Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hồ Nghinh (1913-2023): Đồng chí Hồ Nghinh - một trí thức cách mạng giàu thực tiễn và nhân văn

Đồng chí Hồ Nghinh, còn có tên là Hồ Hữu Phước, sinh ngày 15/02/1913 tại làng Thi Lai, phủ Duy Xuyên, nay là xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nhà nho thanh bạch, có truyền thống hiếu học và yêu nước. Ông nội của đồng chí có thời gian là thành viên đội Ngự lâm quân triều vua Hàm Nghi. Khi vua Hàm Nghi xuất bôn ra Quảng Trị hạ chiếu Cần vương, ông theo vua tham gia chống Pháp.

Ông sinh ra là để làm công tác Mặt trận

Thân sinh của đồng chí Hồ Nghinh là cụ Hồ Hoàng, Hồ Nghinh là con thứ năm trong gia đình có 10 người con và được đi học từ sớm. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, ông ra Huế học tại Trường Quốc học Huế, cùng lớp với đồng chí Võ Nguyên Giáp. Tại đây, người thanh niên xứ Quảng này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các phong trào đấu tranh yêu nước và tiếp thu đường lối cách mạng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1930, ông bị bắt và bị kết án hai năm tù giam vì tham gia cách mạng.


Đồng chí Hồ Nghinh (1913-2007)

Trong thời gian ở tù, ông Hồ Nghinh tranh thủ học nhiều ngoại ngữ: Anh, Trung Quốc, Pháp. Nhờ đọc nhiều, hiểu sâu, Hồ Nghinh được xem là có nhiều hiểu biết cả Đông, Tây, thông kim bác cổ. Những năm 1943-1944, ông bắt liên lạc với Mặt trận Việt Minh, tiếp thu chủ trương đánh Pháp, đuổi Nhật của Việt Minh. Tháng 8/1945, ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương; tháng 02/1946, được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Duy Xuyên, vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương, tham gia Huyện ủy Duy Xuyên, làm Phó Bí thư Huyện ủy. Tháng 01/1949, ông được bổ sung vào Tỉnh ủy Quảng Nam, sau đó được bầu vào Ban Thường vụ, đảm nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Mặt trận Liên Việt tỉnh.

Trong những năm làm công tác mặt trận, là con một nhà nho, một viên quan nhỏ, nghèo và trong sạch, luôn sống bình dị, gần gũi với nhân dân, đi vào quần chúng một cách dung dị, thoải mái; là một trí thức có hiểu biết sâu rộng văn hóa phương Đông và phương Tây, thông thạo tiếng Pháp và Nho học, với cách nói khúc chiết, phong thái nho nhã, nên được giới nhân sỹ, trí thức mến mộ, nể trọng, gọi đồng chí là “Nho cốt cách, Mác tinh thần”. Ông có quan hệ thân tình với nguyên Tổng đốc, danh y Lương Trọng Hối, bác sỹ Trần Đình Nam, bác sỹ Phạm Phú Dõng, những người có ảnh hưởng rộng trong giới nhân sỹ, trí thức Quảng Nam thời bấy giờ.

Hay trong nạn đói năm 1952, ông trực tiếp gánh đôi bầu về vùng đói nặng, nhất là ở các xã ven biển phía nam của tỉnh để phân phát lương thực cho người dân. Hình ảnh đó của người Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh có tác dụng to lớn, góp phần động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhường cơm xẻ áo, tăng gia sản xuất, vượt qua nạn đói khủng khiếp này và tích cực tham gia kháng chiến. Chính vì vậy, các bạn bè đương thời nói: “Ông sinh ra hình như là để làm công tác Mặt trận”.

Mỗi đảng viên phải bám dân!

Tháng 7/1954, ông Hồ Nghinh được phân công ở lại hoạt động công khai dưới vỏ bọc là Bí thư Đảng bộ Đảng Xã hội tỉnh Quảng Nam. Năm 1956, Pháp đề nghị ta cử sỹ quan cùng đi tìm mộ của những người Pháp đã bỏ xác trên đất nước ta, ông được cấp trên cử vào Đoàn sỹ quan tìm mộ cho Pháp ở chiến trường phía Nam, việc ông đi lại công khai trong tỉnh lúc bấy giờ có tác dụng động viên tinh thần nhân dân rất lớn. Việc tìm mộ chỉ thực hiện được một thời gian ngắn, Đoàn sỹ quan tìm mộ bị giải thể. Từ năm 1957 đến năm 1959, ông được điều về công tác tại Đặc khu Vĩnh Linh, làm Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy, phụ trách công tác Dân vận - Mặt trận.

Lễ tách thành phố Đà Nẵng năm 1950. Hàng đầu từ trái qua phải: Hồ Nghinh, Lâm Quang Thự, Trần Đình Tri.

Từ năm 1959 đến năm 1975, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà kiêm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà, đó là những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, ông luôn có mặt nơi tuyến đầu, cùng với anh em, đồng đội gánh chịu bom đạn. Trong Xuân Mậu Thân năm 1968, Đà Nẵng được xác định là địa bàn trọng điểm của Khu 5. Với trách nhiệm của mình, ông đã vào tận nội thành Đà Nẵng giữa ban ngày để nắm tình hình địch, mặc dù biết rằng việc đó rất nguy hiểm và có thể đánh đổi bằng cả mạng sống của mình.

Từ sau Xuân Mậu Thân năm 1968, địch đánh phá ác liệt, nhiều vùng ở Quảng Đà bị chúng cày xới nhiều lần, không ít cán bộ, đảng viên tỏ ra dao động, dân không trụ bám nổi ở vùng giải phóng. Chính trong tình thế nóng bỏng này, ông Hồ Nghinh quyết định đưa Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà về đứng chân ở Gò Nổi - nơi bị đánh phá, cày ủi liên tục ngày đêm. Có người lo lắng, sợ nguy hiểm cho cơ quan đầu não của Đặc khu, nhưng ông kiên quyết: Lúc này, điều quyết định còn hay mất là mỗi đảng viên phải bám dân.

Vì có cách tiếp cận như vậy, trong điều kiện khó khăn, ác liệt, không một bí thư huyện ủy nào dám bỏ dân chạy; và bí thư xã còn bám trụ thì không bí thư chi bộ hay đảng viên nào bỏ thôn, xóm. Trên thực tế ở Quảng Đà, đã thực hiện một cách thuyết phục phương châm đảng viên còn trụ lại thì dân trụ lại, theo đó địa bàn còn thì phong trào còn. Chính với cách tiếp cận đó, ông Hồ Nghinh đã có những quyết sách kịp thời, chính xác, phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong kháng chiến giành độc lập tự do cho quê hương, làm nên chiến thắng tháng 3 lịch sử năm 1975.

Tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý kinh tế

Tháng 10/1975, sau khi giải phóng, Đặc khu Quảng Đà và tỉnh Quảng Nam được sáp nhập thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, ông Hồ Nghinh làm Bí thư Tỉnh ủy. Dấu ấn lớn nhất của ông trong thời gian này là chỉ đạo quyết liệt việc khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh, giải quyết vấn đề lương thực cho cả tỉnh một cách căn bản nhất. Bí thư Hồ Nghinh đã có những quyết định linh hoạt, khôn khéo nhằm không để xảy ra những mất mát không đáng có trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp.

Một ví dụ điển hình trong chủ trương “cải tạo tư sản” lúc bấy giờ là, thành phố Đà Nẵng thống kê có 920 hộ nằm trong diện cải tạo, đồng chí linh hoạt chỉ cho thực hiện khoảng vài chục hộ, số đông còn lại động viên họ tham gia vào xây dựng xã hội mới; nhờ vậy, Đà Nẵng cơ bản giữ được lực lượng kinh tế tư nhân. Hoặc ông chỉ đạo Sở Giao thông không đưa 600 xe vận tải vào diện cải tạo mà đưa vào diện công tư hợp doanh, qua đó không chỉ giữ lại được lượng xe hiện có mà còn phát triển thêm, phục vụ hiệu quả cho xây dựng và chiến đấu.

Tất nhiên, Ban cải tạo Trung ương nhiều lần nhắc nhở, nhưng ông âm thầm lặng lẽ, bí mật chỉ đạo các cấp thực hiện theo kiểu của mình vì lợi ích và hạnh phúc của giới công thương nghiệp, lực lượng có công đóng góp tài sản cho cách mạng, cho kháng chiến. Nếu cải tạo theo kiểu ấy, không chỉ làm thất bại về kinh tế mà còn thất bại cả lòng tin của họ đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Nhờ có sự chỉ đạo, đưa ra quyết sách phù hợp với thực tế cuộc sống của Bí thư Hồ Nghinh, đã đem đến những đổi thay về bộ mặt kinh tế - xã hội của một vùng đất trước đây bị bom mìn giặc cày xới. Tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trong những năm đầu sau giải phóng đã vinh dự được bình chọn là đơn vị dẫn đầu cả nước.

Đồng chí Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng tiếp nhận ngọn đuốc Bác Hồ tại đèo Hải Vân ngày 24/02/1980

Đặc biệt, từ tháng 4/1982, ông được Trung ương điều động về công tác ở Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức vụ Phó Trưởng ban. Trên cương vị mới, đặt trong bối cảnh cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp ngự trị quá lâu trong nền kinh tế nước nhà, yêu cầu cần phải đổi mới toàn diện. Từ những trăn trở, suy nghĩ đó, ông đã đóng ý nhiều ý kiến có tính cơ bản, góp phần cho quá trình chuẩn bị Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, một nghị quyết đóng vai trò then chốt để đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ.

Một điểm trùng hợp là, trước đó, từ năm 1960, Đà Nẵng và Hải Phòng đã kết nghĩa để cổ vũ, động viên nhau chiến đấu, sản xuất. Sau ngày giải phóng, Hải Phòng là một trong những địa phương có nhiều chủ trương đổi mới.

Với vị trí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Hồ Nghinh với cách nhìn thực tế, đã thường xuyên xuống Hải Phòng làm việc với Thường trực Thành ủy để bàn cách tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý kinh tế, chống giáo điều trong vận dụng lý luận Mác - Lênin và rất tâm đắc với những vấn đề Hải Phòng đã làm như khoán sản phẩm trong nông nghiệp; bỏ cơ chế 02 giá và chế độ tem phiếu; bỏ nghĩa vụ gia cầm, gia súc; việc khai hoang lấn biển; tổ chức đoàn tàu đi buôn với nước ngoài. Mỗi vấn đề ông đều nghiên cứu, suy nghĩ thấu đáo để góp ý kiến cho địa phương và Trung ương.

Một tính cách của sĩ phu xứ Quảng

Ông Hồ Nghinh là người có chủ kiến và không rào đón, ghét các loại cơ hội, bảo thủ và lý luận suông; luôn phát biểu về quan điểm và ý kiến khác của mình để làm sáng tỏ những ý kiến còn khác nhau. Quan điểm của ông luôn minh bạch, vì lợi ích chung, không liên quan đến những lý do riêng.

Ông cũng sẵn sàng tranh luận đến cùng, với bất kỳ ai, khi chưa thông, mà có người cho là do ảnh hưởng cái “tật hay cãi” của người Quảng. Đọc khá nhiều sách Mác - Lênin, kiến thức rộng, ảnh hưởng văn hóa Pháp khá sâu, cộng với tính khí của quê hương, đồng chí tranh luận với lý lẽ hẳn hoi, có người gọi đùa là “Hồ Ngang”.

Tính sĩ phu được thể hiện ở chỗ, ông đánh giá cán bộ không qua nói hay, nói đúng đường lối, quan điểm của Đảng, mà vấn đề là thực sự làm có hiệu quả, đó là tiêu chí hàng đầu - là dám làm, dám chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng, không có tư tưởng địa phương. Ông ghét bệnh quan liêu, thói ham quyền hống hách và thói tham của bất kể đạo lý; luôn tôn trọng những cán bộ có tài và trong sạch, dù quê quán ở đâu, tuổi tác lớn hay nhỏ. Ông sẵn sàng nghe kỹ những sáng tạo, tìm hiểu cặn kẽ và phản ánh với tập thể, trong trao đổi đi thẳng vào vấn đề, không thích đi vào chuyện vặt.

Tính sĩ phu cũng thể hiện ở sự nhân văn và sự biện chứng trong suy nghĩ của ông. Hai ví dụ điển hình như mọi người đều biết, trước đây, có chủ trương đập phá phố cổ Hội An để xây dựng lại “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Nhưng khi nghe tin này, ông đã gặp lãnh đạo Hội An để trao đổi ý kiến, bằng lời lẽ mềm mỏng, thuyết phục và chỉ đạo giữ lại một di tích giá trị có một không hai của đất nước.

Điều này thể hiện tầm nhân văn cao của ông, và nếu không có sự can thiệp kịp thời của ông thì không biết hậu quả sẽ đến mức nào đối với một di sản quý mà tiền nhân đã để lại.

Hoặc trong chiến tranh, có câu chuyện về việc đối xử của nhà lãnh đạo cao nhất địa phương với Lê Phước Lý, thành viên ban lãnh đạo cấp tỉnh của Quốc dân đảng. Sau khi bị ta bắt lần thứ hai, nghĩ chắc là lần này phải đền tội, Lý có thái độ ngoan cố, có vẻ “tiết tháo”.

Nhưng ông dặn chiến sĩ ta canh giữ, vừa vạch tội, vừa đối xử với y ôn tồn, nhẹ nhàng. Rồi ông có quyết định rất bất ngờ, cho phóng thích y. Nhiều người biết chuyện ngạc nhiên, thậm chí có người không đồng tình. Ông Hồ Nghinh ôn tồn: “Đúng là tội ác của y tày đình. Nhưng y đã già. Hãy rộng lượng cho y được chết bằng cái chết già đang đến, cái chết không để lại vết hằn trong lòng con cháu y!”. Tính nhân văn của ông trong việc ứng xử đối với kẻ thù này thật là cao thượng, là ứng xử của bậc triết nhân, của một hiệp sĩ.

Tấm gương cống hiến hy sinh, vì dân, vì nước, những đóng góp to lớn và những phẩm chất cao quý của ông Hồ Nghinh là những bài học quý báu cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thành phố Đà Nẵng hôm nay.

ĐOÀN NGỌC HÙNG ANH, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác