Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2020
Đăng ngày 08-10-2020 09:18, Lượt xem: 376

Phạt nặng các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; Giáo viên tiểu học không được phê bình học sinh trước lớp; Thư viện đại học phải có không gian đọc ít nhất 200m2; Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ CNTT trong năm học 2020-2021; Giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn có thể bị thôi việc… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2020.

Phạt nặng các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia

Có hiệu lực từ ngày 10/10/2020,  Nghị định số 96/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là 50 triệu đồng. Trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Cụ thể, phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với một trong những hành vi:

- Làm hư hại mốc quốc giới, cọc dấu, dấu hiệu đường biên giới, vật đánh dấu đường biên giới, cột cờ, điểm cơ sở, bia chủ quyền trên các đảo.

- Làm thay đổi dòng chảy sông, suối biên giới hoặc làm ảnh hưởng đến đường biên giới quốc gia.

- Xây dựng công trình kiên cố trong phạm vi 30 mét tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc hoặc 100 mét tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.

- Xây dựng trái phép công trình trên sông, suối biên giới.

Cũng theo Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: thăm dò địa chất, khai thác tài nguyên, khoáng sản theo giấy phép làm hư hại dấu hiệu đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới, cọc dấu, vật đánh dấu đường biên giới, cột cờ, bia chủ quyền trên các đảo, điểm cơ sở; công trình phòng thủ vùng biển, công trình biên giới; đổ đất đá, chất thải xuống sông, suối biên giới. Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi bắn, phóng, thả, điều khiển các phương tiện bay trong khu vực biên giới hoặc qua biên giới. Nổ súng săn bắn trong phạm vi 1.000 mét tính từ đường biên giới trên đất liền sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng đối với một trong các hành vi: Công dân Việt Nam vào khu vực biên giới đất liền, vành đai biên giới không mang theo Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu; không thông báo, khai báo đăng ký hoặc che giấu, giúp đỡ người khác đi lại, lưu trú, tạm trú trái phép trong khu vực biên giới đất liền.

Giáo viên tiểu học không được phê bình học sinh trước lớp

Bộ Giáo dục và đào tạo vừa ban hành Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT  về Điều lệ trường tiểu học.

Theo đó, nếu như trước đây, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện thì tuỳ theo mức độ vi phạm, giáo viên có thể nhắc nhở, phê bình hoặc thông báo với gia đình thì nay, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỉ luật sau:

- Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn;

- Thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

Đặc biệt, giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.

Đối với học sinh có thành tích xuất sắc, học sinh tiêu biểu hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, có nhiều đóng góp cho tập thể được các bạn trong lớp bình chọn hoặc có thành tích đột xuất khác thì được giáo viên, nhà trường và các cấp quản lý giáo dục khen thưởng theo các hình thức: tuyên dương trước lớp hoặc trước toàn trường, tặng giấy khen hoặc thư khen.

Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2020.

Thư viện đại học phải có không gian đọc ít nhất 200m2

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 93/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thư viện.

Theo đó, từ ngày 05/10/2020, cơ sở vật chất và tiện ích thư viện đại học phải bảo đảm các yêu cầu sau:

- Bảo đảm không gian đọc, bao gồm phòng đọc tổng hợp và phòng đọc khác dành cho người sử dụng thư viện ít nhất 200 m2;

- Được bố trí ở trung tâm của cơ sở giáo dục, thuận tiện cho người sử dụng, đặc biệt đối với người khuyết tật;

- Diện tích đủ để lưu trữ tài nguyên thông tin, khu vực phục vụ, khu làm việc cho người làm công tác thư viện và các nhu cầu xử lý nghiệp vụ khác;

- Bảo đảm cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, thiết bị kết nối mạng, thiết bị an ninh…đáp ứng yêu cầu hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của người làm công tác thư viện và phục vụ người sử dụng;

- Bảo đảm các thiết bị, phương tiện chuyên dụng bảo quản tài nguyên thông tin, an ninh, an toàn và phòng cháy, chữa cháy.

Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ CNTT trong năm học 2020-2021

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Công văn số 4003/BGDĐT-CNTT ngày 07/10/2020 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ CNTT năm học 2020-2021.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn thực hiện một số nhiệm vụ về công nghệ thông tin (CNTT) trong điều hành và quản lý giáo dục năm học 2020-2021 như sau:

- Đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giáo dục, ưu tiên triển khai dịch vụ công trực tuyến về xét tuyển học sinh đầu cấp mức độ 3, mức độ 4; thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt; tiếp tục sử dụng có hiệu quả hệ thống quản lý hành chính điện tử (e-office), liên thông trao đổi văn bản điện tử giữa tất cả các sở GDĐT với Bộ GDĐT.

- Đẩy mạnh triển khai phần mềm quản lý trường học tới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên; phần mềm quản lý trường học phải đáp ứng quy định kỹ thuật về dữ liệu của Bộ và kết nối trao đổi được dữ liệu với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục (do Bộ GDĐT quản lý); đẩy mạnh sử dụng số điểm điện tử, học bạ điện tử (có thể dùng sổ in ra từ phần mềm, đáp ứng đúng-đủ nội dung, có xác nhận của người có thẩm quyền hoặc gắn chữ ký điện tử); triển khai ứng dụng CNTT kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường, tăng cường áp dụng các giải pháp trao đổi thông tin miễn phí như tin nhắn OTT, email, ứng dụng trên thiết bị di động và website giáo dục.

- Tăng cường ứng dụng phương thức họp trực tuyến để tổ chức họp, hội nghị, hội thảo qua mạng và tổ chức sinh hoạt chuyên môn nói chung và sinh hoạt chuyên môn thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nói riêng (đặc biệt đối với hình thức tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, huyện hay tỉnh/TP); tiếp tục triển khai hiệu quả hệ thống hội nghị trực tuyến phục vụ kết nối giữa các sở GDĐT với Bộ GDĐT; khai thác sử dụng hiệu quả hệ thống họp qua mạng do Bộ GDĐT cung cấp miễn phí tại địa chỉ http://hop.moet.edu.vn.

Giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn có thể bị thôi việc

Đây là nội dung được quy định tại Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giaso dục và đào tạo quy định việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo.

Theo đó, đối với giáo viên, trong 2 năm liên tiếp liền kề trước năm 2020, giáo viên có kết quả đánh giá, xếp loại đạt chuẩn nghề nghiệp trở lên hoặc được phân loại, đánh giá viên chức ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên, có đủ sức khỏe thì tiếp tục bố trí công tác giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu theo quy định.

Với giáo viên có kết quả đánh giá, xếp loại không đạt chuẩn nghề nghiệp và có 1 năm được phân loại, đánh giá viên chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì không bố trí giảng dạy và được sắp xếp tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để bố trí sang vị trí việc làm khác phù hợp tại cơ sở giáo dục cho đến khi nghỉ hưu theo quy định.

Giáo viên không đủ sức khỏe, có nguyện vọng nghỉ hưu, đủ các điều kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì được nghỉ hưu theo quy định.

Giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo những quy định này, tùy vào trường hợp cụ thể có thể thực hiện các quy định về thôi việc và tinh giản biên chế theo các quy định hiện hành.

Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2020.

KHÁNH VÂN

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác