Huy động nguồn lực trong và ngoài nước để thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững
Đăng ngày 17-03-2023 18:25, Lượt xem: 162

Chiều 17-3, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam và UBND thành phố phối hợp tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) năm 2023 (Lần thứ 3), với chủ đề Đột phá mới cho miền Trung – Tây Nguyên: chuyển đổi kép xanh và công nghệ số trong chiến lược tăng trưởng kinh tế bền vững. Đến dự có Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc; Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cùng Chủ tịch, Phó Chủ tịch 19 tỉnh/thành phố khu vực Bắc Trung bộ, Duyên hải Trung bộ và Tây Nguyên. Tham dự Diễn đàn còn có đại diện hơn 20 đại sứ quán, lãnh sự quán, gần 20 đại diện lãnh đạo các Tổ chức quốc tế, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và hơn 300 đại diện doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam.

Phát biểu chào mừng, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, Đà Nẵng hiện thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước.

Trong 2 năm liên tiếp (2020-2021) Đà Nẵng dẫn đầu chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI và 3 năm liên tiếp đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2020, 2021, 2022 ở hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”; năm thứ ba liên tiếp đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam năm 2022…Năm 2022, kinh tế số đóng góp 17% vào tăng trưởng GRDP của Thành phố.

Song song với chuyển đổi số, thành phố còn quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, và hưởng ứng “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, bắt đầu xây dựng kế hoạch và triển khai áp dụng tăng trưởng xanh trên địa bàn.

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị đã xác định, đến năm 2030, quy mô dân số Đà Nẵng phải đạt khoảng 1,5 triệu dân, GRDP đạt hơn 2% trong tổng GDP quốc gia. Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII đã xác định lại tỷ lệ cơ cấu kinh tế thành phố, theo đó phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khai thác tối đa ưu thế do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại, trong đó, kinh tế tuần hoàn- tăng trưởng xanh là mô hình kinh tế hiện đại được cho là rất phù hợp với điều kiện, bối cảnh và nguồn lực của Đà Nẵng.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, năm 2023 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, với chủ đề là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”. Trên cơ sở đó, thành phố Đà Nẵng sẽ triển khai mô hình “Thành phố thông minh toàn diện”, “thành phố môi trường”, tăng trưởng xanh.


Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu chào mừng

Trong đó, ưu tiên khai thác, tạo ra giá trị cụ thể từ dữ liệu số để huy động, khơi thông nguồn lực mới; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, góp phần cải thiện chất lượng phục vụ và công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền; hỗ trợ quản lý có hiệu quả đô thị và các nguồn tài nguyên của thành phố; hòa nhập vào mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN; thúc đẩy ứng dụng các công nghệ của Công nghiệp 4.0 trong doanh nghiệp và xã hội hướng đến phát triển xanh bền vững. 

“Chủ đề Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2023 lần này tập trung vào Tăng trưởng xanh và Chuyển đổi số trong chiến lược phát triển bền vững. Chúng tôi kỳ vọng đây là cơ hội để các địa phương, trong đó có Đà Nẵng tăng cường kết nối với doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, các tổ chức quốc tế thông qua cơ chế đối thoại cởi mở về cơ hội huy động nguồn lực cũng như kinh nghiệm trong và ngoài nước trong thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Diễn đàn Vietnam Connect 2023 gồm 2 phiên (phiên tham luận và phiên thảo luận) với các ý kiến của chuyên gia quốc tế và Việt Nam về kinh tế phát triển, kinh tế môi trường, chuyển đổi số cùng lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp, sẽ tập trung đề cập và bàn thảo về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi kép “xanh và công nghệ số”, xu hướng và các mô hình, giải pháp đang triển khai trên thế giới, đánh giá cơ hội và khả năng ứng dụng vào thực tiễn tại Việt Nam.

Chủ đề này cũng sẽ được phân tích và thảo thuận trên cơ sở các bài toán thực tiễn đang đặt ra tại các tỉnh/thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đây là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển, kinh tế biển xanh, năng lượng tái tạo, du lịch, nông – lâm nghiệp bền vững. Là nơi đòi hỏi từng địa phương chủ động phát huy thế mạnh của mình – đây là điều kiện cần, song, điều kiện đủ chính là liên kết vùng, điều này đảm bảo sự hài hòa và gia tăng sức mạnh cho từng địa phương trong việc đạt được mục tiêu phát triển thịnh vượng và bền vững.

THỦY THANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác