Cần làm tốt công tác truyền thông về việc sử dụng các biểu tượng, sản phẩm, linh vật ngoại lai
Ngày 29-10, Đoàn công tác của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên làm trưởng đoàn, có buổi làm việc với TP Đà Nẵng về việc sử dụng các biểu tượng, sản phẩm, linh vật ngoại lai tại địa phương, cũng như tình hình hoạt động tại Làng đá mỹ nghệ Non Nước. Phó Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tham gia buổi họp.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên làm làm việc với TP Đà Nẵng.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở VHTTDL TP Nguyễn Hữu Chiến cho biết, ngay khi nhận được Công văn 2662 của Bộ VHTTDL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, thành phố Đà Nẵng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan kiếm tra, báo cáo về tình hình sử dụng các linh vật, biểu tượng ngoại lai không phù hợp tại cổng, cửa, khu di tích, đình chùa, công sở… Về cơ bản, tại các di tích, đình làng trên địa bàn thành phố không trưng bày, sử dụng, nhận cung tiến các biểu tượng, sản phẩm, linh vật lạ không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam, chỉ có trường hợp di tích Căn cứ Huyện uỷ Hoà Vang có trưng bày 1 cặp sư tử đá nhưng đã được tháo dỡ ngay khi có văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, tại các chùa, cơ sở tôn giáo thì vẫn có trưng bày tượng lân và sư tử đá.
 
 Theo ông Chiến, việc xử lý các mẫu linh vật ngoại lai tại các cơ sở tôn giáo, đình, di tích đến nay vẫn không gặp khó khăn, trở ngại gì. Nhưng khó khăn của thành phố chính là tình hình sản xuất của Làng đá mỹ nghệ Non Nước. Những người đang trực tiếp sinh sống bằng nghề sản xuất, kinh doanh các loại vật phẩm này chưa có đủ thời gian chuyển đổi loại hình sản xuất kinh doanh; chính quyền còn lúng túng trong việc tháo gỡ khó khăn cho Làng nghề, và định hướng sản xuất trong thời gian tới nhằm duy trì hoạt động, phát triển Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước.
 
 Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Đình Thư cho biết, làng nghề hiện có hơn 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh đá mỹ nghệ với hơn 3000 lao động, trong đó gần 1000 người thợ chuyên tạc tượng lân (nghê), sư tử nhưng chiến đến 2/3 thị phần và doanh thu mỗi năm của cả làng nghề. Hai tháng trở lại đây, mặt hàng này không tiêu thụ được khiến nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất buộc phải cho thợ nghỉ việc, lượng hàng tồn kho trị giá trên 100 tỷ đồng.
 
 Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho rằng, để xảy ra tình trạng như trên do nhà nước làm chưa tốt công tác truyền thông. Thực chất văn bản của Bộ chỉ nghiêm cấm sử dụng các mẫu sinh vật ngoại lai tại các di tích văn hoá, lịch sử, đền chùa, cơ quan, công sở chứ không phải cấm sử dụng hoàn toàn tại Việt Nam. Do vậy, Phó Chủ tịch đề xuất chính quyền chỉ nên quản lý việc đặt tranh, tượng, linh vật tại các công trình kiến trúc như công sở, trường học, các di tích lịch sử và các khu vực công cộng thông qua các hội đồng kiểm duyệt; còn đối với nhu cầu của người dân, nhà nước chỉ nên định hướng bằng cách tăng cường công tác truyền thông, tổ chức các hội thảo, diễn đàn trao đổi thông tin, đồng thời tạo điều kiện để các nghệ nhân phát huy khả năng sáng tạo, tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với văn hoá Việt Nam.
 
 Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ VHTTDL cần hướng dẫn cụ thể hơn về các tiêu chí để xác định biểu tượng, linh vật như thế nào là vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam; biểu tượng, tượng linh vật nào không được phép sử dụng tại các địa điểm công cộng để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện, tuyên truyền và định hướng cho việc sản xuất kinh doanh của các cơ sở thủ công đá mỹ nghệ địa phương. Đặc biệt, Bộ cần lưu ý xử lí và định hướng các trang web đang quảng bá thiếu căn cứ khoa học về phong thủy và vật phẩm phong thủy, đồng thời quản lý chặt chẽ một số loại tượng linh vật nhập ngoại dưới dạng mậu dịch được thông quan trực tiếp tại các cửa khẩu hải quan mà không qua khâu kiểm tra nội dung của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
 
 Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cũng cần có hướng dẫn quy trình và cách thức thực hiện chủ trương cho phù hợp điều kiện thực tế các địa phương và giảm thiểu tác động của nó tới cuộc sống của nhân dân, đặc biệt là người dân Làng nghề đá mỹ nghệ. Trong đó chú ý công tác truyền thông về vấn đề này một cách cẩn trọng để tránh thông tin sai lệch, giúp nhân dân nâng cao nhận thức về truyền thống văn hóa dân tộc, tự giác không sử dụng các sản phẩm, biểu tượng văn hóa ngoại lai, không phù hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ VHTT&DL trong quá trình triển khai thực hiện có đề xuất, kiến nghị giải pháp hỗ trợ cho các hộ sản xuất, kinh doanh, người lao động của Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước để có thể vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay, và tạo điều kiện chuẩn bị chuyển đổi tổ chức sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Tượng nghê gốm Việt Nam thế kỷ XVII.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên thống nhất với một số đề xuất của UBND TP và cho biết sẽ tổng hợp, bổ sung trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai công việc này trong thời gian tới. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, Bộ chỉ khuyến cáo, cấm sử dụng tại các di tích lịch sử, di tích văn hoá, đền, chùa, cơ quan, công sở, ngoài ra không cấm người dân sử dụng. Việc thực hiện công văn 2662 là một việc làm phù hợp với Luật di sản, và chắc chắn sẽ có tác động đến các làng nghề làm đá trong cả nước. Bộ cũng đã giới thiệu các vật phẩm, linh vật phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tại trang web của Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm. Trong tháng 11 tới, Bộ cũng sẽ tổ chức Hội thảo về vấn đề này tại Hà Nội, đồng thời tổ chức triển lãm các vật phẩm, linh vật thuần Việt để lãnh đạo các địa phương, ngành văn hoá cả nước cũng như nghệ nhân các làng nghề sản xuất đá có thể tham khảo, tiến hành chuyển đổi sản xuất trong thời gian đến.

NGỌC THỦY

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác