Ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng đi vào chiều sâu trong công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính
Đăng ngày 30-10-2020 02:46, Lượt xem: 468

Chiều 29-10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì Hội nghị công bố xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, địa phương trên địa bàn thành phố 2019, với kết quả Sở Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội, UBND quận Thanh Khê, và UBND phường Hoà Hiệp Bắc tương ứng là 4 đơn vị đứng đầu 4 nhóm: nhóm sở, ban, ngành; nhóm các cơ quan Trung ương; nhóm quận, huyện; nhóm UBND các phường, xã.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì Hội nghị công bố xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, địa phương trên địa bàn thành phố 2019

Nhiều đơn vị có thứ hạng tăng mạnh trong năm 2019

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh cho biết, theo các chủ trương, mục tiêu của Chính phủ và thành phố về xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, năm 2019 Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) có yêu cầu cao hơn so với năm 2018, tuy vậy, kết quả đánh giá thực tế vẫn đạt kết quả cao. Điều này cho thấy, hoạt động ứng dụng CNTT ngày càng đi vào chiều sâu trong công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính.

Ở nhóm sở, ban, ngành, điểm bình quân về chỉ số hạ tầng, ứng dụng và chính sách của các cơ quan đều tăng so với năm 2018, chỉ số nhân lực CNTT giảm nhẹ, với 7 cơ quan xếp loại Tốt, 10 cơ quan xếp loại Khá, và 7 cơ quan xếp loại Trung bình; năm 2019 không có cơ quan xếp loại Yếu (năm 2018 có 3 cơ quan). Trong đó, các đơn vị dẫn đầu là Sở Thông tin và Truyền thông (tổng điểm 97,20), Sở Giao thông vận tải (tổng điểm 93,84), Sở Nội vụ (tổng điểm 93,06), Sở Khoa học và Công nghệ (tổng điểm 90,93); không thay đổi so với năm 2018. Cùng với đó, một số cơ quan đã nỗ lực triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT, tăng vị trí xếp hạng như Sở Du lịch (từ hạng 9 lên hạng 5), Sở Kế hoạch và Đầu tư (từ hạng 11 lên hạng 8); Sở Tài nguyên và Môi trường (từ hạng 20 lên hạng 10).

Nhóm các cơ quan Trung ương có 3 đơn vị xếp loại Tốt và 3 đơn vị xếp loại Khá, không có loại Trung bình và Yếu (năm 2018 có 1 cơ quan xếp loại Trung bình và 1 cơ quan xếp loại Yếu). Trong đó 2 đơn vị dẫn đầu là Bảo hiểm xã hội (93,97) và Cục Thuế (91,18). Kết quả đánh giá cho thấy, so với năm 2018, các cơ quan Trung ương đã quan tâm hơn trong việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đồng thời, tích cực hơn trong việc triển khai sử dụng các phần mềm, ứng dụng như Một cửa điện tử, Quản lý văn bản điều hành…

Đối với nhóm UBND các quận, huyện, hầu như điểm bình quân năm 2019 các chỉ số đều cao hơn so với 2018, với 5 cơ quan xếp loại Tốt và 2 cơ quan xếp loại Khá, không có cơ quan xếp loại Trung bình (năm 2018 có 1 cơ quan xếp loại Trung bình). Trong đó, 3 địa phương dẫn đầu là UBND quận Thanh Khê (tổng điểm 91,44), UBND huyện Hoà Vang (tổng điểm 90,41), UBND quận Liên Chiểu (tổng điểm 86,38). Năm 2019, hạ tầng kỹ thuật của UBND các quận, huyện so với năm 2018 có sự cải thiện lớn; đồng thời, nhóm chỉ số nhân lực và chính sách CNTT của các quận, huyện có cải thiện; cán bộ chuyên trách CNTT tại UBND các quận, huyện bảo đảm về năng lực, phát huy vai trò tham mưu triển khai công tác ứng dụng CNTT.

Năm 2019, vị trí các phường, xã có nhiều sự thay đổi lớn. Một số địa phương tăng hạng ấn tượng như: Hòa Bắc (từ hạng 25 lên hạng 5), Hòa Phước (từ hạng 14 lên hạng 6), Tân Chính (từ hạng 17 lên hạng 7), Khuê Trung (từ hạng 28 lên hạng 8), Hòa Sơn (từ hạng 43 lên hạng 12), Thọ Quang (từ hạng 31 lên hạng 13), Hải Châu 2 (từ hạng 46 lên hạng 18). Trong đó, 3 địa phương dẫn đầu là UBND phường Hoà Hiệp Bắc (tổng điểm 88,12), UBND phường Hoà An (tổng điểm 86,62), UBND phường Thạc Gián (tổng điểm 85,26). Kết quả đánh giá cho thấy, điểm bình quân các chỉ số ở nhóm UBND các phường xã đa phần giảm so với năm 2018; đặc biệt, cả 3 địa phương xếp loại Yếu là UBND phường Mỹ An, UBND phường Khuê Mỹ, UBND phường Hoà Quý đều thuộc quận Ngũ Hành Sơn.

Nhìn chung, sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, địa phương trong công tác ứng dụng CNTT đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, Cổng dịch vụ công thành phố có 1.632 dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ 97% (1.632/1.682); các thủ tục hành chính của quận, huyện, xã, phường đã đạt 100% trực tuyến; đặc biệt bảo đảm, sẵn sàng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh Covid-19, giảm việc ra đường và tập trung đông người.

Riêng dịch vụ công trực tuyến mức 4 đã triển khai 753 dịch vụ (nộp hồ sơ qua mạng, trả lệ phí qua mạng và nhận kết quả qua mạng); đạt tỷ lệ 48% trên tổng số thủ tục hành chính của thành phố, vượt giá trị 30% giao các địa phương vào cuối năm 2020 theo Nghị quyết 17/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Nghị quyết số 02/2020/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

Thành phố đã tích hợp được 391 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và là địa phương tích hợp nhiều dịch vụ công trực tuyến nhất trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỉ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến trung bình đạt 54% trên tổng số hồ sơ dịch vụ công; ứng dụng Văn bản điện tử, giảm thời gian nhận và xử lý văn bản tại các cơ quan từ 8 giờ xuống còn 4 giờ, triển khai ký số kết quả dịch vụ công.

Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid-19, thành phố cũng kịp thời đưa ra nhiều ứng dụng để phục vụ bênh cạnh ứng dụng BlueZone của Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông như: cơ sở dữ liệu tra cứu thông tin bệnh nhận, dịch tễ; Bản đồ Covid-19; Biểu đồ số liệu Covid-19; Quản lý vào ra chợ, siêu thị, tòa nhà nhiều người sử dụng, công khai người dân được hỗ trợ Covid-19…

Dịp này, UBND thành phố trao tặng Bằng khen cho 12 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác ứng dụng CNTT năm 2019.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh trao Bằng khen của UBND thành phố cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác ứng dụng CNTT năm 2019

Ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh nhấn mạnh, ứng dụng CNTT hiện đang là vấn đề cốt lõi trong tất cả các mặt của đời sống kinh tế xã hội  và điều hành của chính quyền. “Là địa phương thực hiện thí điểm chính quyền đô thị và đang triển khai đề án Thành phố thông minh, việc ứng dụng CNTT phải là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên ở tất cả các ngành trong hệ thống chính trị của thành phố”, Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh nêu rõ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố ghi nhận và đánh giá cao trách nhiệm triển khai ứng dụng CNTT của Sở Thông tin và Truyền thông nói chung, của lãnh đạo các cơ quan, địa phương, và đặc biệt là các cơ quan, địa phương đã nỗ lực triển khai ứng dụng CNTT hiệu quả, có thứ hạng tăng mạnh trong năm 2019 như Sở Tài nguyên và Môi trường (tăng 10 bậc), UBND xã Hòa Bắc (tăng 20 bậc). Đồng thời, lưu ý UBND quận Ngũ Hành Sơn cần quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác ứng dụng CNTT tại địa phương, nhằm cải thiện thứ hạng trong thời gian đến.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu chỉ đạo hội nghị

Theo Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh, để bảo đảm yêu cầu triển khai xây dựng Thành phố thông minh tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị và triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ, việc triển khai ứng dụng CNTT trên địa bàn thành phố còn nhiều nội dung, nhiệm vụ phải thực hiện, đặt ra yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, địa phương phải chủ động và trách nhiệm thường xuyên trong triển khai.

Do vậy, đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, địa phương cần tiếp tục tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 2586/KH-UBND của UBND thành phố về thực hiện Chương trình số 37-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy triển khai Chuyên đề “Tập trung đầu tư phát triển, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, điện tử viễn thông phù hợp với xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh”.

“Thủ trưởng các cơ quan, địa phương phải triển khai triệt để ký số kết quả thủ tục hành chính trả cho tổ chức, công dân. Mỗi cơ quan địa phương bảo đảm triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 và tối thiểu 50% dịch vụ công trực tuyến mức 4 vào cuối năm 2020; 100% cơ quan hoàn thành chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính và tích hợp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố yêu cầu.

Đối với Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh đề nghị cần khẩn trương hoàn thành trung tâm kết nối, chia sẻ dữ liệu chung của thành phố vào cuối năm 2021 để tích hợp dữ liệu số về môi trường, giao thông, camera an ninh, cấp phép xây dựng…; đồng thời, tăng cường tổ chức các chương trình tập huấn, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cũng như cán bộ làm công tác CNTT; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến và những tiện ích của chính quyền điện tử.

“Các đơn vị cần nhìn nhận, đánh giá lại kết quả của năm 2019, để có sự chỉ đạo cụ thể nhằm cải thiện những mặt còn hạn chế. Mục tiêu cuối cùng là cải thiện, nâng cao năng lực quản lý điều hành của cơ quan nhà nước, nâng cao hiệu quả giải quyết hồ sơ cho công dân, tổ chức”, Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác