Đầu tư toàn diện cho giáo dục
Giáo dục luôn là nền tảng cốt lõi, đóng vai trò động lực quan trọng trong phát triển bền vững của thành phố. Những kết quả đạt được thời gian qua không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược, mà còn khẳng định cam kết mạnh mẽ của Đà Nẵng trong việc vun đắp nguồn lực cho tương lai.
Nhiều quyết sách đầu tư cho giáo dục
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đà Nẵng dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực giáo dục. Từ đổi mới chương trình, tinh gọn bộ máy quản lý đến mở rộng mạng lưới trường lớp, nhiều chủ trương và chính sách được triển khai theo hướng đồng bộ, bền vững.
Trong số đó, việc đầu tư bài bản cho cơ sở vật chất trường học được xem là điểm nhấn nổi bật và xuyên suốt của nhiệm kỳ qua. Từ chủ trương lớn đến thực tiễn, khoảng cách được rút ngắn nhờ sự vào cuộc trực tiếp của người đứng đầu chính quyền thành phố.
Trước khi có những con số hàng nghìn tỷ đồng được phê duyệt, đã có những bước chân đi đến tận nơi, những buổi làm việc ngay tại các điểm trường xuống cấp, nơi mà Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh trực tiếp kiểm tra, lắng nghe phản ánh của đội ngũ giáo viên, khảo sát hiện trạng phòng học, sân chơi, nhà vệ sinh... Qua đó, Chủ tịch UBND thành phố đưa ra những chỉ đạo nóng, sát với tình hình.
Gân đây nhất, vào tháng 3 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh trực tiếp có mặt tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), nơi nhiều dãy lớp học đã xuống cấp trầm trọng sau hơn hai thập kỷ sử dụng.

Tường loang lổ, hành lang bong tróc, sân trường lầy lội… là hình ảnh hiện hữu mà không cần qua báo cáo, cũng đủ để người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu tháo dỡ toàn bộ khối phòng học cũ, xây dựng mới khối nhà bốn tầng và cải tạo các hạng mục còn lại.
Đó chỉ là một trong nhiều chuyến đi thực tế của Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tại các điểm trường xuống cấp trên địa bàn. Những lần trực tiếp xuống cơ sở không chỉ cho thấy sự quan tâm cụ thể, sát sao của lãnh đạo thành phố đối với ngành giáo dục, mà còn đặt nền tảng vững chắc cho những quyết định đầu tư trọng tâm, dài hạn.
Từ những ghi nhận của lãnh đạo thành phố tại hiện trường, các chủ trương đầu tư bắt đầu hình thành một cách có hệ thống. Trên cơ sở tham mưu của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố đã phê duyệt Đề án Xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021–2025, với tổng mức đầu tư hơn 4.300 tỷ đồng.
Đây không chỉ là nguồn lực đầu tư lớn, mà còn là bước đi mang tính nền tảng, định hướng dài hạn cho sự phát triển giáo dục tại tất cả quận, huyện trên địa bàn.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến nay, toàn thành phố có 71 công trình trường học được hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng vốn gần 947 tỷ đồng; 35 công trình đang triển khai, tổng mức đầu tư trên 804 tỷ đồng; 60 công trình đã được duyệt chủ trương đầu tư và 47 công trình khác đang chuẩn bị hồ sơ.
Các hạng mục từ phòng học, phòng chức năng đến khu bán trú, nhà vệ sinh đều được đầu tư bài bản, đáp ứng tiêu chí của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Song song với đó, nhiều công trình trường học mới đang được thành phố đẩy nhanh tiến độ như: Trường THCS Nguyễn Văn Cừ với tổng vốn hơn 44 tỷ đồng, hay Trường Tiểu học Võ Thị Sáu – cơ sở 2 (giai đoạn 1) với gần 42 tỷ đồng đầu tư.

Những dự án này không chỉ góp phần giảm tải áp lực tuyển sinh tại các trường hiện hữu, mà còn từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, mang đến môi trường học tập tốt hơn cho học sinh trên địa bàn.
Không chỉ chú trọng xây mới, thành phố cũng tập trung cải tạo nhiều trường học đã xuống cấp nghiêm trọng, nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng dạy học. Tiêu biểu là Trường THCS Phan Bội Châu và Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh (quận Sơn Trà), những công trình được xây dựng cách đây gần 30 năm, hiện không còn đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và học tập trong tình hình mới. Tổng kinh phí đề xuất cải tạo, nâng cấp hai ngôi trường này lên đến khoảng 170 tỷ đồng.
Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Bích Thuận cho biết, thời gian qua, thành phố luôn quan tâm sâu sát môi trường học tập của học sinh, hướng đến xây dựng hệ thống trường lớp sạch đẹp, thân thiện, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Dự kiến đến năm học 2025-2026, toàn thành phố sẽ có 452 trường học với hơn 339.000 học sinh, trong đó số trường công lập tăng 18 trường so với năm học 2019-2020.
Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, chính quyền thành phố còn chú trọng hoàn thiện các chính sách giáo dục theo hướng nhân văn, hiệu quả. Trong đó, nổi bật là chủ trương hỗ trợ học phí cho học sinh các cấp, thể hiện rõ tinh thần sẻ chia và cam kết không để bất kỳ học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Dấu ấn đáng tự hào
Không dừng lại ở việc đầu tư cơ sở vật chất, thành phố Đà Nẵng luôn xác định con người là yếu tố then chốt để nâng tầm chất lượng giáo dục. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, từ 2021–2024, hàng nghìn lượt cán bộ, giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng ở nhiều cấp độ; riêng năm 2024 có 283 người được đào tạo, trong đó 42 người hoàn thành chương trình thạc sĩ.
Năm 2022 có 295 người được bồi dưỡng nâng cao trình độ; năm 2024 có 283 người tiếp tục được đào tạo, trong đó có 42 người hoàn thành chương trình thạc sĩ. Số lượng giáo viên đạt chuẩn cao, thích ứng nhanh trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các cơ sở giáo dục chủ động, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục phù hợp điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động dạy học, giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh; đa dạng hóa các hình thức học tập, tăng cường giáo dục kỹ năng sống; có nhiều mô hình mới, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng, phát triển toàn diện học sinh.

Đà Nẵng luôn xác định con người là yếu tố then chốt để nâng tầm chất lượng giáo dục
Công tác đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đạt những kết quả tích cực. Các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức an toàn, nghiêm túc, theo đúng quy chế. Tỷ lệ trẻ đi học đúng độ tuổi tiểu học đạt 100%.
Đến nay, các quận, huyện, phường, xã đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em năm tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đúng độ tuổi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 100% quận, huyện đạt chuẩn xóa mù chữ.
Năm học 2024 - 2025, chất lượng giáo dục ở các ngành học, bậc học của Đà Nẵng tiếp tục được giữ vững; học sinh thành phố ghi dấu ấn tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố và cấp quốc gia.
Tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 9, lớp 12 cấp thành phố, có 3.590 học sinh dự thi đoạt giải; kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia lớp 12, Đà Nẵng có 70/107 học sinh dự thi đọat giải, trong đó, có 6 giải nhất, 13 giải nhì, 21 giải ba và 30 giải khuyến khích.
Học sinh Đà Nẵng đoạt 1 giải nhất, 1 giải khuyến khích; 1 giải triển vọng Quốc gia kỳ thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 54; 1 giải nhất, 1 giải nhì và 1 giải ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học toàn quốc, 5 giải nhất, 1 giải nhì, 5 giải ba và 13 giải khuyến khích hội thi Tin học trẻ quốc gia.
Đặc biệt, các học sinh Huỳnh Huy Hưng và Nguyễn Nhật Tuấn Kiệt, lớp 12A4 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đoạt giải nhì tại hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế Regeneron ISEF 2025 tại Hoa Kỳ; học sinh Trần Quang Nhật, lớp 12A2 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đoạt huy chương vàng tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 2 được tổ chức tại Turkmenistan.
Mới đây nhất, học sinh Cáp Hoàng Kim Bảo, lớp 11A3 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, xuất sắc đoạt huy chương đồng tại Olympic Vật lý châu Âu (EuPhO) 2025.
Olympic Vật lý châu Âu là một trong những sân chơi trí tuệ danh giá bậc nhất thế giới dành cho học sinh trung học, với cách thức tổ chức tương tự các kỳ thi như Olympic Vật lý quốc tế (IPhO) và Olympic Vật lý châu Á (APhO).

Theo Sở GD&ĐT thành phố, trong giai đoạn tiếp theo, ngành giáo dục xác định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện từ mục tiêu đến nội dung, phương pháp giáo dục. Trọng tâm là phát huy năng lực tự học, tư duy phản biện và khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh; đẩy mạnh dạy học tích hợp liên môn, giáo dục STEM, phát triển phẩm chất, năng lực công dân toàn cầu, kỹ năng sống, tinh thần khởi nghiệp.
Đặc biệt, thành phố đang từng bước triển khai định hướng đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong hệ thống giáo dục phổ thông. Trong đó, tăng cường dạy học bằng tiếng Anh tại các trường chuyên và các trường có điều kiện phù hợp, góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ hội nhập.
Có thể nói, từ nền móng vững chắc được gây dựng trong nhiều năm qua, giáo dục Đà Nẵng đang đứng trước nhiều cơ hội bứt phá trong giai đoạn tới. Với quyết tâm cao của chính quyền thành phố, sự đồng hành của đội ngũ nhà giáo và khát vọng vươn lên của thế hệ học sinh, Đà Nẵng hoàn toàn có cơ sở để xây dựng một hệ thống giáo dục toàn diện, nơi tri thức được ươm mầm, tài năng được chắp cánh và tương lai được định hình bằng chính nội lực bền vững bên trong.
THANH HẢI

Sáp nhập 2 trường cao đẳng, đổi tên thành Trường Cao đẳng Đà Nẵng
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn ký Quyết định số 1867/QĐ-BGDĐT ngày 3-7-2025, sáp nhập nguyên trạng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng vào Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng và đổi tên thành Trường Cao đẳng Đà Nẵng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh kiểm tra hoạt động của Trung tâm Phục vụ Hành chính công xã Bà Nà
Sáng 2-7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh kiểm tra hoạt động của Trung tâm Phục vụ Hành chính công xã Bà Nà. Cùng đi có lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Tập huấn phần mềm quản lý văn bản và điều hành cho các phường, xã mới của thành phố Đà Nẵng sau sáp nhập
Sáng 02-7, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức chương trình tập huấn sử dụng Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành cho các phường, xã mới của thành phố Đà Nẵng sau sáp nhập.
Việt Nam được du khách Hàn Quốc chọn là điểm đến hàng đầu khu vực ASEAN
Sáng 2-7, Đại học Duy Tân phối hợp với các đối tác ASEAN và Hàn Quốc tổ chức khai mạc Hội nghị “Bàn tròn Du lịch ASEAN-Hàn Quốc” lần thứ nhất năm 2025. Đến dự có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Yong Ho Seong, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Anh Tuấn.
Lắng đọng đêm nhạc Nguyễn Duy Khoái "Khi trái tim vẫn hồng"
Tối 2-7, tại Nhà hát Trưng Vương, hàng trăm khán giả đến tham dự Đêm nhạc Nguyễn Duy Khoái "Khi trái tim vẫn hồng" do Chi hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Đà Nẵng, Hội Âm nhạc Đà Nẵng, gia đình và thân hữu nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái cùng hợp tác thực hiện. Đêm nhạc nhằm ghi nhận và tri ân những thành tựu âm nhạc trong hơn 50 năm qua dành cho nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái - người đã cống hiến hơn nửa thế kỷ cho âm nhạc quê hương. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi dự đêm nhạc.
Chưa có bình luận ý kiến bài viết!