Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn thành phố đã nỗ lực cùng Nhân dân xây dựng các phong trào, mô hình bảo vệ môi trường mang lại hiệu quả thiết thực, qua đó lan tỏa tinh thần “sống xanh” trong cộng đồng.
Năm 2015, phong trào Ngày Chủ nhật Xanh - Sạch – Đẹp được lồng ghép trong thực hiện năm văn hóa, văn minh đô thị tạo nhiều thuận lợi cho công tác tổ chức phong trào.
Từ khi triển khai phong trào, nhiều vấn đề về môi trường trên địa bàn Đà Nẵng đã được giải quyết. Nhiều lô đất trống ô nhiễm, các tuyến mương, cống thoát nước, quảng cáo được thu dọn, nạo vét thông thoáng sạch sẽ. Các khu dân cư, khu vực công cộng vệ sinh đảm bảo, số lượng cây xanh tăng cao.
Được triển khai từ năm 2009, mô hình Câu lạc bộ môi trường Cựu chiến binh đã hoạt động hàng tuần, hàng tháng ra quân, tuyên truyền vận động nhân dân trên địa bàn tham gia bảo vệ môi trường và trực tiếp tham gia dọn vệ sinh, thu gom rác thải.
Qua thời gian triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Mỗi năm, các câu lạc bộ môi trường do Cựu chiến binh cơ sở thành lập đều có cách thức hoạt động mới mẻ với nhiều hình thức đa dạng về tuyên truyền nâng cao nhận thức, lòng ghép vào các buổi sinh hoạt, ra quân vệ sinh môi trường, trồng cây xanh...
Bên cạnh Hội Cựu chiến binh, các Hội viên Hội Phụ nữ thành phố đã thực hiện nhiều phong trào để chung tay bảo vệ môi trường.
Tiêu biểu có thể kể đến mô hình “Đoạn đường tự quản, ngõ phố nở hoa” được triển khai với các tiêu chí: Chi hội ra quân dọn vệ sinh môi trường ít nhất 1 tháng/lần; có ít nhất 80% gia đình hội viên phụ nữ thực hiện phân loại rác thải; trồng cây xanh tại hộ gia đình; trồng, chăm sóc cây xanh, trồng hoa hoặc có công trình cây xanh, tranh bích họa và 100% gia đình hội viên phụ nữ không xả rác thải bừa bãi, không đúng nơi quy định.
Mô hình “Đoạn đường tự quản, ngõ phố nở hoa” được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức và hành động cho hội viên, phụ nữ và người dân trên địa bàn
Tại quận Hải Châu, hưởng ứng phong trào chung tay bảo vệ môi trường, cùng với việc tổ chức thực hiện nhân rộng các mô hình hiệu quả đã thực hiện như: “Khu dân cư không đốt vàng mã”; “Phân loại rác thải tại nguồn”, Mặt trận quận Hải châu còn phát động cuộc thi thiết kế video, clip “Chung tay bảo vệ môi trường” đến Mặt trận 13 phường.
Ngoài ra, mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” được triển khai tại Khu dân cư Hòa Phú 5A (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp trong khu dân cư.
Bà Đặng Ngọc Châu, người dân sinh sống tại Khu dân cư Hòa Phú 5A cho biết, từ khi mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” triển khai người dân đã hình thành thói quen tham gia tổng vệ sinh môi trường đều đặn rất nhiệt tình, trách nhiệm.
Cứ định kỳ 1 tháng 2 lần, các hộ dân trong khu dân cư lại tập trung để dọn dẹp, vệ sinh trên các tuyến đường, vỉa hè, công viên… trên địa bàn, cùng nhau nêu cao tinh thần đoàn kết, hợp tác vì cộng đồng để giữ Khu dân cư bình yên, an toàn, xanh, sạch, đẹp.
Các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố đẩy mạnh thực hiện phong trào phân loại rác tại nguồn để tăng cường trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường
Với mong muốn tạo không gian kết nối người bảo vệ môi trường, vừa góp phần lan tỏa, thay đổi ý thức về rác thải trong cộng đồng, từ sáng kiến của chị Vũ Hồng Thanh và Trung tâm Phát triển sáng kiến cộng đồng và môi trường (C&E) cùng các đơn vị, dự án “Cộng đồng không rác” đã được ra đời.
Dự án là mô hình thu gom rác, phân loại rác thải từ các hộ gia đình, thực hiện vườn cộng đồng ngay trong khu dân cư để nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường.
Sau hơn một năm triển khai, “Cộng đồng không rác” đã thu hút được hơn 1.500 thành viên. Trong đó, phần lớn là học sinh, sinh viên và các hộ dân. Mỗi thành viên không chỉ cùng thực hành lối sống xanh, mà còn là “sứ giả” truyền cảm hứng, chung tay lan tỏa những kiến thức về rác trong gia đình và mọi người chung quanh.
Trong đó, việc cải tạo khu đất tư nhân có diện tích 350m2 (đường Morrison, quận Sơn Trà) thành vườn rau xanh cộng đồng được các thành viên triển khai đầu năm 2022 đã mang lại hiệu quả thiết thực. Khu vườn mục đích hướng dẫn mọi người có thói quen thực hành lối sống không rác, cách phân loại rác tái chế, tái sử dụng... Điều này góp phần làm giảm số lượng rác thải ra môi trường mỗi ngày.
Theo chị Vũ Hồng Thanh, từ năm 2022 đến nay, dự án ủ được gần 11 tấn rác. Ngoài ra, hơn 600kg rác nhựa giá trị thấp được chuyển tới điểm thu gom để tái chế.
Có thể khẳng định rằng, nhờ những mô hình thiết thực, các địa phương đã có nhiều chuyển biến rõ nét về bảo vệ môi trường. Việc duy trì hoạt động thường xuyên và có ý nghĩa của các mô hình bảo vệ môi trường sẽ góp phần bảo vệ mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế và giữ gìn cảnh quan sống trong cộng đồng.
THANH THẢO