Giữa lòng thành phố xô bồ, nhộn nhịp có một ngôi trường nhỏ mà ở đấy, các thầy cô giáo đến lớp với tình yêu thương, sự kiên trì và những trang giáo án đặc biệt dành riêng cho các em học sinh bị khiếm thính, khuyết tật trí tuệ. Những tiết học bằng tay, những lời chỉ bảo nhẹ nhàng để các em bình tĩnh trở về chỗ ngồi học bài nghiêm túc đã trở thành câu chuyện quen thuộc với các em học sinh và các thầy cô giáo công tác tại Trường Chuyên biệt Tương lai.
Lớp học của cô Trần Thị Lý nằm trên tầng 2. Trong căn phòng nhỏ được trang trí bằng nhiều đồ chơi, hoa lá, các em học sinh mầm non xếp ghế thành hình chữ U, ngồi xoay quanh cô giáo.
Hôm nay, các em được cô Lý dạy kỹ năng nhận biết quần áo của mình và móc lên dây phơi. Giờ học đôi lúc bị ngắt quãng bởi đột nhiên có em mất tập trung, rời khỏi chỗ ngồi. Cô Lý phải dừng bài giảng và nhẹ nhàng nói chuyện, hướng dẫn em về ghế ngồi của mình.
Lớp mầm non của cô Lý có hơn 15 em, đều là trẻ khuyết tật trí tuệ. Mỗi em là một hoàn cảnh, một câu chuyện khác nhau song khi vào lớp học, tất cả trở thành người một nhà, thành học sinh đặc biệt của trường học đặc biệt.
Hơn 20 năm gắn bó với trẻ khuyết tật là ngần ấy năm cô Lý hiểu và thương các em nhiều hơn. Tuy nhiên, cô Lý vẫn không chủ quan, mỗi giờ học đều quan sát, để ý hành vi, cảm xúc của từng học sinh. Mỗi ngày lên lớp, bên cạnh việc dạy cho các em kiến thức, kỹ năng, các cô luôn cố gắng trò chuyện để biết học sinh của mình đang khó khăn ở điểm nào, ngày hôm đó gặp vấn đề gì.
“Mỗi em có những khó khăn khác nhau trong việc học. Đa phần các em không làm chủ được hành vi của mình, đặc biệt là các em tự kỉ. Bình thường, các em ngồi học, vâng lời cô nhưng đột nhiên em rời khỏi chỗ ngồi và có biểu hiện không thể tự kiểm soát hành vi của mình. Các em có thể tự làm tổn thương bản thân như cắn, véo mình hoặc đập đầu vào tường... Những lúc các em khó chịu mà giáo viên không xử lý nhanh thì các em có thể cầm bất cứ thứ gì ở gần như đồ chơi, thậm chí là cái ghế mình đang ngồi mà ném các bạn khác”, cô Lý kể.
Giáo án giảng dạy của cô Lý và các cô giáo ở Trường Chuyên biệt Tương lai cũng có phần đặc biệt hơn. Bởi khả năng tiếp thu, ghi nhớ kiến thức của các em chậm hơn so với trẻ em phát triển bình thường. Ví dụ bài học về nhận biết quần áo có thể học tuần này qua tuần nọ nhưng các em không thể nào mà nhận biết được. Vì vậy, giáo viên đứng lớp phải hết sức kiên trì, nhẹ nhàng hướng dẫn, lặp lại kiến thức nhiều lần để các em ghi nhớ và làm theo.
Sau mỗi giờ lên lớp hay tranh thủ lúc các con ngủ trưa, các cô lại tỉ mẩn làm nhiều đồ chơi, dồ dùng dạy học trực quan, tìm hiểu ứng dụng thêm công nghệ thông tin vào bài giảng để trẻ hứng thú và tiếp thu tốt hơn.
Nhớ lại những ngày đầu đứng lớp với các em học sinh khuyết tật trí tuệ, đến nay đã hơn 20 năm trôi qua song những kỷ niệm về ngày đầu tiên vẫn in sâu trong trí nhớ cô Lý.
“Những năm đầu thật sự rất khó khăn để tiếp nhận công việc. Sau dần tiếp xúc với các em, quen với công việc này thì mình cảm thấy rất thương em. Có thể sự tiến bộ của các em rất là nhỏ, rất khó thấy nhưng đó là những mục tiêu nhỏ mà cô trò cùng cố gắng từng ngày”, cô Lý tâm sự.
Nhìn các con vui vẻ chơi đùa, thực hành thành thạo những kỹ năng cơ bản chính là niềm vui, nguồn hạnh phúc để cô Lý và những “người mẹ” đặc biệt nơi đây gắn bó với nghề, gắn bó với những “mầm xanh” kém may mắn.
Cạnh đó, tại lớp của cô Hứa Thị Bích Hà, các em đang tìm hiểu về nghề bác sĩ. Cô Hà kể, trẻ ở đây được xếp lớp theo trình độ chứ không xếp theo lứa tuổi. Bởi có em tuổi lớn hơn nhưng chậm phát triển hơn những em có tuổi nhỏ hơn. Vì vậy, giáo án, bài giảng cho các em cũng được soạn khác hơn để phù hợp với khả năng của các em.
Hơn 10 năm đứng lớp mẫu giáo và gắn bó với những trẻ khuyết tật trí tuệ, hơn ai hết, cô Hà hiểu rằng, muốn dạy tốt cho các em thì phải hiểu được tâm sinh lý của các em, khi các em gần gũi với các cô thì các em mới hợp tác. Còn khi các em không hợp tác thì cho dù cô dạy kỹ năng đơn giản nhất các em cũng không lĩnh hội, tiếp thu được hết.
“Khi học thì mình nghiêm khắc, khi chơi thì hoà mình với các em để tạo tình cảm, sự gần gũi để các em kết nối thì các em mới tin tưởng, hợp tác với mình. Nếu giữa cô giáo và các em có khoảng cách, học sinh không có tình cảm, không tin tưởng giáo viên thì rất khó nghe lời”, cô Hà nói.
Bài giảng của những cô giáo ở Trường Chuyên biệt Tương lai không chỉ là những kiến thức mà còn đong đầy tình yêu thương, sự kiên nhẫn dành cho các em. Bởi không phải ngày một ngày hai mà các em cần cả một hành trình dài để tiếp thu, ghi nhớ. Cứ như vậy, từng bước đi, từng giấc ngủ cũng như sự tiến bộ về kỹ năng của các học sinh khuyết tật trí tuệ đều có sự đồng hành của các cô giáo.
Tiết học Toán hình của cô Ngô Thị Thanh Thúy diễn ra khá sôi nổi, học sinh xung phong phát biểu nhưng chỉ có tiếng cô hỏi mà không nghe tiếng các em trả lời. Bởi các em ở đây đều là trẻ khiếm thính, giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Toán, cô Thuý học thêm bằng Giáo dục đặc biệt tại Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Có thêm trong tay vốn kiến thức về ngôn ngữ ký hiệu, cô Thúy quyết định chọn Trường Chuyên biệt Tương lai là nơi thực hiện ước mơ bục giảng, phấn trắng bảng đen của mình.
Những ngày đầu đi dạy, có những đêm cô Thúy thức trắng để soạn giáo án, luyện tập ngôn ngữ ký hiệu cho tiết học ngày mai. Vì ngôn ngữ kí hiệu dành cho toán cấp 2 hơi hạn chế nên cô Thúy tự tạo thêm ra những quy ước đặc biệt giữa cô và trò, dùng riêng trong giờ dạy của mình.
Đối với người ngoài những ký hiệu, quy ước đó thể hơi lạ nhưng với những học trò của cô Thúy, điều đó đã trở nên quen thuộc. Cứ thế, cô trò hiểu nhau và những giờ học ngày càng sôi nổi, các em cũng tương tác với giáo viên nhiều hơn.
“Càng học thêm về ngôn ngữ kí hiệu, mình càng thấy thú vị. Nó giống như mình có một ngôn ngữ mới để giao tiếp, gần gũi với các em để hiểu và thương các em nhiều hơn. Quan trọng nhất với trẻ khiếm thính là tôn trọng ngôn ngữ các em đang dùng. Các em cũng như bao học sinh ở trường bình thường, các em chỉ bị hạn chế phần giao tiếp thôi chứ có nhiều em học rất tốt, tiếp thu và ghi nhớ bài giảng rất nhanh”, cô Thúy tâm sự.
Còn với cô Huỳnh Thị Tố Uyên, nỗi lo lắng, băn khoăn lớn nhất những ngày đầu đứng lớp là không biết các em học sinh tiếp thu bài giảng thế nào, hướng dạy dỗ, truyền đạt hoặc chăm sóc các em ra sao.
Tuy nhiên, hành trình nào rồi cũng sẽ đến đích. Qua mỗi ngày được tiếp xúc, dạy dỗ các em, cô Uyên lại gắn kết các em nhiều hơn. Mặc dù sinh ra kém may mắn các bạn cùng trang lứa, thế nhưng những đứa trẻ khiếm thính cũng mang trong mình những ước mơ, hoài bão. Mỗi tiết học, nhìn các em chăm chú vào bài giảng, thi thoảng có em quay sang hỏi bạn, nhưng tất cả chỉ bằng ký hiệu từ đôi bàn tay khiến những thầy cô giáo đứng lớp ấm lòng.
Niềm vui để cô Thúy, cô Uyên và nhiều thầy cô khác khi chọn gắn bó với ngôi trường đặc biệt này chính là tình cảm các em học sinh dành cho thầy cô. Mỗi khi đến ngày lễ hay mùa hiến chương, cầm trên tay 1 bông hoa nhỏ, 1 tấm thiệp hay bức tranh do chính tay các em vẽ kèm những lời chúc ngô nghê, dễ thương chính là niềm hạnh phúc của những thầy cô giáo Trường Chuyên biệt Tương lai.
Với các em, thầy cô không chỉ đơn thuần là giáo viên, dạy kiến thức mà còn kiêm thêm cả vai trò là những người bạn, người anh người chị, những người cha, người mẹ thứ hai đồng hành cùng các em trên con đường học tập.
“Có những ngày nghỉ, các em tự học ở nhà, bài nào không hiểu thì các em nhắn tin hỏi cô. Điều mình cảm nhận ở các em khiếm thính chính là sự gắn kết, tình cảm. Có những chuyện các em không tâm sự với ba mẹ được thì tâm sự với mình để mình cho lời khuyên”, cô Thúy bày tỏ.
Tiếng chuông hết giờ vang lên, các em nhanh chóng xếp hàng theo hướng dẫn của giáo viên để di chuyển xuống sân trường chờ ba mẹ đến đón. Các em đi trước, cô giáo theo sau. Khi em học sinh cuối cùng được trao tận tay phụ huynh thì các cô giáo mới yên tâm ra về.
Hành trình để những “mầm xanh đặc biệt” vươn lên thành cây, để những “chuyến đò” tri thức cập bến vẫn còn dài và nhiều chông gai song với những kiến thức, kỹ năng và tình yêu từ ngôi trường này, các em sẽ có thêm điều kiện phát triển, sớm hòa nhập cộng đồng.
THANH THẢO