Ngày 29-8, tại Đà Nẵng, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND thành phố Đà Nẵng và Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 - Những vấn đề cần đặt ra” dưới sự chủ trì của ông Lại Xuân Môn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Quang cảnh Hội thảo
Nhiều kết quả tích cực
Hội thảo nhằm thảo luận, trao đổi, chia sẻ thông tin, từ đó tìm ra các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, bất cập của Nghị định (NĐ) 67 hiện hành và tạo ra những đột phá mạnh mẽ hơn để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã ban hành. Cùng chủ trì và điều hành hội thảo có Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai; và Tổng Biên tập Báo NTNN/báo điện tử Dân Việt, Nhà báo Lưu Quang Định. Hội thảo còn có sự góp mặt của khoảng 200 đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố, Sở NN&PTNT, ngân hàng thương mại (NHTM), công ty đóng tàu, công ty bảo hiểm tham gia NĐ 67, và bà con ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung.
Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho hay, sau gần 03 năm triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản do Chính phủ ban hành, đến nay, đã có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 con tàu, trong đó đã đóng mới 1.510 con tàu, đạt 66,11% (tàu vỏ thép và vật liệu mới là 768 tàu, chiếm 51%; tàu vỏ gỗ là 742 tàu, chiếm 49%). Nếu phân theo nhóm nghề, tàu làm nghề câu là 85 chiếc, nghề lưới rê 420 chiếc; nghề lưới vây 427 chiếc; nghề lưới chụp 341 chiếc và tàu dịch vụ hậu cần là 237 chiếc; số tàu nâng cấp là 438 tàu. Tính đến 31-7-2017, đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất. Về giải ngân nguồn vốn, tổng số tiền các NHTM cam kết cho vay để đóng mới, nâng cấp tàu cá là 9.931 tỷ đồng và đã giải ngân cho vay được 9.012 tỷ đồng.
Đối với Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, thành phố có số lượng tàu cá không nhiều với 1.614 chiếc. Trong đó, thúng máy 458 chiếc, tàu công suất dưới 90cv 394 chiếc, tàu công suất từ 90cv trở lên 502 chiếc; công suất bình quân khoảng 300cv/tàu; ngư trường khai thác chủ yếu là Hoàng Sa, biển miền Trung và Vịnh Bắc Bộ. Thực hiện các chính sách hỗ trợ và phát triển thủy sản của Trung ương như NĐ 67, QĐ 48..., Đà Nẵng đã ban hành các văn bản giao các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện trên tinh thần công khai minh bạch. Riêng NĐ 67, đến nay, Đà Nẵng đã phê duyệt cho 7 cá nhân đóng mới 7 tàu cá (gồm 5 tàu vỏ thép và 2 tàu vỏ gỗ) và 2 cá nhân nâng cấp tàu cá. Tổng số tiền các NHTM cam kết cho vay để đóng mới tàu cá là 118.775 tỷ đồng, và hiện đã giải ngân cho vay được 86.845 tỷ đồng.
Những con số nêu trên cho thấy NĐ 67 đã thực sự đi vào cuộc sống, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ cao, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân; mang lại hiệu quả và thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ngư dân; tai nạn tàu cá giảm đáng kể, ngư dân yên tâm bám biển sản xuất; góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển; đồng thời góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững.
Nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập cần sửa đổi
NĐ 67 là chủ trương lớn, đúng đắn mang tính đột phá của Đảng và Nhà nước, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân; tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như thủ tục cho vay rườm rà, phức tạp, các ngân hàng vẫn yêu cầu ngư dân phải thế chấp sổ đỏ, lãi suất cho vay còn cao..., vì vậy nhiều ngư dân rất khó vay hoặc không muốn vay vốn. Khai thác thủy hải sản xa bờ chứa đựng rất nhiều rủi ro, vì thế, việc bảo hiểm cho tàu cá, bảo hiểm chuyến đi biển, bảo hiểm thuyền viên đối với ngư dân rất quan trọng. Song, từ đầu năm đến nay, do hướng dẫn chậm, các doanh nghiệp bảo hiểm không tiếp tục thực hiện bảo hiểm theo NĐ 67 đã phát sinh vướng mắc, làm cho các NHTM không tiến hành giải ngân cho các tàu đang đóng hoặc tàu đã đóng xong nhưng không có bảo hiểm nên ngư dân không thể ra khơi bám biển. Đáng chú ý, thời gian qua đã xảy ra sự cố đáng tiếc với 40 tàu vỏ thép đóng mới theo NĐ 67 của ngư dân các tỉnh Bình Định, Thanh Hóa, Phú Yên và Quảng Nam bị hư hỏng, rỉ sét sau khi mới đưa vào sử dụng dẫn đến phải nằm bờ, gây ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đời sống của ngư dân.
Nói về khó khăn, vướng mắc trong triển khai NĐ 67, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng Nguyễn Đỗ Tám cho biết, Bộ NN&PTNT hiện đã ban hành 21 mẫu thiết kế tàu vỏ thép. Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức, cá nhân đóng mới tàu khai thác hải sản phải điều chỉnh thiết kế để phù hợp với kinh nghiệm và ngư trường hoạt động nên rất mất thời gian; bên cạnh đó, kinh phí điều chỉnh thiết kế cũng khá cao, vào khoảng 50 triệu đồng. Thời gian thẩm định tại các ngân hàng kéo dài nên tiến độ thực hiện về xét duyệt tổ chức, cá nhân đóng mới, nâng cấp tàu còn chậm.
Uỷ viên TW Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn phát biểu tại Hội thảo
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cho hay “vừa rồi tôi đi khảo sát một số nơi, một số ngư dân bày tỏ nguyện vọng chỉ muốn đóng tàu vỏ gỗ vì giá thành rẻ, chỉ vào khoảng 2-3 tỷ, có đụng chạm, xô xát hay bị bão gió thì về sửa chữa được ngay. Tàu vỏ thép nếu hỏng hay mỗi lần đưa lên bờ để bảo trì lại tốn kém rất lớn, nhất là chi phí sơn rất đắt”. Ông cũng lưu ý 1 thực tiễn hiện nay là một con tàu trị giá hơn chục tỷ đồng, ngư dân đáng lẽ ra phải là chủ thể trực tiếp thì lại chỉ là “chủ thể hờ”, không được tham gia vào các khâu thiết kế, thẩm định, phê duyệt, thi công, giám sát, nghiệm thu hoặc nếu có thì cũng chỉ chừng mực nào đó. “Đó là điều vô lý và chính việc này đã gây ra những bất cập trong thời gian qua”, ông Môn khẳng định. Ông đề nghị, thời gian tới, các ngành chức năng phải tăng cường giám sát quá trình đóng tàu; rà soát quy hoạch lại số lượng tàu cá, gắn với điều tra nguồn lợi thủy sản để đảm bảo được nguồn lợi thủy sản; đầu tư cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đồng bộ; và khắc phục những hạn chế về chính sách tín dụng; bảo hiểm tàu cá. Đặc biệt, phải đảm bảo tính công khai minh bạch trong việc thiết kế, thẩm định, thi công, công tác giám sát, kiểm tra tàu cá của Nhà nước, doanh nghiệp và ngư dân.
Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản Nguyễn Văn Trung kiến nghị nên chuyển từ chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng đóng mới tàu cá sang chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá theo hình thức hỗ trợ một lần sau đầu tư, đảm bảo ổn định số lượng tàu cá xa bờ. Cùng với đó, cần bổ sung hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá và thuyền viên tàu có công suất máy chính từ 400 cv trở lên, thời gian thực hiện chính sách đến năm 2020.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Chủ tịch TW Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn khẳng định, những ý kiến đóng góp, kiến nghị, giải pháp tại Hội thảo sẽ được Hội Nông dân ghi nhận và đề nghị các cơ quan chức năng tiếp thu để từ đó nghiên cứu, chỉnh sửa bổ sung NĐ 67 để làm sao chủ trương, chính sách của Nhà nước ăn khớp với việc thực hiện và NĐ 67 có thể phát huy hiệu quả.
QUỲNH ĐAN