Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố và tình hình kinh tế - xã hội tháng 05 năm 2020
Đăng ngày 10-06-2020 09:39, Lượt xem: 788

I. HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA LÃNH ĐẠO UBND THÀNH PHỐ THÁNG 05 NĂM 2020

Trong tháng 05 năm 2020, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tập trung triển khai hiệu quả các nội dung công việc theo chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND thành phố; một số nội dung công việc nổi bật như sau:
Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố triển khai hiệu quả nội dung công việc đã được HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp cuối năm 2019 và các văn bản chỉ đạo, điều hành đã được UBND thành phố ban hành từ đầu năm 2020, cụ thể: Quyết định số 208/QĐ-UBND ngày 17 tháng 01 năm 2020 về ban hành nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước thành phố Đà Nẵng năm 2020; Quyết định số 211/QĐ-UBND ngày 17 tháng 01 năm 2020 về ban hành Chương trình công tác năm 2020; Quyết định số 308/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2020 về ban hành danh mục 03 nhiệm vụ trọng tâm của các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện năm 2020; Quyết định số 5999/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp tập trung chỉ đạo, điều hành nhằm hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GRDP và giải ngân kế hoạch vốn xây dựng cơ bản năm 2020; Quyết định số 345/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2020 về kế hoạch đền bù giải tỏa các dự án trên địa bàn thành phố năm 2020. Ngoài ra, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, triển khai các giải pháp hiệu quả, thiết thực nhằm khôi phục, phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an sinh, trật tự an toàn xã hội theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy tại Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 19 tháng 5 năm 2020 và HĐND thành phố tại Nghị quyết số 292/NQ-HĐND ngày 13 tháng 3 năm 2020, Nghị quyết số 298/NQ-HĐND ngày 22 tháng 5 năm 2020.

Về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Ngày 23 tháng 5 năm 2020, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đang tổng hợp ý kiến tham gia góp ý của các đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh hồ sơ trình Quốc hội thông qua theo đúng quy định.

Về tiến độ triển khai lập đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết 297/NQ-HĐND ngày 22 tháng 5 năm 2020 về việc thống nhất nội dung Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đang trình Bộ Xây dựng thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án theo đúng quy định.

Về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19): Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, hội, đoàn thể triển khai nghiêm túc theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong tháng 5 năm 2020, UBND thành phố đã chỉ đạo tạm dừng việc tổ chức cách ly công dân đến từ các địa phương nguy cơ cao trên cả nước; tạm dừng các chốt kiểm dịch y tế tại đường bộ, ga quốc nội, ga tàu. Chỉ đạo Sở Y tế hướng dẫn công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với các cơ sở giáo dục khi học sinh, sinh viên đi học lại.

Trong tháng 05 năm 2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành 04 Quyết định quy phạm pháp luật, 318 Quyết định hành chính cá biệt và 661 văn bản chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, kinh tế - tài chính, đầu tư - đô thị, nội chính - pháp chế.

II. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH THÁNG 05 NĂM 2020

1. Về kinh tế

a) Lĩnh vực dịch vụ

Sau thời gian giãn cách xã hội, các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn Đà Nẵng dần mở cửa đón khách trở lại. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn lo ngại dịch Covid-19, nhất là những khách sạn lớn có khách quốc tế (công ty của Hàn Quốc, Nhật Bản) ngừng kinh doanh đến tháng 6 mới hoạt động lại. Tất cả các tour du lịch vẫn đóng băng, các công ty lữ hành vẫn chưa hoạt động trở lại. Số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước tính tháng 5 năm 2020 là 119,2 nghìn lượt, gấp 2,5 lần so với tháng trước, và giảm 79,3% so với cùng kỳ 2019. Lũy kế 5 tháng đạt hơn 1,3 triệu lượt khách, giảm 53,6% so với cùng kỳ 2019, trong đó, khách quốc tế ngủ qua đêm ước đạt 508 nghìn lượt, giảm 52,8%; khách trong nước ước đạt 463 nghìn lượt, giảm 55,1%. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 4.621 tỷ đồng, giảm 42,1% so với cùng kỳ 2019, trong đó dịch vụ lưu trú ước đạt 1.308 tỷ đồng, giảm 51,9%; dịch vụ ăn uống ước đạt 3.313 tỷ đồng, giảm 31,7%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 5/2020 ước đạt 4.461 tỷ đồng, giảm 4,6% so với cùng kỳ 2019; lũy kế 5 tháng ước đạt 22.107 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ 2019 (KH tăng 22,1%). Tình hình thị trường thành phố Đà Nẵng trong 5 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp Covid -19 cùng với việc thực hiện giãn cách xã hội đã làm ảnh hưởng đến sức mua, nhất là đối với các mặt hàng như: điện máy, đồ gia dụng, ô tô xe máy, ẩm thực. Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống đa phần lượng mua sắm giảm nhiều so với ngày thường, một số siêu thị như BigC, Lotte... lượng hàng hóa bán ra trong ngày có lúc giảm đến 50% so với bình quân các ngày trong năm 2019.  Tuy vậy thị trường hàng hóa tiêu dùng tại thành phố Đà Nẵng vẫn đảm bảo cung cầu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân trên địa bàn thành phố. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn thành phố tháng 5/2020 tăng 2,59% so với cùng kỳ 2019, CPI bình quân 5 tháng năm 2020 tăng 4,71% so với cùng kỳ 2019.

 Do ảnh hưởng chung của dịch Covid -19, hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn thành phố giảm so với cùng kỳ 2019. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2020 ước đạt 126 triệu USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ 2019; lũy kế 5 tháng ước đạt 591,7 triệu USD, giảm 8,3% (KH tăng 7-8%). Kim ngạch nhập khẩu tháng 5 ước đạt 109,4 triệu USD, giảm 5,5%, lũy kế 5 tháng ước đạt 487,8 triệu USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ 2019 (KH tăng 7,7%).

Do dịch bệnh Covid-19 nên kết quả hoạt động vận tải 5 tháng đầu năm 2020 bị ảnh hưởng. Khối lượng luân chuyển hành khách tháng 05/2020 ước đạt 55,1 triệu Hk.km, giảm 60,6% so với cùng kỳ 2019, lũy kế 5 tháng ước đạt 450,3 triệu Hk.km, giảm 37,9%; khối lượng luân chuyển hàng hóa tháng 5/2020 ước đạt 249,5 triệu T.km, giảm 15,4%, lũy kế 5 tháng ước đạt 1.480 triệu T.km, tăng 9,1%; Doanh thu vận tải tháng 5/2020 ước đạt 922,1 tỷ đồng, giảm 22,6% so với cùng kỳ 2019, lũy kế 5 tháng ước đạt 5.364,1 tỷ đồng, giảm 12,1%.

Tổng doanh thu toàn ngành Thông tin truyền thông thành phố 5 tháng đầu năm 2020 đạt 7.803 tỷ đồng, đạt 23,2% kế hoạch, giảm 35% so với cùng kỳ 2019; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 23,4 triệu USD, đạt 22,9 % so với kế hoạch, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2019. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai các ứng dụng CNTT để triển khai hội nghị, họp trực tuyến từ Chính phủ, bộ, ngành trung ương đến thành phố, sở, ngành, quận huyện, phường xã trong thời gian phòng chống dịch bệnh Covid-19; tạo điều kiện để doanh nghiệp thuận lợi trong sử dụng dịch vụ hành chính công như: Thí điểm máy cấp phát giấy tờ tự động; thí điểm thanh toán trực tuyến; triển khai kết nối Cổng dịch vụ công thành phố Đà Nẵng với Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Hoạt động ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh. Ước đến cuối tháng 5/2020, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 127.000 tỷ đồng, giảm 0,46% so với tháng trước, giảm 3,23% so với cuối năm 2019; dư nợ các thành phần kinh tế đạt 176.000 tỷ đồng, tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 0,31% so với cuối năm 2019.

b) Sản xuất công nghiệp

Trong 5 tháng đầu năm 2019, do chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 lây lan trên toàn cầu, tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố gặp rất nhiều khó khăn, đến nay, hoạt động sản xuất công nghiệp đang dần được khôi phục, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn đối với nhiều ngành hàng do thị trường tiêu thụ chưa hồi phục, nhất là thị trường xuất khẩu đối với các ngành hàng không thiết yếu như: dệt may, da giày, sản xuất lắp ráp ô tô, sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử… Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) thành phố tháng 5/2020 ước giảm 12,4% so với cùng kỳ 2019, lũy kế 5 tháng ước giảm 7,96% so với cùng kỳ 2019, trong đó: công nghiệp chế biến - chế tạo giảm 7,8%, sản xuất và phân phối điện giảm 3,3%, cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 10,5%, khai khoáng giảm 30,1%.

Những phân ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19 dẫn đến sản lượng giảm mạnh gồm: sản xuất đồ chơi trẻ em (-42,5%); sản xuất trang phục (-38,2%); chế biến gỗ (-35,9%); sản xuất săm lốp cao su (-30,3%); sản xuất đồ gỗ xuất khẩu (-29,9%); sản xuất ô tô, bộ phận phụ tùng ô tô (-25,8%); da giày (-23,4%); sản xuất bia (-22,9%); sản xuất vật liệu xây dựng (-12,8%); dệt (-14,6%). Bên cạnh đó vẫn có một số lĩnh vực sản xuất duy trì được tăng trưởng và là điểm sáng đối với ngành công nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay như: Sản xuất chế biến thực phẩm (+24,5%); sản xuất hóa chất và sản phẩm từ hóa chất (+10,5%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (+ 32,1%); sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu (+30,7%); sản xuất phương tiện vận tải khác (+141,1%), song tỷ trọng của những ngành này không cao nên đã không thay đổi được xu hướng của toàn ngành.

c) Hoạt động sản xuất thủy sản - nông - lâm tương đối ổn định và ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Thành phố tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ, trong tháng 5 tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động sản xuất trên các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản; sản lượng khai thác thủy sản tháng 5/2020 ước đạt 3.504 tấn, lũy kế 5 tháng ước đạt 17.123 tấn, đạt 45,5% kế hoạch năm, tăng 1,2% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên sản lượng tiêu thụ sản phẩm khai thác chậm và giá thu mua giảm nên ảnh hưởng đến đời sống thu nhập của bà con ngư dân. Sản xuất lúa Hè Thu năm 2020 đang vào vụ, diện tích đã gieo sạ đạt 50ha; tình hình chăn nuôi trên địa bàn thành phố ổn định, không có dịch bệnh xảy ra. Tập trung chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ rừng, thường xuyên kiểm tra hiện trường lâm phận quản lý, tăng cường công tác kiểm tra phòng cháy, chữa cháy rừng; từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã xảy ra 01 vụ cháy rừng.

2. Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả mục tiêu của Chủ đề năm 2020 là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, phát triển hoạt động đối ngoại, doanh nghiệp và khởi nghiệp

Về thu hút đầu tư trong nước, từ đầu năm đến nay, thành phố đã thu hút được 13.097 tỷ đồng vốn đầu tư, trong đó đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 04 dự án đầu tư trong nước ngoài KCN, tổng vốn đầu tư là 10.815 tỷ đồng (tăng 593% về vốn so với cùng kỳ, cấp mới chấp thuận chủ trương đầu tư cho 04 dự án đầu tư trong nước theo luật nhà ở với tổng vốn đầu tư 2.282 tỷ đồng. Lũy kế đến nay (15/5/2020), thành phố có 337 dự án đầu tư trong nước ngoài KCN với tổng vốn đầu tư là 115.713 tỷ đồng.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, trong tháng (15/4-15/5/2020), có 07 dự án FDI được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,7 triệu USD (giảm 66,4% về vốn so với cùng kỳ năm 2019; có 01 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 0,075 triệu USD; có 05 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng vốn 0,34 triệu USD (cùng kỳ năm 2019 có 22 lượt, tổng vốn 11,317 triệu USD). Trong 05 tháng đầu năm, thành phố cấp mới được 51 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 77,994 triệu USD. Lũy kế đến nay thành phố có 853 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3,476 tỷ USD.  

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, trong tháng (15/4-15/5/2020), thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 293 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 2.108 tỷ đồng; lũy kế 05 tháng (tính đến 15/5/2020), thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.475 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 8.362 tỷ đồng; giảm 30,13% về số doanh nghiệp và giảm 25,52% về số vốn so với cùng kỳ 2019; hoàn tất thủ tục giải thể cho 291 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc và có 1.162 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động. Tổng số hồ sơ liên quan đến đăng ký doanh nghiệp tiếp nhận và xử lý trong tháng là 1.885 hồ sơ, trong đó có 1.476 hồ sơ trực tuyến (chiếm tỷ lệ 78,3%). Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 30.873 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 212.509 tỷ đồng.

Thành phố hiện có 03 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi do thành phố quản lý đang được triển khai thực hiện và có 01 dự án do Trung ương là cơ quan chủ quản. Tổng vốn đầu tư 04 dự án trên khoảng 424,311 triệu USD, trong đó vốn ODA và vốn vay ưu đãi là 333,814 triệu USD, chiếm 78,67%, vốn đối ứng đạt 90,497 triệu USD, chiếm 21,33% tổng vốn đầu tư. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay (25/5/2020), thành phố phê duyệt tiếp nhận 12 khoản viện trợ Phi Chính phủ nước ngoài (NGO) với tổng giá trị cam kết 43,65 tỷ đồng.

Các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế được chú trọng. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để công tác phòng, chống dịch được xử lý hiệu quả, các hoạt động đoàn ra, đoàn vào tạm hoãn trong khoảng thời gian này. Ngành chức năng đã triển khai công tác tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36; báo cáo về việc tạm dừng tổ chức chương trình trong năm 2020 và nghiên cứu tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tiếp tục triển khai các công tác phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa thành phố và các địa phương, tổ chức trên thế giới.

3. Quản lý đầu tư - xây dựng cơ bản, quản lý quy hoạch, đô thị và tài nguyên môi trường

Công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục được tăng cường, chú trọng đầu tư có trọng điểm, quy mô hợp lý và nâng cao hiệu quả đầu tư; công tác chuẩn bị đầu tư, thẩm định dự án, thiết kế - dự toán, thẩm định đấu thầu và quản lý chất lượng công trình được thực hiện đúng quy trình và luật định.

Công tác quản lý đất đai được tăng cường, tiếp tục hoàn thiện Bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2024; thực hiện rà soát và tiếp nhận quỹ đất lớn trên địa bàn thành phố từ các Ban quản lý dự án. Tập trung tháo gỡ vướng mắc, tồn tại về pháp lý liên quan đến đất đai, đẩy nhanh các thủ tục liên quan để doanh nghiệp nhanh chóng triển khai dự án. Trong tháng, thành phố đã ban hành Kế hoạch về triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố trong năm 2020; kế hoạch về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tiếp tục thực hiện Chương trình quan trắc môi trường nước và không khí theo Đề án Xây dựng mạng lưới quan trắc không khí và nước thành phố.

4. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội

a) Về Khoa học - Công nghệ: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển thị trường công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố. Chú trọng hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, hạt nhân. Tập trung thanh kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến sở hữu trí tuệ. Công tác quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng được triển khai tích cực. Tập trung triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ sinh học; lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ.

b) Về Văn hóa - Thể thao: Ngành chức năng đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm: 45 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế Lao động 01/5, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; chào mừng đại hội Đảng các cấp, trong đó tập trung hướng dẫn và theo dõi tuyên truyền Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Các sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn thành phố bắt đầu được tổ chức hoạt động trở lại nhưng vẫn phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tiếp tục nhận được quan tâm đầu tư, thành phố đã công nhận hai di tích cấp thành phố là Miếu Tam Vị và Địa điểm chiến thắng Gò Hà. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và thực hiện Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị” trên địa bàn thành phố.

c) Về Y tế: Tính đến ngày 20/5, tại Thành phố ghi nhận 06 trường hợp mắc Covid-19, toàn bộ 06 bệnh nhân đều đã điều trị khỏi và xuất viện. Từ sau ngày 22/4, căn cứ Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng, Thông báo số 177/TB-VPCP ngày 08/5/2020 của Văn phòng Chính phủ, thành phố chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp, người dân tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; tổ chức cách ly các trường hợp nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ tại trụ sở lãnh sự quán và nơi lưu trú; cách ly y tế tập trung đối với công dân nhập cảnh vào thành phố từ I-ta-li-a, Malaysia, Tây Ban Nha. Tình hình dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, sởi đều giảm mạnh số ca mắc so với cùng kỳ năm ngoái, phát hiện 01 ca nhiễm virus Zika và đã được chữa khỏi bệnh.

d) Về Giáo dục và Đào tạo: Ngành giáo dục đã chủ động triển khai công tác chuẩn bị, tổ chức cho học sinh các cấp đi học lại sau thời gian nghỉ học; tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các đơn vị, trường học thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, đảm bảo an toàn tối đa cho học sinh, giáo viên. Xây dựng kế hoạch kiểm tra học kỳ II; tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2020-2021 và thi tốt nghiệp THPT năm 2020; tổ chức Kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố dành cho lớp 9 và 12; thi học viên giỏi giáo dục thường xuyên cấp THPT; phát động Cuộc thi Bác Hồ với thiếu nhi; Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố.       

đ) Về Lao động - Thương binh - Xã hội: Tính đến ngày 19/5 trên địa bàn thành phố có khoảng 179.000 người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; trong đó có 12.600 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 59.600 lao động bị ngừng việc, nghỉ không hưởng lương; 106.800 lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm và hơn 24.000 hộ kinh doanh bị ảnh hưởng. Trong tháng, các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố tạo việc làm cho 2.800 lao động thông qua 02 phiên giao dịch việc làm. Trong tháng, có 01 vụ tai nạn lao động xảy ra.

Tính đến ngày 25/5/2020, đã chi hỗ trợ cho 92.846 đối tượng, với kinh phí 99,1 tỷ đồng (trong đó có 13.807 người có công với cách mạng, đạt tỷ lệ 98%;  25.521 đối tượng bảo trợ xã hội, đạt tỷ lệ 94,7% và 53.518 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đạt tỷ lệ 96,3%), còn lại 3.512 đối tượng đang tiếp tục chi trả. Đối với hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể tạm ngừng kinh doanh; người lao động bị chấm dứt HĐLĐ, HĐLV nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp; người lao động không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm; người lao động tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc không lương; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động: các địa phương đã tổ chức tập huấn, triển khai đến các xã, phường và tổ chức tiếp nhận hồ sơ từ ngày 12/5/2020 qua dịch vụ công trực tuyến, dự kiến cuối tháng 5/2020 sẽ tiến hành chi trả cho người lao động, hộ kinh doanh.  

Về chính sách người có công, thành phố đã ban hành Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng số 14.103 người, kinh phí 21,155 tỷ đồng; đã triển khai, hoàn thành xây mới, sửa chữa 664/814 nhà ở theo kế hoạch.

Công tác bảo trợ xã hội, giảm nghèo, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm thực hiện đảm bảo đúng định hướng và quy định. Về phòng chống tệ nạn xã hội, trong tháng Cơ sở xã hội Bầu Bàng tiếp nhận 53 học viên vào cai nghiện, giải quyết cho về cộng đồng đúng thời hạn 48 học viên, đến nay cơ sở đang quản lý, cai nghiện, giáo dục, dạy nghề cho 637 học viên.

5. Công tác xây dựng chính quyền - Thanh tra - Tư pháp

Thành phố tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan Trung ương hoàn thiện hồ sơ trình của Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tại phiên họp 44 và 45) và được đồng ý trình Quốc hội thông qua (tại kỳ họp thứ 9) đối với Nghị quyết về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Trong tháng, thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, kiện toàn nhân sự tại một số cơ quan, đơn vị; báo cáo Bộ Nội vụ về chuyển đổi, chuẩn hóa, tích hợp cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức; báo cáo Thường trực HĐND thành phố và Ban Tổ chức Thành ủy nội dung liên quan đến chế độ, chính sách đối với sinh viên thu hút, Đề án 89 đang công tác tại phường, xã. Tình hình hoạt động của các tổ chức tôn giáo hợp pháp, cơ sở tín ngưỡng, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố diễn ra bình thường, ổn định theo quy định của pháp luật.

Thành phố đã thực hiện báo cáo sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Triển khai thanh tra tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà Đà Nẵng; xử lý sai phạm tại Chung cư Hoàng Anh Gia Lai. Công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo tiếp tục được thực hiện đúng quy định.

Công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tiếp tục được chú trọng, ngành chức năng đã tham gia góp ý 98 văn bản; thẩm định 11 dự thảo văn bản; thẩm tra rà soát 02 văn bản; tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của UBND thành phố về những vấn đề liên quan đến Nhà máy thép Dana - Ý. Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Công tác lý lịch tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, đúng quy định. Công tác hành chính tư pháp, quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật tiếp tục được đảm bảo.

6. Quốc phòng - an ninh

Duy trì và giữ vững ổn định an ninh chính trị, không để xảy ra các hoạt động gây rối, phá hoại về an ninh chính trị trên địa bàn. Tội phạm và vi phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kiềm chế, kiểm soát, không xảy ra vụ việc phức tạp, trọng án. Trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị tiếp tục được duy trì ổn định, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Trong tháng xảy ra 06 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 05 người, bị thương 01 người, thiệt hại tài sản khoảng 24,5 triệu đồng (so với tháng 04/2020, tăng 01 vụ, số người chết không tăng/giảm, giảm 03 người bị thương); tai nạn giao thông đường thủy, đường sắt không xảy ra; xảy ra 06 vụ cháy nhưng không có thiệt hại về người, thiệt hại tài sản khoảng 190,5 triệu đồng.

Nhìn chung, dịch bệnh Covid-19 tác động rất mạnh và nhiều chiều lên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó 3 tác động chính vào tăng trưởng, đầu tư và thương mại; gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng ảnh hưởng đến dịch vụ và du lịch. Trong bối cảnh đó, hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm, trong đó một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng, gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh như các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải,... Tuy nhiên, đến nay tình hình dịch bệnh Covid -19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội đang dần được khôi phục nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Các mục tiêu an sinh xã hội được duy trì thực hiện, đời sống của các tầng lớp nhân dân được quan tâm, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI TRONG THÁNG 06 NĂM 2020

Trong tháng 06 năm 2020, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tập trung triển khai một số nội dung công việc cụ thể sau đây:

1. Đề nghị các sở, ban, ngành rà soát, chuẩn bị chu đáo nội dung trình tại kỳ họp giữa năm 2020 của HĐND thành phố.

2. Về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19): Tiếp tục tăng cường công tác giám sát y tế tại cửa khẩu, bệnh viện và cộng đồng. Tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông về phòng, chống Covid-19.

3. Chủ động xây dựng, triển khai các giải pháp hiệu quả, thiết thực nhằm khôi phục, phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an sinh, trật tự an toàn xã hội theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy tại Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 19 tháng 5 năm 2020 và HĐND thành phố tại Nghị quyết số 292/NQ-HĐND ngày 13 tháng 3 năm 2020, Nghị quyết số 298/NQ-HĐND ngày 22 tháng 5 năm 2020.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong việc tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo văn kiện Đảng bộ thành phố về nội dung đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2015-2020, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2020-2025 theo đúng tiến độ đã được quy định tại Kế hoạch số 6834/KH-UBND ngày 08 tháng 10 năm 2019 của UBND thành phố.

6. Trình Bộ Xây dựng thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai việc xây dựng Quy hoạch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy định. Đồng thời, tham mưu UBND thành phố việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

8. Sở Du lịch tập trung thực hiện Kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch sau ảnh hưởng dịch Covid-19 và cùng với Hiệp hội du lịch triển khai Kế hoạch tổ chức chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng năm 2020; xây dựng Đề án phát triển du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025.
9. Tiếp tục tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức trên địa bàn thành phố; định kỳ tổ chức tiếp dân theo đúng quy định.

10. Thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn mọi hoạt động chống phá nhằm bảo đảm ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TP

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác