Chiều 29-9, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý về dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Duy Minh chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Duy Minh nhận định, sau hơn 13 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phát sinh nhiều hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đòi hỏi khách quan phải ban hành những đạo luật mới thay thế, điều chỉnh chuyên sâu từng lĩnh vực.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Duy Minh chủ trì hội nghị
Dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải tập trung xây dựng với tinh thần rất quyết liệt, trên cơ sở tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của các bộ, ban, ngành, địa phương; thực hiện nhiều lần chỉnh lý, hoàn thiện và đến nay đã hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6.
Theo đó, dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 95 điều, so với dự thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chuyển 2 chương sang Luật Trật tự Giao thông đường bộ, giữ nguyên 1 điều, sửa đổi 40 điều, bổ sung mới 54 điều; dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 9 chương, 81 điều.
Đối với dự thảo Luật Đường bộ, hội nghị tập trung cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, bao gồm các quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ; các chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ trên cơ sở các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Các ý kiến cũng thảo luận về việc quy định đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phân loại đường bộ theo cấp quản lý để phân định trách nhiệm quản lý đường bộ từ trung ương đến địa phương; phân biệt rõ hệ thống đường giao thông nông thôn, đường đô thị và hệ thống đường địa phương. Quy định tổ giao thông được thực hiện từ giai đoạn quy hoạch, đầu tư xây dựng đến giai đoạn quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, hiệu quả.
Đối với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các ý kiến tại hội nghị tập trung góp ý những quy định chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; chính sách của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; các hành vi bị nghiêm cấm,...
Phó Giám đốc Công an thành phố Trần Phòng tham gia ý kiến tại hội nghị
Tham gia ý kiến tại hội nghị, Phó Giám đốc Công an thành phố Trần Phòng cho rằng, công tác tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông quy định tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông và Luật Đường bộ còn chưa rõ ràng, cụ thể, chồng chéo chức năng chủ trì thực hiện.
Do đó, kiến nghị giao Bộ Công an, lực lượng Công an các cấp tham mưu, đề xuất nội dung các biện pháp tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông; Bộ Giao thông vận tải, ngành Giao thông vận tải trên cơ sở tham mưu của ngành Công an sau khi được thống nhất của Thủ tướng, Chủ tịch UBND các cấp tổ chức thi công, lắp đặt, xây dựng hệ thống công trình báo hiệu giao thông theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định pháp luật, nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác chỉ huy, điều khiển giao thông, hạn chế tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, phát huy vai trò của lực lượng công an nhân dân các cấp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.
Đối với quy định về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Phó Giám đốc Công an thành phố đề nghị điều chỉnh giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Bộ Công an đưa nội dung giáo dục pháp luật về giao thông vào chương trình chính khóa, nhằm tạo sự thống nhất về chương trình giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đối với học sinh, sinh viên; tránh tình trạng mỗi địa phương thực hiện một chương trình.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Duy Minh ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến, nội dung đóng góp sát đáng, trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu đối với các vấn đề mà dự thảo quy định, trong đó, có những vấn đề gắn liền với thực tiễn công tác của ngành, địa phương cũng như những vấn đề còn bất cập, khó khăn vướng mắc mà cử tri và nhân dân đã phản ánh.
“Các ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp đầy đủ gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, ban soạn thảo và các đại biểu trong Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố sẽ trực tiếp nghiên cứu, tham gia tại Kỳ hợp thứ 6, Quốc hội Khóa XV sắp tới”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố cho biết.
NGÔ HUYỀN