Từ ngày 29/11-02/12, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng tổ chức Đợt đánh giá ngoài cơ sở giáo dục đại học lần thứ hai theo tiêu chuẩn của Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES). Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng Nhà trường, kiểm định bởi các tổ chức ASIIN, HCERES...được xem là thước đo mức độ hội nhập quốc tế của cơ sở giáo dục. Sự tham gia đánh giá theo tiêu chuẩn HCERES khẳng định Trường Đại học Bách khoa sẵn sàng trong việc đáp ứng chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, luôn nỗ lực phấn đấu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đoàn chuyên gia HCERES thực hiện Đợt đánh giá ngoài cơ sở giáo dục đại học tại Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng
Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học HCERES là một tổ chức kiểm định uy tín được công nhận bởi Hiệp hội đảm bảo chất lượng Châu Âu - ENQA (European Association for Quality Assurance in Higher Education) và Bộ tiêu chuẩn và hướng dẫn về đảm bảo chất lượng (ESG) trong hệ thống giáo dục đại học châu Âu (EHEA).
HCERES được thành lập theo luật số 2013-660 ngày 22/7/2013 trên cơ sở Cơ quan đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (AERES), là tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học độc lập có nhiệm vụ đánh giá các cơ sở đào tạo đại học, các tổ chức nghiên cứu và các chương trình đào tạo.
Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã hoàn thành và gửi báo cáo tự đánh giá; được tổ chức HCERES xem xét và đồng ý thành lập đoàn chuyên gia để thực hiện các hoạt động đánh giá tại trường từ ngày 29/11/2023-02/12/2023. Đoàn đánh giá ngoài bao gồm 07 thành viên là những chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đào tạo và quản lý giáo dục đại học của Tổ chức HCERES.
Đoàn đánh giá sẽ thực hiện khảo sát, kiểm tra thực tế điều kiện cơ sở vật chất của trường Đại học; thực hiện phỏng vấn trực tiếp Ban Giám hiệu và Chủ tịch Hội đồng trường, Đại diện Hội đồng trường và Hội đồng Khoa học và Đào tạo, lãnh đạo Khoa/Phòng/Trung tâm, Giảng viên, Nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, lãnh đạo các trung tâm nghiên cứu vườn ươm, nền tảng kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, Cựu sinh viên, Nhà tuyển dụng, Đối tác nghiên cứu và học thuật trong nước, Các đối tác học thuật quốc tế và sinh viên di chuyển trong và ngoài nước, Sinh viên đang học tại trường, cán bộ chuyên viên... với 22 phiên phỏng vấn, khảo sát nhằm đảm bảo tính toàn diện trong việc kiểm chứng chất lượng hoạt động đào tạo của Nhà trường.
Bộ tiêu chuẩn của HCERES dùng cho đánh giá các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu ở nước ngoài gồm Lĩnh vực 1: Quản trị và điều hành; Lĩnh vực 2: Chính sách nghiên cứu Khoa học, Đổi mới sáng tạo; Lĩnh vực 3: Chính sách giáo dục, người học và môi trường học tập
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng Nhà trường, trong thời gian qua, chương trình giảng dạy được đổi mới toàn diện và đáng kể. Với phương pháp dạy học theo dự án, ngoài kiến thức học thuật và chuyên môn, sinh viên được trang bị năng lực ngôn ngữ và các kỹ năng cần thiết như kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, đổi mới và khởi nghiệp, nhằm nâng cao khả năng tìm việc làm và khởi nghiệp.
Các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế cũng được đầu tư và đẩy mạnh. Chiến lược của chúng tôi là dẫn đầu mạng lưới các tổ chức khoa học và công nghệ, bao gồm các trung tâm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu và viện nghiên cứu cùng với các khoa để thực hiện các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
"Năm 2022, trên cơ sở tham khảo các kế hoạch phát triển chiến lược quốc gia về giáo dục đại học và kế hoạch phát triển chiến lược của thành phố Đà Nẵng, Hội đồng Đại học đã điều chỉnh tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi và ban hành Điều lệ Đại học xác định vị thế của trường trong bối cảnh địa phương, quốc gia và quốc tế. Đại học Đà Nẵng - Đại học Bách Khoa là trường đại học kỹ thuật công lập định hướng nghiên cứu, hướng tới hệ sinh thái giáo dục nhân văn, đổi mới, sáng tạo, tạo cơ hội cho mọi người phát triển giá trị bản thân và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội," PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu
HCERES là thành viên chính thức của Hiệp hội đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Châu Âu (ENQA) và Bộ tiêu chuẩn và Hướng dẫn về đảm bảo chất lượng (ESG) trong hệ giáo dục đại học Châu Âu (EHEA).
Ngoài các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Pháp, HCERES còn tham gia đánh giá các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của các quốc gia thuộc EHEA. Trung bình hàng năm HCERES đánh giá và kiểm định 50 cơ sở đào tạo, tổ chức nghiên cứu; 630 đơn vị nghiên cứu; 600 chương trình đào tạo đại học; 300 chương trình đào tạo thạc sĩ và 70 chương trình đào tạo tiến sĩ.
Tại Việt Nam, HCERES đã thực hiện đánh giá chất lượng giáo dục cấp cơ sở giáo dục lần đầu tiên vào năm 2017. Tính đến nay, HCERES đã đánh giá và công nhận chất lượng giáo dục tại 6 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam và trong năm 2023 thực hiện đợt đánh giá ngoài chu kỳ 2 đối với 4 trường đại học: Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Để chuẩn bị cho công tác kiểm định này, cả bốn trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng, Đại học Bách khoa TP. HCM và Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã chuẩn bị báo cáo tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn của HCERES phiên bản mới năm 2022. Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng lần đầu tiên đạt chuẩn kiểm định cấp trường của Tổ chức kiểm định Châu Âu HCERES năm 2017 cùng Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng và Trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh.
CÔNG TÂM