Bài phát biểu của Chủ tịch UBMTTQVN thành phố Ngô Xuân Thắng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố khóa X
Đăng ngày 15-12-2022 10:38, Lượt xem: 410

Cổng Thông tin điện tử thành phố trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bài phát biểu của Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố khóa X vào sáng 13-12-2022.

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng trình bày báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố khóa X vào sáng 13-12-2022

Kính thưa đồng chí Nguyễn Văn Quảng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng;

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp;

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố;

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu HĐND thành phố và quý vị khách mời,

Kính thưa cử tri thành phố,

Trước hết, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố thống nhất với báo cáo tình hình thực hiện kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của UBND thành phố. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, thành phố tiếp tục đối mặt với những ảnh hưởng, tác động bất ổn của kinh tế, chính trị thế giới; những hậu quả của dịch bệnh và những vướng mắc, khó khăn kéo dài, chưa được tháo gỡ... Cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, điều hành của HĐND, UBND thành phố, đã nỗ lực thực hiện chủ đề năm 2022 “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế xã hội”. Nhờ đó, thành phố đã sớm ổn định tình hình, khôi phục và phát triển hiệu quả kinh tế - xã hội, nổi bật là GRDP tăng 14,05% so với năm 2021; xếp thứ ba cả nước về tốc độ tăng GRDP. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 120,1% dự toán. Đây là thứ 2 liên tiếp, thành phố xếp hạng nhất cả nước về chuyển đổi số trên cả 03 trụ cột: chính quyền số - kinh tế số - xã hội số; năm thứ 3 liên tiếp đạt giải nhất về “Thành phố thông minh Việt Nam”; xếp hạng 3 cả nước về chỉ số cải cách hành chính, tăng 3 bậc so với công bố trong năm 2021. Việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị đạt được một số kết quả bước đầu; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tình hình tư tưởng của Nhân dân thành phố cơ bản ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc cụ thể hóa triển khai một số nghị quyết, văn bản, chương trình của Trung ương và thành phố có lúc chưa đảm bảo yêu cầu, kế hoạch đề ra. Kinh tế thành phố phục hồi khá nhanh nhưng chưa đồng đều, một số lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài đạt thấpViệc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị phát sinh, đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác chỉ đạo, điều hành và cơ chế, chính sách thực hiện; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều phức tạp, nhất là an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao, ma túy, cờ bạc, cho vay nặng lãi, tai nạn giao thông...

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp và quý vị đại biểu,

Tại Kỳ họp này, thay mặt Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, tôi xin thông báo một số tâm tư, nguyên vọng của cử tri và Nhân dân như sau:

Cử tri và Nhân dân thành phố tiếp tục tin tưởng vào sự lãnh đạo của Trung ương, Thành ủy, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền thành phố, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các ngành các cấp và các địa phương trong thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ. Nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động mất việc làm, người thuê trọ... đã cơ bản giải quyết khó khăn, giúp Nhân dân ổn định kinh tế, an sinh xã hội. Dư luận Nhân dân cũng ghi nhận việc ngành Y tế thành phố đã tiến hành kiểm tra, rà soát nguyên nhân dẫn đến sự khan hiếm về trang thiết bị, vật tư y tế và các loại thuốc điều trị tại các bệnh viện công gây ảnh hưởng lớn đến việc khám chữa bệnh và nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. Việc thành phố quyết định bãi bỏ dự án Ga đường sắt kéo dài nhiều năm trên địa bàn quận Liên Chiểu; những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ trương lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp Nhân dân trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai... nhận được sự đồng tình của Nhân dân.

Cử tri và Nhân dân hoan nghênh Mặt trận và các đoàn thể, lực lượng vũ trang, các ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã có nhiều chương trình, việc làm thiết thực, hỗ trợ kịp thời, giúp nhân dân khắc phục thiệt hại sau đợt mưa lũ, ngập úng do cơn bão số 5 gây ra.

Nhân dân địa phương phấn khởi chào đón, hưởng ứng Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc nhân 92 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đã đến dự, chung vui, động viên Nhân dân, tặng quà cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi... Nhân dân rất hoan nghênh. Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để mọi người cùng thôn, tổ dân phố gặp gỡ, trải lòng sau 2 năm chống chọi với dịch bệnh, chia sẻ những nhọc nhằn, khó khăn, những hoạt động gắn kết tình làng nghĩa xóm, tương thân tương ái không dễ gì có được, kết nối những niềm vui, xây dựng lại cuộc sống bình thường mới.

Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân cho rằng, thời gian qua, bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết HĐND thành phố vẫn còn một bộ phận cán bộ chưa thể hiện hết tinh thần, trách nhệm vì lợi ích chung. Cử tri và Nhân dân cũng lo lắng những ảnh hưởng lớn do tác động tiêu cực, kéo dài từ bất ổn của tình hình thế giới đến mọi mặt đời sống xã hội, nhất là tình trạng khan hiếm xăng dầu; những diễn biến thất thường của thời tiết, biến đổi khí hậu. Cử tri và Nhân dân cũng cho rằng công tác dự báo, theo dõi, nắm bắt tình hình phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa bão tại một số thời điểm còn bị động. Việc quản lý thông tin cá nhân của công dân trên ứng dụng công dân số, tình hình tội phạm công nghệ cao, tội phạm về ma túy, “tín dụng đen” còn diễn biến phức tạp...

Kính thưa Chỉ tọa kỳ họp và quý vị đại biểu,

Năm 2022, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể thành phố không ngừng nâng cao chất lượng, phương thức hoạt động, hướng trọng tâm về cơ sở, thực hiện tốt vai trò tập hợp, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy sự đồng thuận xã hội; đồng hành, phối hợp cùng chính quyền thành phố trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; tham gia cùng các cấp, các ngành trong việc xây dựng các chính sách, kế hoạch, đảm bảo thực hiện các nội dung của Nghị quyết của Quốc hội và HĐND thành phố; chủ trì 116 cuộc tiếp xúc cử tri; tổ chức 133 chuyên đề giám sát; 54 cuộc phản biện xã hội liên quan đến các dự án, chương trình; đóng góp ý kiến vào 78 dự thảo văn bản của Chính phủ và thành phố.

Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả theo dõi, giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố xin gửi đến HĐND thành phố 05 kiến nghị sau:

Thứ nhất, kiến nghị liên quan đến tình hình sản xuất, kinh doanh, tiếp cận các nguồn vốn vay, phát triển kinh tế và ổn định đời sống Nhân dân.

Cử tri rất băn khoăn, lo lắng trước tình hình giá cả nhiều mặt hàng vẫn tăng cao, nhất là sau thời gian dài bị ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh. Hiện nay, chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn do dịch COVID-19, các đối tượng đặc thù bằng chính sách riêng của thành phố đã được triển khai đồng loạt được Nhân dân đồng tình. Tuy nhiên quy trình, thời gian, thủ tục kê khai hồ sơ trên thực tế và tiếp nhận hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia còn nhiều bất cập, vướng mắc nên nhiều doanh nghiệp, người lao động không thể tiếp cận được nguồn hỗ trợ cũng như nguồn vốn vay để khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ.

Đối với doanh nghiệp, cử tri đề nghị thành phố quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ một phần lãi suất vay vốn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp tích cực trong các Chương trình an sinh xã hội của thành phố có điều kiện phục hồi kinh tế sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch COVID-19; cử tri cũng kiến nghị Ngân hàng chính sách xã hội thành phố tiếp tục xây dựng nhiều chính sách cho vay ưu đãi, thúc đẩy phục hồi sản xuất, ổn định đời sống cho người lao động.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố gặp khó khăn do lạm phát tăng cao, thiếu nguồn nguyên liệu, thiếu hụt đơn hàng... Vì vậy đề nghị thành phố cần có những giải pháp cụ thể, hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp. Cử tri đề nghị thành phố tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay để có điều kiện vươn khơi bám biển, ngoài chính sách hỗ trợ theo Quyết định 47/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, về quy hoạch và phát triển các chợ tại trung tâm thành phố.

Những năm qua, trước sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, Chợ Cồn - danh xưng có từ thập niên 1940 của thế kỷ trước, gắn liền với lịch sử, văn hóa, mảnh đất con người Đà Nẵng, không vì thế mà mất đi không khí kinh doanh sầm uất, trở thành một trong những điểm đến của nhiều du khách khi đến Đà Nẵng. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài hoạt động, dù đã nhiều lần được sửa chữa nhưng hiện nay cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị đều đã xuống cấp, không đồng bộ; việc bố trí các khu vực quầy hàng chưa bảo đảm được các tiêu chí của chợ cấp 1. Hiện nay, thành phố đã xây dựng Đề án chuẩn hóa công tác quản lý 4 chợ cấp 1 và có chủ trương nghiên cứu xây dựng Phương án đầu tư, quản lý và khai thác chợ Cồn theo hướng duy trì chợ truyền thống, văn minh, hiện đại. Vì vậy, để tương xứng với chợ trung tâm, cũng là biểu tượng thương mại của người Đà Nẵng, đề nghị thành phố sớm triển khai phương án quy hoạch xây dựng lại chợ Cồn đảm bảo các tiêu chí của chợ truyền thống, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, kết hợp với phát triển văn hóa ẩm thực. Thiết nghĩ việc quy hoạch và xây dựng chợ Cồn thể hiện sự quan tâm, lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử, biểu tượng thương mại lâu đời của người dân thành phố.

Thứ ba, kiến nghị thành phố tăng cường chỉ đạo, giám sát tiến độ các dự án, sớm ổn định đời sống hộ dân giải tỏa và đảm bảo trật tự đô thị.

Theo báo cáo UBND thành phố, tính đến ngày 30/11/2022, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đạt 3.950 tỷ đồng, bằng 66,2% kế hoạch Trung ương giao và đạt 50,1% kế hoạch HĐND thành phố giao.

Tuy nhiên, nhiều cử tri cho rằng, tiến độ các công trình, dự án trọng điểm chưa đạt như mong muốn, công tác giải phóng mặt bằng đạt thấp, ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng tuy có chuyển biến nhưng còn nhiều bất cập; nhiều dự án chậm triển khai, chậm bàn giao ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Đề nghị thành phố quan tâm tập trung vào các dự án kéo dài, có thể kết thúc dự án nếu không khả thi, nhất là dự án đã triển khai trên dưới 20 năm vẫn chưa xong, ở những khu vực thấp trũng, nhà cửa tạm bợ, dễ dẫn đến nguy cơ thiệt hại về người và tài sản nếu có mưa lũ và bão lớn xảy ra, đời sống nhân dân đang gặp rất nhiều khó khăn, bức xúc.

  Kiến nghị HĐND thành phố quyết nghị các giải pháp cụ thể theo hướng tập trung hơn nữa các dự án trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, kém hiệu quả, gây ra chậm trễ, phát sinh nhiều chi phí; thực hiện mạnh mẽ việc phân công, phân cấp và giao quyền, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu phụ trách lĩnh vực, chính quyền địa phương trong từng dự án. Chú trọng công tác giao vốn, xem xét năng lực nhà thầu, cam kết tiến độ thi công, nhất là các công trình động lực, trọng điểm, công trình phục vụ dân sinh của thành phố.

Thứ tư, về việc thực hiện quy hoạch phân khu của Quy hoạch thành phố Đà Nẵng theo Quyết định 359/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo, UBND thành phố đã thực hiện quy hoạch 18 phân khu; thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch của 16 phân khu; 01 đồ án và 05 nhiệm vụ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật. Tuy vậy, qua giám sát Mặt trận thành phố nhận thấy việc thực hiện các quy hoạch phân khu vẫn còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo về chất lượng; chưa có sự phối hợp, tham gia góp ý của các cơ quan chuyên môn với đơn vị tư vấn xây dựng Đồ án; nhiều quy hoạch phân khu chưa sát thực tiễn, số liệu chưa hợp lý, thiếu tính mở, chưa gắn kết, khớp nối đồng bộ với các quy hoạch xung quanh, một số tên gọi khó hiểu... nên chưa đủ sức thuyết phục các chuyên gia, nhà khoa học.

Vì vậy, đề nghị thành phố chỉ đạo quyết liệt hơn đối với các sở, ngành, cơ quan chuyên môn thành phố phải vào cuộc cùng đơn vị tư vấn, thực hiện tốt quy hoạch phân khu gắn với địa hình, địa lý, lịch sử và văn hóa con người Đà Nẵng, đảm bảo phù hợp thực tiễn, có tầm nhìn và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thành phố trong tương lai.

Thứ năm, về giáo dục đào tạo và dạy nghề trên địa bàn thành phố

Cử tri phản ánh tình trạng dạy nghề trên địa bàn thành phố còn nhiều lúng túng; việc thiếu trường, thiếu lớp ở các cấp học còn nhiều. Điều đó được thể hiện rõ nhất qua công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022- 2023 có hơn 4.000 học sinh nằm ngoài chỉ tiêu vào trường THPT.

Vì vậy, đề nghị thành phố quan tâm hơn nữa trong việc quy hoạch sử dụng đất để khuyến khích, đẩy mạnh việc kêu gọi xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa; đồng thời, xem xét đầu tư mở rộng trường học, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trung tâm đào tạo nghề trên địa bàn.

Đề nghị thành phố ưu tiên sớm triển khai mở rộng, nâng cấp trường THPT ở khu vực 04 xã Bắc Hòa Vang; các trường tiểu học ở phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Cường Bắc để giảm tải áp lực cho địa phương và lo lắng của phụ huynh. Cử tri cũng đề nghị thành phố có chính sách hợp lý, tăng chỉ tiêu đào tạo, bổ sung nhân lực giáo viên bậc tiểu học; quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên có chuyên môn tâm lý học, xã hội học để hỗ trợ tư vấn cho học sinh cá biệt, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ dạy và học.

Kính thưa chủ tọa kỳ họp và quý vị đại biểu,

Kính thưa cử tri thành phố,

Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố thống nhất cao với chủ đề năm 2023 là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội” và các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố đề ra. Trân trọng đề nghị Nhân dân thành phố tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết, đồng lòng, chung sức cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống; thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XXII của Đảng bộ thành phố.

Với trách nhiệm là cơ quan chủ trì thực hiện việcGiám sát đại biểu dân cử, nhiệm kỳ 2021-2026”, Mặt trận các cấp thành phố tiếp tục giám sát hoạt động của các đại biểu trong năm 2023, rất mong các vị đại biểu gương mẫu, nỗ lực thực hiện các cam kết của mình với cử tri thành phố; vì quyền lợi hợp pháp và chính đáng của cử tri, chất vấn và giám sát đến cùng việc giải quyết các kiến nghị của các cơ quan Trung ương và thành phố.

Chỉ còn hơn 1 tháng là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên quyết tâm cùng chính quyền các cấp chung tay chăm lo Tết cho gia đình chính sách, cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng đặc thù, các đối tượng yếu thế, các hội viên, đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Mặt trận thành phố sẽ tổ chức Chương trình “Xuân yêu thương 2023”, sẽ trao gần 15.000 suất quà, trị giá trên 7 tỷ đồng, để mọi người, mọi nhà đều có Tết. Đồng thời, đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tiếp tục chung tay, đồng hành cùng Mặt trận các cấp san xẻ, hỗ trợ, cùng Nhân dân thành phố bước sang Năm mới tràn đầy yêu thương, đầm ấm, an toàn và nhiều niềm vui.

Cuối cùng, xin kính chúc các các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu HĐND thành phố, các vị khách quý và toàn thể cử tri thành phố mạnh khỏe, nhiều thành tích trong năm 2023. Chúc Kỳ họp thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác