Hội thảo tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường
Đăng ngày 09-10-2024 14:51, Lượt xem: 17

Sáng 9-10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố phối hợp Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường".

Toàn cảnh buổi tập huấn

Theo số liệu thống kê tại Đà Nẵng hiện nay, mỗi ngày, thành phố xử lý khoảng 1.180 tấn chất thải rắn sinh hoạt, dự kiến đến năm 2030 lượng rác trung bình phải xử lý hơn 2.000 tấn/ngày. Đây là thách thức lớn trong công tác bảo vệ môi trường sống nói chung, hệ sinh thái và sự phát triển bền vững.

Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là cấp độ cuối cùng trong quá trình làm giảm chất chất thải ra môi trường, đồng thời giúp cho quá trình tái chế trở nên đơn giản và ít tốn kém hơn. Qua đó, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn để phát triển, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp và văn minh, thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”.

Nhóm chất thải rắn sinh hoạt được phân cụ thể thành nhóm chất thải rắn nguy hại trong sinh hoạt; nhóm chất thải rắn cồng kềnh, xây dựng và nhóm CTRSH khác còn lại. Đối với nhóm chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng, người dân thực hiện tương đối tốt. Việc phân loại để riêng những thứ có thể bán (Kim loại, giấy, nhựa các loại...) đã được người dân thực hiện từ lâu. Đối với nhóm chất thải rắn thực phẩm, ở đô thị, gần như không xử lý tại hộ gia đình; ở vùng nông thôn có điều kiện thuận lợi nên nhiều hộ thực hiện xử lý chất thải này để làm thức ăn trong chăn nuôi và ủ phân.

Theo ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố, mặc dù đại đa số người dân hiểu biết về lợi ích của việc phân loại rác thải tại mỗi gia đình, nếu phân loại, thu gom, xử lý đúng cách thì rác thải có thể trở thành nguồn tài nguyên được tái tại. Tuy nhiên từ hiểu biết đến tự giác hành động của một bộ phận người dân còn hạn chế; một số gia đình chưa quan tâm đúng mức, hầu hết mọi người đều quan niệm cái gì không xài được thì vứt đi. Tâm lý người dân cho rằng, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện.


Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố phát biểu

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 quy định bắt buộc phân loại rác tại nguồn với các nội dung, lộ trình cụ thể; Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ "quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT” có hiệu lực từ ngày 25/8/2022. Tuy nhiên, việc phân loại rác thải tại nguồn mới chỉ được thực hiện tại một số khu dân cư và còn mang tính khuyến khích, chưa hoàn toàn mang tính cưỡng chế.

Địa bàn phường kiệt hẻm nhiều nên công tác thu gom gặp nhiều khó khăn, xe cơ giới không thể tiếp cận và xử lý, chất thải rắn sinh hoạt (rác hữu cơ, rác vô cơ, rác nguy hại) chưa được kiểm soát chặt chẽ và thu gom đúng quy định, một phần do ý thức chấp hành, thực hiện của người dân, phần còn lại là trong công tác quản lý nhà nước và đơn vị thu gom chất thải, chưa quy định và trang bị đủ phương tiện, dụng cụ riêng biệt để tiến hành thu gom cho từng loại chất thải được phân loại tại nguồn.

Đối với các địa phương có địa bàn rộng, trang thiết bị thu gom và xe chuyên dụng chưa đảm bảo theo yêu cầu thực tế phục vụ công tác phân loại, thu gom CTRSH. Công tác đầu tư, quản lý trang thiết bị (thùng chứa, xe lấy chất thải) còn bất cập. Trang bị đựng chất thải ở nhiều gia đình, nhà hàng, cửa hàng chưa phù hợp.

Đặc biệt, việc triển khai cho các tiểu thương tại chợ và nhân dân sử dụng túi nilon tự hủy gặp khó khăn về giá thành, chất lượng và số lượng, các loại túi nilon khác trôi nổi trên thị trường nhiều và không có cơ quan nào quản lý, kiểm soát. Tình trạng thu gom chất thải nguy hại chưa hiệu quả; xả rác không đúng nơi quy định, nhất là rác cồng kềnh, kích thước lớn, giá hạ xà bần gây mất mỹ quan tại các khu đất trống.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi giải pháp nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự cần thiết phân loại CTRSH, nhưng lợi ích mà người dân được hưởng trong công tác này. Các công ty, xí nghiệp môi trường đô thị cần có giải pháp tổ chức, đầu tư phương tiện để thực hiện việc thu gom chất thải được phân loại theo nhóm tại nguồn. Thành phố cần chính sách ưu đãi để tạo điều kiện cho các công ty thu gom chất thải chủ động, tự nguyện thực hiện tốt việc phân loại CTRSH tại nguồn. Việc thực hiện tốt Luật bảo vệ môi trường sẽ góp phần thực hiện hoàn thành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, biến rác thành nguồn tài nguyên được tái tạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế bền vững.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác