Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính từ cơ sở
Đăng ngày 14-11-2023 19:12, Lượt xem: 106

Chiều 14-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC)

Theo báo cáo, trong 10 tháng năm 2023, công tác cải cách hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt, sát sao, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ - Ảnh: VGP

Từ đầu năm 2023 đến ngày 6-10, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 247 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); các địa phương ban hành 1.540 VBQPPL cấp tỉnh, 1.135 VBQPPL cấp huyện và 57 VBQPPL cấp xã.  Các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 341 quy định kinh doanh tại 30 VBQPPL. Có 5 địa phương phê duyệt phương án đối với 117 TTHC nội bộ, trong đó, cắt giảm, đơn giản hóa 32 TTHC.

Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, trong tháng 10-2023, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của các bộ, ngành đạt 26,93% (tăng 16,15% so cùng kỳ năm 2022), các địa phương đạt 40,91% (tăng 27,77% so cùng kỳ năm 2022); việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt 82,42% (tăng 30,73% so cùng kỳ năm 2022), địa phương đạt 70,15% (tăng 31,31% so cùng kỳ năm 2022)…

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, từ ngày 1-7-2021, Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Từ đó, thành phố xác định việc thực hiện phân cấp, ủy quyền là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 119.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu tham luận tại phiên họp

Về phân cấp, thành phố đã ban hành các văn bản quy phạm thực hiện phân cấp 18 nội dung trên các lĩnh vực trọng tâm như tổ chức nhân sự, đầu tư, tài chính - ngân sách, quản lý đô thị, quản lý tài nguyên môi trường. Đối với việc uỷ quyền, UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành các quyết định ủy quyền đối với 83 nội dung quản lý trên tất cả các lĩnh vực.

Qua phân cấp, ủy quyền, các sở ngành đã thực hiện rà soát, điều chỉnh các quy định pháp luật về phân cấp quản lý, giảm ít nhất 20 đầu công việc, thủ tục tại UBND thành phố; rút ngắn quy trình và giảm thời gian giải quyết các TTHC, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư, đất đai, đô thị.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, việc phân cấp, ủy quyền nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu là các Giám đốc sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện. Đồng thời, thông qua việc phân cấp, ủy quyền đã góp phần từng bước khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên hoặc cơ quan quan phối hợp.

Chú trọng CCHC từ cơ sở

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính thời gian qua; có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng vào thành công chung của cả nước. Đồng thời, phân tích rõ các mặt tồn tại, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan cũng như các bài học kinh nghiệm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp - Ảnh: VGP

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, sức lan tỏa của CCHC với sự phát triển của đất nước. Cần đẩy mạnh hơn nữa cả 6 nội dung CCHC, trong đó cải cách thể chế là nền tảng, cải cách thủ tục là trọng tâm, cải cách chế độ công vụ, công chức là động lực, cùng với cải cách tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công và xây dựng Chính phủ số, để tạo đột phá.

Đặc biệt, cần chú trọng CCHC từ cơ sở, nghiên cứu giảm cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện để tăng cường cho cơ sở để giải quyết thủ tục, công việc cho người dân và doanh nghiệp. Các thành viên của Ban Chỉ đạo phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành các nhiệm vụ CCHC năm 2023. Tuyệt đối không đùn đẩy, phải đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, không gây lãng phí nguồn lực.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đổi mới phương thức, cách làm và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ CCHC được giao. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nào chưa trực tiếp phụ trách công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế thì phải phân công ngay. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp cơ sở thực hiện nghiêm túc việc lắng nghe, tăng cường đối thoại để trực tiếp nắm bắt thực tiễn và chỉ đạo xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.

Các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu cần rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát và rà soát, cắt bỏ tất cả các thủ tục không cần thiết với người dân và doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng thể chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch, huy động nguồn lực, kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng kết, khen thưởng, kỷ luật...

Phiên họp được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Cùng với đó, khẩn trương triển khai hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách TTHC trong cấp phiếu lý lịch tư pháp; đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp DVC phục vụ người dân, doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh, xử lý các vướng mắc, bất cập về TTHC để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, giao Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ làm đầu mối chỉ đạo, đôn đốc.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc đáp ứng các tiêu chí thành lập tổ chức do Chính phủ quy định. Thực hiện có hiệu quả Nghị định số 29/2023/NĐ-CP về tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm…

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước, triển khai kịp thời, đẩy đủ các chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 968/CĐ-TTg ngày 16/10/2023. Khẩn trương ban hành hướng dẫn vị trí việc làm của công chức, viên chức.

Tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để triển khai có hiệu quả Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Khẩn trương rà soát, hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung các quy định để phục vụ triển khai có hiệu quả Đề án 06.

Tiếp tục ban hành, triển khai có hiệu quả các chính sách giảm phí, lệ phí, nhất là giảm thời gian giải quyết TTHC để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng DVC trực tuyến.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành. Đồng thời đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh CCHC, nhất là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, cung cấp DVC trực tuyến, để góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, KTXH năm 2023.

MAI QUANG

 

 

 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác