Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 9/2019
Đăng ngày 16-09-2019 00:56, Lượt xem: 349

Không xử lý hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm trước 2018; Giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp; Hỗ trợ xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương; Quy định mới về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; Danh mục hàng hóa phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập… là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 9/2019.

Không xử lý hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm trước 2018

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người  lao động của Bộ Luật Hình sự 2015.

Theo đó, đối với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người  lao động thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 thì không xử lý về hình sự theo quy định tại Điều 216 Bộ Luật hình sự 2015 mà tùy từng trường hợp sẽ xử lý như sau:

- Nếu chưa xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền xem xét xử phạt vi phạm hành chính.

- Nếu đã xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thi hành thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính ;

Việc thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt phạm hành chính này thực hiện theo pháp luật về thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính .

- Nếu gây thiệt hại cho người lao động, cơ quan BHXH hoặc tổ chức, cá nhân khác thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với người vi phạm.

Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn chi tiết về Tội gian lận bảo hiểm xã hội sẽ có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.

Hỗ trợ xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương

Có hiệu lực thi hành từ 16/9/2019, Thông tư số 11/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại

Theo đó, Nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế ở nước ngoài đối với các nội dung sau:

- Tuyên truyền, quảng bá (Tổ chức giới thiệu thông tin về hội chợ, triển lãm, đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm...);

- Tổ chức và dàn dựng khu triển lãm quốc gia (nếu có);

- Tổ chức, dàn dựng gian hàng gồm thiết kế tổng thể và chi tiết, mặt bằng, dịch vụ điện, nước, an ninh, bảo vệ, vệ sinh, môi trường; trang trí chung;

- Lễ khai mạc (đối với hội chợ, triển lãm do Việt Nam tổ chức hoặc đồng tổ chức có quy mô từ 100 gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam trở lên hoặc tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài có quy mô từ 30 gian hàng trở lên);

- Công tác phí cho người của đơn vị chủ trì tham gia tổ chức.

Quy mô yêu cầu là Hội chợ, triển lãm đa ngành có quy mô tối thiểu 12 gian hàng và tối thiểu 12 doanh nghiệp tham gia. Hội chợ, triển lãm chuyên ngành có quy mô tối thiểu 06 gian hàng và tối thiểu 06 doanh nghiệp tham gia.

Trường hợp tổ chức hội chợ, triển lãm quốc tế tại Việt Nam đối với sản phẩm xuất khẩu, Nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí thực hiện các nội dung: Tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông, tổ chức giới thiệu, thông tin về hội chợ, triển lãm; tổ chức, dàn dựng gian hàng.

Giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp

Nội dung trên được quy định tại Thông tư số 47/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Theo đó, từ ngày 20/9/2019, mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp (cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) là 50.000 đồng/lần.Như vậy, so với trước đây, mức lệ phí này đã giảm 50.000 đồng/lần.

Ngoài ra, Thông tư số 47/2019/TT-BTC cũng quy định 04 trường hợp được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp, bao gồm:

- Bổ sung, thay đổi thông tin do thay đổi địa giới hành chính;

- Đăng ký giải thể doanh nghiệp, tạm ngừng kinh doanh; chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh;

- Thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử;

- Hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Quy định mới về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.

Theo đó, các doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh chỉ được kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường sau khi được cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh và bảo đảm các điều kiện theo quy định của Nghị định. Đồng thời, phải bảo đảm an ninh, trật tự xã hội; tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; Không lợi dụng hoạt động kinh doanh làm phát sinh tệ nạn xã hội, tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khác.

Các doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường phải bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, cụ thể,phòng hát karaoke phải có diện tích sử dụng từ 20 m2 trở lên, kinh doanh vũ trường phải có diện tích sử dụng từ 80 m2 trở lên, không kể công trình phụ; không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động, trừ các thiết bị báo cháy, nổ. Đồng thời, địa điểm kinh doanh phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa từ 200 m trở lên.

Ngoài ra, trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke phải đảm bảo hình ảnh phù hợp với lời bài hát thể hiện trên màn hình và phù hợp với văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke không được hoạt động từ 0 giờ sáng đến 08 giờ sáng. Đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vũ trường không được hoạt động từ 02 giờ sáng đến 08 giờ sáng; không cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi. Trong trường hợp có chương trình biểu diễn nghệ thuật phải thực hiện theo quy định của pháp luật về biểu diễn nghệ thuật.

Nghị định số 54/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 02/9/2019.

Danh mục hàng hóa phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập

Theo quy định tại Quyết định số 23/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, danh mục hàng hóa phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập gồm: Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm; rượu; bia sản xuất từ malt; xe ôtô chở người dưới 16 chỗ ngồi; xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh nguyên chiếc, có động cơ đốt trong kiểu piston có dung tích xi lanh trên 125cc; máy bay, du thuyền; xăng các loại; điều hòa không khí, có công suất từ 90.000 BTU trở xuống; bài lá; giấy vàng mã; tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp theo danh mục do Bộ Công Thương quy định; hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hàng hóa trong các vụ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại theo quyết định do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.

Quyết định số 23/2019/QĐ-TTg cũng quy định cửa khẩu nhập để làm thủ tục hải quan đối với danh mục hàng hóa nhập khẩu. Đối với phương thức vận tải đường biển, đường hàng không, cửa khẩu nhập là cảng biển, cảng hàng không nơi hàng hóa được dỡ xuống hoặc cảng biển, cảng hàng không ghi trên vận đơn nơi hàng hóa được vận chuyển đến. Đối với phương thức vận tải đường sắt, cửa khẩu nhập là ga đường sắt liên vận quốc tế ở biên giới. Đối với phương thức vận tải đường bộ, đường sông, cửa khẩu nhập là cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính nơi hàng hóa nhập khẩu đi vào lãnh thổ Việt Nam. Đối với hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp chỉ định cửa khẩu nhập khẩu thì cửa khẩu nhập thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý ngoại thương.

Quyết định số 23/2019/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2019.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác