Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố
Đăng ngày 04-10-2022 19:09, Lượt xem: 1025

Ngày 3-10, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 173/KH-UBND về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, với yêu cầu xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong công tác công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Kế hoạch nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế về phòng cháy chữa (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trong thời gian qua; tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các điều kiện an toàn PCCC đối với cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC theo quy định; nhận thức đầy đủ, sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC tại địa bàn, cơ sở. Tập trung xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, các mô hình, phong trào PCCC. Đồng thời, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tổ chức, ý thức chấp hành của cán bộ, công nhân viên chức, người dân trong công tác PCCC và CNCH.

Theo đó, các sở, ban, nganh, đoàn thể và UBND quận, huyện tập trung chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và các văn bản chỉ đạo của các bộ, ban ngành Trung ương; của Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố về công tác PCCC và CNCH đến cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân để nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác PCCC và CNCH.

Xác định công tác PCCC và CNCH là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, từ đó đưa ra quan điểm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác PCCC và CNCH với phương châm lấy phòng ngừa là chính; khi xảy ra cháy, tai nạn, sự cố phải nhanh chóng, kịp thời triển khai các biện pháp chữa cháy, CNCH theo phương châm “4 tại chỗ”, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy nổ, tai nạn sự cố gây ra.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phổ biến kiến thức, huấn luyện kỹ năng về PCCC và CNCH, trong đó tập trung tuyên truyền cho người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư, chủ hộ gia đình nhằm nâng cao ý thức, nhận thức và tinh thần trách nhiệm đối với công tác đảm bảo an toàn PCCC và CNCH. Thường xuyên duy trì và đẩy mạnh phong trào Toàn dân PCCC gắn với phong Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chú trọng xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình điểm về PCCC như mô hình tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng.

UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, nganh, đoàn thể và UBND quận, huyện đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phúc tra tổng thể về PCCC đối với các cơ sở nguy hiểm cháy nổ cao, đặc biệt là cơ sở kinh doanh karaoke, bar, vũ trường; các chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở trong Khu công nghệ cao, Khu công nghiệp, các kho, tổng kho xăng dầu, gas; chung cư, nhà cao tầng, các cơ sở nhà nghỉ, trọ; các cơ sở nguy hiểm cháy, nổ cao nằm sâu trong khu dân cư; khu tập trung đông dân cư, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh... Kịp thời phát hiện chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC và CNCH theo quy định.

Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về PCCC trong quản lý, đầu tư xây dựng cơ bản trước khi xem xét, phê duyệt dự án thiết kế và cấp phép xây dựng các dự án, công trình. Yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn dự án, giám sát thi công, tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC, nhất là các quy định liên quan đến thoát nạn, ngăn cháy, chống cháy lan. Kiên quyết không cấp phép đối với dự án, công trình không bảo đảm các yêu cầu về an toàn PCCC.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ, tai nạn sự cố gây thiệt hại về người và tài sản trong phạm vi cơ quan, đơn vị mình quản lý, xem đây là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi công vụ hàng năm.

UBND thành phố giao Công an thành phố tham mưu UBND thành phố thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Quyết định số 01/2022/QĐ-UBND ngày 10-1-2022 của UBND thành phố về quy định an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác PCCC và CNCH.

Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyên, phát sóng các chuyên mục về PCCC vào khung giờ vàng; tập trung phát các phóng sự, tin, bài khuyến cáo, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH, gương người tốt, việc tốt. Nghiêm túc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ và triển khai kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo của Bộ Công an, UBND thành phố về PCCC và CNCH đến Công an các đơn vị, địa phương cấp huyện, cấp xã. Tổ chức điều tra, rà soát, nắm chắc địa bàn, không để tình trạng bỏ sót, bỏ lọt địa bàn, cơ sở.

Công an thành phố có trách nhiệm tổ chức tốt lực lượng, đảm bảo phương tiện thường trực ở mức cao nhất, nhất là các phương tiện CNCH, phương tiện chữa cháy đối với nhà cao tầng, siêu cao tầng, kịp thời xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, nhất là thiệt hại về người. Tổ chức, phối hợp huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành; thực tập phương án chữa cháy, CNCH tại các khu dân cư và các cơ sở có tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao. Tổ chức điều tra làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, nếu xác định có dấu hiệu của tội phạm cần điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Công an thành phố chỉ đạo Công an cấp xã chủ động tham mưu UBND cấp xã thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH tại địa phương. Triển khai hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”; tuyên tuyền, hướng dẫn người dân nâng cao hiệu quả việc tự phòng ngừa, tự quản để kịp thời phát hiện và chữa cháy có hiệu quả làm kéo giảm thiệt hại về người và tài sản; kiểm tra, hướng dẫn hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, cơ sở được phân cấp quản lý bảo đảm nội dung và số lượt theo quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về PCCC và CNCH phát hiện trong quá trình kiểm tra; tham mưu UBND cấp xã chỉ đạo duy trì các điều kiện an toan về PCCC đối với khu dân cư; kiện toàn, trang bị phương tiện và tổ chức hoạt động của lực lượng dân phòng; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy của khu dân cư nhằm chủ động, kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ.

UBND thành phố giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Công an thành phố tham mưu, đề xuất UBND thành phố về việc rà soát, lập kế hoạch di dời kho chứa, công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hoá chất nguy hiểm về cháy, nổ ở khu dân cư, nơi tập trung đông người đảm bảo khoảng cách an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC. Kiểm tra, đôn đốc các đơn vị điện lực thực hiện việc kiểm tra, khắc phục kịp thời sự cố kỹ thuật nhằm ngăn ngừa cháy, nổ xảy ra trên đường dây, trạm biến áp theo quy định; đồng thời, phối hợp với Công an thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý và hướng dẫn cơ quan, tổ chức, người dân sử dụng điện an toàn, đặc biệt là đối với các chợ như chợ cồn, chợ Hàn, chợ Đầu mối Hòa Cường… và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các loại chất, hàng có đặc tính nguy hiểm cháy, nổ.

Sở Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ đưa nội dung phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH vào kế hoạch tuyên truyên, phổ biển giáo dục pháp luật hàng năm. Phối hợp với Công an thành phố, các ban, ngành có liên quan, Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh và truyền hình tăng cường thời lượng đưa tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn cho người dân; đăng tải, phổ biến rộng rãi các khuyến cáo, biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, các kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm; đưa tin tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong công tác PCCC và CNCH để nhân rộng điển hình, thúc đẩy phong trào "Toàn dân tham gia PCCC" trên địa bàn thành phố.

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC đối với các cơ sở Quốc phòng do đơn vị quản lý; phối hợp với Công an thành phố triển khai thực hiện tốt Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 5-9-2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng; phối hợp lực lượng Công an, Kiểm lâm và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả công tác PCCC rừng, phòng, chống thiên tai, bão, lũ, dịch bệnh, tìm kiếm CNCH...

UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC và CNCH cho các đối tượng là người làm việc trên tàu cá, cảng cá, chủ rừng và người dân sống ven rừng. Hướng dẫn Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang thực hiện tốt các quy định về PCCC va CNCH. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tăng cường lực lượng, bám sát địa bàn trực PCCC rừng; tổ chức thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm với lực lượng Công an, Quân đội trong công tác bảo vệ rừng, PCCC rừng; theo dõi chặt chẽ diễn biển thời tiết, khí hậu để chủ động tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp về PCCC.

UBND các quận, huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực PCCC và CNCH, nhất là đối với các cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ, khu dân cư, rừng và cơ sở thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Triển khai, giám sát việc thực hiện Quyết định số 01/2022/QĐ-UBND ngày 10-1-2022 cùa UBND thành phố Đà Nẵng đến các cơ quan quản lý và 100% chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh trên địa bàn. Chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức nắm tình hình, điều tra cơ bản, lập danh sách, lập hồ sơ quản lý về PCCC 100% cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, tuyệt đối không để sót lọt cơ sở; tổ chức kiểm tra an toàn PCCC đối với 100% các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cơ sở được phân cấp quản lý trong khu dân cư theo quy định.

Bên cạnh đó, yêu cầu chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, người đứng đầu cơ sở khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiến nghị (hoàn thành trong năm 2022). Hướng dẫn 100% nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa có lối thoát nạn thứ 2 phải mở lối thoát nạn thứ 2 (qua ban công, lô gia, lối lên mái, thang dây, ống tụt…) và tháo dỡ “chuồng cọp” tạo lối thoát nạn thứ 2; trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ; cài đặt và sử dụng ứng dụng Báo cháy 114 và Zalo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH.

UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện củng cố, xây dựng, duy trì và đảm bảo kinh phí hoạt động của lực lượng dân phòng, việc xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”; đầu tư kinh phí để mua sắm phương tiện, dụng cụ chữa cháy, CNCH theo quy định của pháp luật. Khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn sự cố phải tập trung huy động các lực lượng tổ chức chữa cháy, CNCH kịp thời và nhanh chóng khắc phục hậu quả do cháy, nổ gây ra.

UBND thành phố cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp chính quyền trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên tham gia các hoạt động PCCC và CNCH gắn kết phong trào “Toàn dân phòng cháy chữa cháy”, đưa nội dung phong trào này thành một nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tổ chức đăng ký thi đua xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp an toàn, điển hình tiên tiến về PCCC; xây dựng và củng cố lực lượng nòng cốt trong phong trào PCCC và CNCH ở cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu theo phương châm “4 tại chỗ”.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác