Lợi thế, tiềm năng là động lực cho tăng trưởng xanh
Đăng ngày 17-03-2023 20:36, Lượt xem: 359

Chiều 17-3, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam và UBND thành phố phối hợp tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) năm 2023 (Lần thứ 3), với chủ đề Đột phá mới cho miền Trung – Tây Nguyên: Chuyển đổi kép xanh và công nghệ số trong chiến lược tăng trưởng kinh tế bền vững.

Nhiều tiềm năng, lợi thế để tăng trưởng xanh

Tham luận tại Diễn đàn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho biết, khu vực miền Trung và Tây nguyên có vai trò, vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế,  chính trị, quốc phòng, an ninh  và đối ngoại của cả nước. Nằm liền kề nhau. Có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và bổ trợ lẫn nhau.

Khu vực Tây nguyên có thế mạnh phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, quy mô lớn; kinh tế lâm nghiệp bền vững. Diện tích đất rừng chiếm 59,3% tổng diện tích toàn vùng và 21% cả nước, giàu về trữ lượng và có tính đa dạng sinh học rất cao. Vai trò đặc biệt quan trọng của rừng là giữ đất và nước; môi trường sinh thái; truyền thống văn hoá và lịch sử; giữ được dân; bảo đảm được quốc phòng, an ninh.

Khu vực Bắc trung bộ và Duyên hải Trung bộ có tiền năng phát triển kinh tế biển xanh. Bờ biển dài gần 2.000 km, gần 60% chiều dài bờ biển cả nước; 14 địa phương có biển: ½ tổng số các địa phương có biển; vai trò đối với Chiến lược biển quốc gia; giúp xoá đói, giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, biến đổi đại dương, duy trì và tiến tới tăng cường nguồn vốn tự nhiên, cải thiện nguồn vốn văn hoá biển đặc trưng, bảo đảm công bằng xã hội và hướng tới phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhìn nhận, miền Trung và Tây Nguyên là khu vực trọng điểm, còn nhiều dư địa để phát triển, với những thế mạnh về địa lý, khí hậu lý tưởng cho việc phát triển các loại năng lượng xanh, là điểm đến đầu tư hấp dẫn dành cho các nhà đầu tư nước ngoài.


Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ tại Diễn đàn

Miền Trung và Tây Nguyên có đường biển dài, khí hậu nhiệt đới, có lượng nhiệt mặt trời tương đối lớn là ưu điểm để các địa phương trong khu vực xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng xanh, đóng góp hết sức thiết thực và hiệu quả vào định hướng phát triển nền kinh tế của khu vực cũng như của Việt Nam trong tương lai.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị đã xác định xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế, chính trị lớn của Việt Nam và khu vực; tập trung vào các lĩnh vực như: du lịch, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, logistics, tài chính.

Để thực hiện mục tiêu này, hướng tới chuyển đổi xanh, thành phố sẽ tập trung vào một số lĩnh vực, cụ thể: du lịch sẽ gắn với nghỉ dưỡng; công nghệ thông tin gắn với kinh tế số; công nghiệp xanh gắn với công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; logistics gắn với cảng biển…

Về chuyển đổi số, thành phố đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, xác định mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt 20% GRDP và 30% GRDP năm 2030 đối với kinh tế số.

"Thành phố Đà Nẵng cam kết trong thời gian đến sẽ tập trung đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi xanh và chuyển đổi kép để sớm thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm du lịch, trung tâm công nghệ thông tin, trung tâm tài chính quốc tế khu vực", Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.

Nhận diện thách thức

Theo bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc Danh mục dự án của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, miền Trung đang đối mặt với hai thách thức hàng đầu trong tăng trưởng xanh. Cụ thể ở khía cạnh thích ứng, bà Stefanie Stallmeister cho rằng, miền Trung đang đối diện với biến đổi khí hậu tương đối lớn và ngày càng tăng.

Thách thức thứ hai nằm ở khía cạnh khử carbon. Bà Stefanie Stallmeister cho biết, đã đến lúc miền Trung phải xem xét nền nông nghiệp phát thải thấp thế nào để xuất khẩu nông nghiệp duy trì tính cạnh tranh trên toàn cầu.

Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, mọi giải pháp từ chuyển đổi số, tăng trưởng xanh đều cần hướng tới các trọng tâm phát triển. Đó là gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Định hướng phát triển bền vững, không đánh đổi kinh tế lấy xã hội, môi trường. Đồng thời gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Ông Sơn cho rằng, cần có sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và lộ trình thực hiện. Bởi miền Trung – Tây Nguyên có địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai bão lũ nhiều. Nhiều chỉ số phát triển kinh tế xã hội khu vực này đang thấp hơn trung bình cả nước.


Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại Diễn đàn

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, bên cạnh những cơ hội to lớn về thúc đẩy tăng trưởng theo hướng nhanh và bền vững, tiến trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số cũng đặt ra những vấn đề phát triển đối với các quốc gia, địa phương và doanh nghiệp.

Trong đó, có những thách thức về khoảng cách phát triển, nguy cơ gia tăng bảo hộ thương mại, nhiều nước phát triển đang đẩy mạnh điều chỉnh chính sách kinh tế - thương mại gắn với các tiêu chí bền vững. Do đó, việc nhận định đúng đắn những cơ hội, thách thức mà các tiến trình này đặt ra để có những chính sách, biện pháp phù hợp ở mọi cấp độ là hết sức cần thiết.

Thứ trưởng cho rằng, các thách thức hiện nay đòi hỏi các quốc gia nói chung và các địa phương, doanh nghiệp nói riêng chuẩn bị tầm nhìn dài hạn trong xây dựng và thực hiện các kế hoạch hành động, mục tiêu tăng trưởng cho tương lai phát triển xanh, hiện đại và bền vững; song cũng là thời điểm để các quốc gia trên thế giới tăng cường hợp tác, cùng vượt qua khó khăn trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết về phát triển vùng Tây Nguyên, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Trên cơ sở đó, Chính phủ đề ra Chương trình hành động phát triển hai vùng chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và đối ngoại, gắn với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược phát triển bền vững về kinh tế biển và Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Trong đó, vùng Tây Nguyên tập trung cơ cấu lại kinh tế theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số. Vùng Bắc Trung Bộ và miền Trung tập trung phát triển các ngành kinh tế biển, phấn đấu trở thành vùng mạnh về biển, giàu từ biển; nâng cao hiệu quả kết cấu hạ tầng hiện có, các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, hệ thống đô thị ven biển.

THỦY THANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.