Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam qua nửa thế kỷ
Sáng 2-7, Hội thảo “Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025)” được tổ chức với mong muốn nhìn nhận và đánh giá một cách toàn diện về những thành quả, giá trị và vị trí của phim chiến tranh trong sự phát triển của điện ảnh nói riêng, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới nói chung.
Hội thảo nằm trong chương trình trọng điểm xoay quanh chủ đề “Nửa thế kỷ phim Việt Nam về chiến tranh”, trong khuôn khổ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ Ba, năm 2025 (DANAFF III). Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi tham dự và phát biểu tại hội thảo.

Chiến tranh - với tất cả những mất mát, hy sinh và khát vọng hòa bình - luôn là một đề tài lớn trong nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh. Từ sau ngày thống nhất đất nước, các nhà làm phim Việt Nam đã không ngừng tìm tòi, đổi mới cách thể hiện để phản ánh chiến tranh không chỉ như một bản anh hùng ca, mà còn là hành trình nhân văn, sâu sắc về con người, về ký ức và sự hòa giải.
Những tác phẩm như “Cánh đồng hoang”, “Ngã ba Đồng Lộc” hay “Truyền thuyết về Quán Tiên” không chỉ ghi dấu ấn nghệ thuật, mà còn là những lát cắt chân thực về lịch sử, góp phần nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng nhân ái và khát vọng sống trong mỗi thế hệ người Việt.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Anh cho biết, hội thảo là dịp để những chuyên gia, nhà làm phim cùng nhìn lại chặng đường 50 năm của dòng phim chiến tranh Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất với một hành trình đầy tâm huyết, sáng tạo và cống hiến.
Đây cũng là cơ hội để các nhà quản lý, các thế hệ nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và công chúng cùng trao đổi, đánh giá và định hướng cho tương lai của dòng phim này trong bối cảnh mới, khi điện ảnh không chỉ là nghệ thuật, mà còn là một ngành công nghiệp văn hóa quan trọng.
Đặc biệt, phim chiến tranh sau thống nhất không chỉ là tư liệu lịch sử, mà còn là công cụ giáo dục lòng yêu nước và lịch sử hào hùng dân tộc. Những bộ phim này giúp người trẻ hiểu được giá trị của hòa bình và sự hy sinh của các thế hệ cha ông.

“Thành phố Đà Nẵng luôn trân trọng những giá trị nghệ thuật đích thực. Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các hoạt động điện ảnh, đặc biệt là những chương trình mang tính chiều sâu như hôm nay, được tổ chức thường xuyên, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử đến với công chúng trong nước và quốc tế”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi khẳng định.
Tham luận của các diễn giả tại hội thảo tập trung làm rõ những nét nổi bật của phim về chiến tranh từ sau ngày đất nước thống nhất; yếu tố được quan tâm nhất khi sáng tác (kịch bản, phim) với tư cách là nhà biên kịch/ đạo diễn; những nét mới trong nội dung và hình thức thể hiện của phim về chiến tranh từ sau 1975 so với phim thời chiến; đánh giá thành công của phim chiến tranh trong nửa thế kỷ qua.
Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, phim tài liệu chiến tranh từng giữ vị trí tiên phong trong thời chiến, sau chiến tranh dường như đã nhường chỗ cho phim truyện. Các nhà làm phim truyện đã có sự gián cách thời gian để nhìn lại cuộc chiến, chiêm nghiệm những giá trị lớn lao của phẩm giá anh hùng, niềm tự hào dân tộc và cái giá của những hy sinh mất mát. Điều này được thể hiện trong những bộ phim phản ánh cuộc sống những ngày đầu hoà bình, trong đó những vết thương chiến tranh cả về thể xác và tinh thần ngày đêm còn âm ỉ rỉ máu.
Nhưng ngay cả phim phản ánh chiến tranh một cách trực diện thì dường như sự chiêm nghiệm cũng đạt được độ khái quát cao, dưới bề mặt của bom đạn, khói lửa, của sự chiến đấu anh dũng và hy sinh, mất mát đã kết tinh những triết lý - đạo lý Việt Nam.

Theo đạo diễn NSƯT Bùi Tuấn Dũng, một bộ phim chiến tranh tốt, cần tái hiện trung thực bối cảnh, sự kiện và nhân vật. Phản ánh sự thật lịch sử, không bóp méo hay tô hồng quá mức. Phải cho người xem thấy được tính hai mặt của một cuộc chiến, thấy cả vinh quang và bi kịch của chiến tranh. Phim không chỉ kể chuyện đánh đấm, giết chóc, mà còn đi sâu vào cuộc đời, sự hi sinh, hoặc dũng cảm, hoặc đớn hèn và lựa chọn cá nhân của mỗi người - điều tạo nên sự thuyết phục mạnh mẽ chính kiến của mỗi nhân vật trong mỗi tình huống, mỗi sự kiện trong chiến cuộc mà nhân vật phải trải qua.
“Một bộ phim chiến tranh thực sự tốt luôn mang thông điệp về sự thứ tha, đoàn kết, tình yêu tổ quốc, lòng nhân ái, hay sự đổ vỡ không thể cứu vãn của một dân tộc, của loài người một khi chiến tranh xảy ra. Thông qua câu chuyện phim, những thông điệp đó là sự gợi mở đáng suy ngẫm và không áp đặt. Một bộ phim chiến tranh hay không giáo điều, không định hướng suy nghĩ, mà gợi mở để người xem tự tư duy về lịch sử, về nhân loại, về dân tộc và tự đặt câu hỏi với chính bản thân mình bằng những triết lý nhân sinh”, đạo diễn NSƯT Bùi Tuấn Dũng chia sẻ tại hội thảo.
NGÔ HUYỀN
Sáp nhập 2 trường cao đẳng, đổi tên thành Trường Cao đẳng Đà Nẵng
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn ký Quyết định số 1867/QĐ-BGDĐT ngày 3-7-2025, sáp nhập nguyên trạng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng vào Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng và đổi tên thành Trường Cao đẳng Đà Nẵng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh kiểm tra hoạt động của Trung tâm Phục vụ Hành chính công xã Bà Nà
Sáng 2-7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh kiểm tra hoạt động của Trung tâm Phục vụ Hành chính công xã Bà Nà. Cùng đi có lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Tập huấn phần mềm quản lý văn bản và điều hành cho các phường, xã mới của thành phố Đà Nẵng sau sáp nhập
Sáng 02-7, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức chương trình tập huấn sử dụng Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành cho các phường, xã mới của thành phố Đà Nẵng sau sáp nhập.
Lắng đọng đêm nhạc Nguyễn Duy Khoái "Khi trái tim vẫn hồng"
Tối 2-7, tại Nhà hát Trưng Vương, hàng trăm khán giả đến tham dự Đêm nhạc Nguyễn Duy Khoái "Khi trái tim vẫn hồng" do Chi hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Đà Nẵng, Hội Âm nhạc Đà Nẵng, gia đình và thân hữu nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái cùng hợp tác thực hiện. Đêm nhạc nhằm ghi nhận và tri ân những thành tựu âm nhạc trong hơn 50 năm qua dành cho nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái - người đã cống hiến hơn nửa thế kỷ cho âm nhạc quê hương. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi dự đêm nhạc.
Việt Nam được du khách Hàn Quốc chọn là điểm đến hàng đầu khu vực ASEAN
Sáng 2-7, Đại học Duy Tân phối hợp với các đối tác ASEAN và Hàn Quốc tổ chức khai mạc Hội nghị “Bàn tròn Du lịch ASEAN-Hàn Quốc” lần thứ nhất năm 2025. Đến dự có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Yong Ho Seong, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Anh Tuấn.
Chưa có bình luận ý kiến bài viết!