Bài phát biểu xây dựng chính quyền của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố
Đăng ngày 06-07-2020 04:50, Lượt xem: 3598

Tại kỳ họp thứ 15 của HĐND thành phố, Thay mặt Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đặng Thị Kim Liên đã có bài phát biểu xây dựng chính quyền, phản ảnh những ý kiến nguyện vọng của cử tri thành phố gửi đến HĐND thành phố. 

Cổng Thông tin điện tử xin trân trọng đăng tải toàn văn bài phát biểu này 

 

Những tháng đầu năm nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội cả nước và thành phố. Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng của thành phố suy giảm và có mức tăng trưởng thấp. Hiện nay, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, cả nước và thành phố đang chuyển sang trạng thái vừa tập trung công tác phòng chống dịch, vừa thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.

Từ sau Kỳ họp thứ 12 HĐND thành phố đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tổng hợp được 105 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên. Thay mặt Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, tôi xin trình bày tâm tư, nguyện vọng, những ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 15 như sau:

I. TÂM TƯ, NGUYỆN VỌNG, Ý KIẾN CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN

Cử tri và Nhân dân tin tưởng, đánh giá cao sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Thành ủy, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của chính quyền thành phố, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vì Đà Nẵng là thành phố du lịch, địa bàn trọng điểm, có cảng biển, sân bay quốc tế, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Cử tri và Nhân dân bày tỏ sự cảm phục, trân trọng trước những nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng phòng, chống dịch, nhất là ngành Y tế, lực lượng Quân đội, Công an, cán bộ ở cơ sở. Nhiều tấm gương tận tâm hết mình, không quản ngại vất vả, hiểm nguy, xông pha trên tuyến đầu chống dịch, để lại ấn tượng đẹp trong lòng Nhân dân.

Với truyền thống yêu nước nồng nàn, tình nghĩa đồng bào sâu đậm, trong lúc khó khăn bởi đại dịch Covid-19, nhiều nghĩa cử cao đẹp đã lan tỏa trong cộng đồng. Đó là những suất cơm tình nghĩa, cây ATM gạo, siêu thị không đồng, phiên chợ nhân đạo; đó là những cụ già, những cán bộ hưu trí, anh chị tiểu thương, em học sinh, các doanh nghiệp, tổ chức đã tích cực ủng hộ tiền, hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch, khẳng định sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin vững chắc của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Nhân diễn đàn hôm nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố - Đơn vị tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 xin trân trọng cảm ơn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã đồng lòng, chung tay góp sức cùng thành phố phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội (1).

Cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao Thành ủy, chính quyền thành phố đã chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ “kép”: vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh, trật tự an toàn xã hội. Ngày 19/5/2020, BTV Thành ủy đã ban hành Chỉ thi số 40-CT/TU về lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát. Tại Kỳ họp thứ 14 (bất thường), HĐND thành phố đã ra Nghị quyết số 298/NQ-HĐND về một số giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố trong tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát.    

Cử tri và Nhân dân phấn khởi khi gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng của Chính phủ bước đầu đã hoàn thành việc chi hỗ trợ đến người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Mặt trận các cấp đã vào cuộc giám sát chặt chẽ, đảm bảo việc chi hỗ trợ chính xác, minh bạch, không xảy ra tiêu cực(2). Việc rà soát, lập danh sách, chi hỗ trợ cho người lao động, hộ kinh doanh, doanh nghiệp gặp khó khăn đang có nhiều vướng mắc cần được giải quyết(3). Ngoài các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, thành phố đã có chính sách riêng, hỗ trợ cho một số đối tượng đặc thù gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 như giáo viên, nhân viên làm việc theo hợp đồng lao động tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập của bậc học mầm non và phổ thông. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân còn lo lắng trước những khó khăn, thách thức do dịch bệnh gây ra, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, nhiều người lao động mất việc làm, đời sống rất khó khăn. 

Cử tri và Nhân dân ghi nhận sự nỗ lực của chính quyền thành phố trong 6 tháng đầu năm vừa phòng, chống dịch thành công vừa quyết liệt thực hiện “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư” với nhiều giải pháp hiệu quả, đưa vào hoạt động đúng tiến độ cam kết và khởi công, mở rộng một số dự án lớn. Thành phố đã tập trung tháo gỡ khó khăn, đôn đốc tiến độ triển khai, khởi công nhiều dự án, công trình trọng điểm quy mô lớn. Nhờ đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực, 6 tháng đầu năm ước đạt 36% kế hoạch, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố. Sau 15 tháng khẩn trương xây dựng, Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với thiết kế Chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030 đã hoàn thiện, được thông qua tại Kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi, trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội khóa XIV đã nhất trí thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Từ tháng 1/2020, việc thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã có tác động tích cực, nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Cử tri và Nhân dân mong muốn việc thực hiện Nghị định được duy trì thường xuyên, nghiêm túc, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Cử tri và Nhân dân bất bình, lên án hành vi đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ và còn lo lắng, bất an khi tham gia giao thông vì nỗi ám ảnh xe container, xe ben, xe tải chở đất, đá “lộng hành” trên đường. Đề nghị lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo an toàn cho người dân.

Cử tri và Nhân dân thành phố kiên quyết phản đối việc Trung Quốc thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và trái với các thỏa thuận giữa hai nước, làm phức tạp tình hình ở Biển Đông. Cử tri và Nhân dân thành phố yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ quyết định sai trái trên và chấm dứt các hoạt động bất hợp pháp trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

II. KIẾN NGHỊ

Tại Kỳ họp HĐND thành phố cuối năm 2019, Ủy ban MTTQ thành phố đã kiến nghị ba vấn đề về: chất lượng các công trình dân sinh, xử lý đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng dự án và bảo vệ phụ nữ, trẻ em trước nguy cơ bạo hành, xâm hại tình dục. Qua theo dõi, giám sát chúng tôi nhận thấy, tuy gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng chính quyền thành phố đã tập trung từng bước giải quyết các kiến nghị.

Kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố kiến nghị 4 vấn đề sau:

Thứ nhất, đề nghị chính quyền thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, quận-huyện xây dựng, thực hiện hiệu quả phương án phát triển kinh tế-xã hội gắn với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức biểu dương, khen thưởng những điển hình tiêu biểu trong phòng, chống dịch Covid-19 để tinh thần chống dịch bệnh trong thời gian vừa qua được tiếp tục phát huy trong ổn định, phát triển kinh tế-xã hội hiện nay. Sau khi được Chính phủ phê duyệt, đề nghị chính quyền thành phố cụ thể hóa, chỉ đạo triển khai Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, làm cơ sở cho việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng. Đồng thời tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia, nhà khoa học tăng cường tư vấn, phản biện để hoàn thiện các chủ trương, chính sách, dự án nhằm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, phát triển kinh tế-xã hội thành phố.

Thứ hai, đối diện với đại dịch Covid-19, du lịch là ngành kinh tế bị thiệt hại nặng nề nhất nhưng dự báo cũng là ngành được phục hồi nhanh khi dịch bệnh được kiểm soát. Hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, cùng với chương trình kích cầu du lịch hậu Covid-19 có tên “Đà Nẵng Tri ân” của Sở Du lịch đang tạo được hiệu ứng khá tích cực, đề nghị chính quyền thành phố khẩn trương hoàn thiện và triển khai Đề án Phát triển kinh tế ban đêm, sớm ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch, dịch vụ gắn với phát triển kinh tế về đêm, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới lạ, hấp dẫn để thu hút du khách đến Đà Nẵng, nhanh chóng phục hồi hoạt động du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Thứ ba, thành phố hiện có hơn 120 bè cá trên sông. Các hộ nuôi cá đầu tư kinh phí lớn từ 300 đến 500 triệu đồng/bè, thu nhập hiệu quả từ 12 đến 20 triệu đồng/tháng, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động thường xuyên và 300 lao động thời vụ. Các hộ, người lao động nuôi cá đa số tuổi đã cao nên việc chuyển đổi ngành nghề rất khó khăn. Đề nghị thành phố có chính sách nhất quán, tiếp tục tạo điều kiện hoạt động và quản lý chặt chẽ các hộ nuôi cá lồng bè trên sông, quy hoạch vùng neo đậu phù hợp đảm bảo mỹ quan, kiểm tra, giám sát hoạt động không gây ô nhiễm môi trường nước. Ngoài hiệu quả kinh tế, các hộ nuôi cá lồng bè còn có thể góp phần phục vụ phát triển du lịch đường sông của thành phố.

Hiện nay, có một số ngư dân khai thác hải sản bằng nghề “giả cào lộng” và “te điện”, sử dụng đèn pha công suất lớn tác động xấu đến môi trường và làm tận diệt nguồn thủy hải sản. Đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm để bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản.

Thứ tư, đề nghị Thường trực HĐND thành phố tổ chức nhiều hơn các phiên họp giải trình để đôn đốc UBND, các ngành, địa phương thực hiện nghị quyết kỳ họp và cam kết chất vấn. Đề nghị UBND thành phố tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu sở, ngành, địa phương về sự chậm trễ trong việc giải quyết, trả lời ý kiến cử tri.

Trên đây là ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân thành phố gửi đến Kỳ họp thứ 15. Trân trọng đề nghị HĐND, UBND thành phố và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, thực hiện và thông báo việc thực hiện cho Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, cử tri và Nhân dân biết để giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố diễn ra trước thềm Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025. Đại hội là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại đối với chặng đường phát triển của thành phố Đà Nẵng trong thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI. Cử tri và Nhân dân thể hiện sự tin tưởng vào quá trình chuẩn bị đại hội XXII Đảng bộ thành phố, đặc biệt quan tâm đến nội dung văn kiện và công tác nhân sự của Đại hội. Đã có nhiều ý kiến rất tâm huyết của cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội, làm cho báo cáo chính trị thật sự hội tụ, thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân. Cử tri và Nhân dân mong muốn, tin tưởng Đại hội sẽ lựa chọn những cán bộ tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, năng lực và uy tín, xứng đáng tham gia BCH Đảng bộ thành phố khóa mới, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.