anh Tuấn.
Chưa có bình luận ý kiến bài viết!