Nhằm thu hút những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này, thành phố đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao như: được hưởng giá thuê đất ưu đãi, được hỗ trợ 50% tiền sử dụng hạ tầng trong 2 năm đầu kể từ ngày nhận giao đất,...
Mô hình tổng thể Khu Công nghệ cao Đà Nẵng
Hiện nay, Sở Công thương đã xây dựng Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ định hướng năm 2020 và đang trình UBND thành phố xem xét phê duyệt. Trong đó, Chương trình nêu rõ tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu cung cấp vật tư nguyên liệu phụ tùng linh kiện góp phần giảm nhập siêu và thúc đẩy xuất khẩu tăng bình quân 13-15%; phấn đấu số lượng doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ đến năm 2020 đạt tự 80-100 doanh nghiệp.
Tính đến quý III năm 2014, trong số 302 dự án FDI tại Đà Nẵng có khoảng hơn 50 dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm phụ trợ như sản xuất các thiết bị, linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, các phụ liệu ngành may, bao bì thực phẩm, vỏ lon… với tổng vốn đầu tư đạt hơn 520 triệu đô la Mỹ, chiếm 15,4% tổng vốn FDI tại Đà Nẵng.
Không chỉ ở nhóm ngành công nghiệp phụ trợ, theo ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng, đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, nhà đầu tư sẽ được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Giá thuê đất trong Khu Công nghệ cao Đà Nẵng hiện thấp hơn so với các Khu Công nghệ cao khác trong nước (từ 5.250 – 10.500 VNĐ); tiền thuê đất và tiền sử dụng hạ tầng được miễn, giảm tùy loại dự án. Thêm vào đó, nhà đầu tư còn được cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ khác như cấp giấy chứng nhận đầu tư, xuất nhập cảnh, tuyển dụng lao động, vay vốn,...
Tính đến tháng 10/2014, Đà Nẵng đã thu hút được 24 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 124 triệu đô-la Mỹ, và có 14 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm đạt gần 29 triệu đô-la Mỹ. Như vậy, tổng vốn cấp mới và tăng thêm trong 10 tháng đầu năm 2014 là gần 153 triệu đô-la Mỹ, đạt 52,70% so với cùng kỳ năm 2013.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư FDI trong thời gian tới tại Đà Nẵng, thành phố sẽ tập trung vào một số giải pháp như: tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, phối hợp với nhà đầu tư để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy và hỗ trợ việc triển khai các dự án được cấp phép; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tập trung vào các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,...; hoàn chỉnh quy hoạch đất đai còn lại trong các khu công nghiệp, đặc biệt là quy hoạch đất ngoài khu công nghiệp nhằm thu hút các dự án dịch vụ chất lượng cao; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, tăng cường kiểm tra giám sát việc triển khai Quy chế phối hợp trong việc thực hiện cơ chế “Một cửa liên thông” về xúc tiến đầu tư để đảm bảo thời gian cấp phép nhanh và đúng pháp luật.
