Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 3/2022
Đăng ngày 29-03-2022 07:55, Lượt xem: 170

Điều kiện mới về kinh doanh bất động sản; Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang, găng tay y tế từ 15/3/2022; Bổ sung quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; Quy định các trường hợp dừng thu phí đường bộ từ 31/3/2022; Thời hạn nộp thuế với hàng hóa xuất nhập khẩu… là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 3/2022.

Điều kiện mới về kinh doanh bất động sản

Có hiệu lực từ ngày 1/3/2022, Nghị định số 02/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.

Theo, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải có các điều kiện: Phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã, có ngành nghề kinh doanh bất động sản (doanh nghiệp); Phải công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, tại trụ sở Ban Quản lý dự án và cập nhật kịp thời ngay sau khi có thay đổi. Đối với trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án bất động sản theo quy định của pháp luật thì nhà đầu tư đó phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên.

Cũng theo Nghị định số 02/2022/NĐ-CP, việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

+ Có hợp đồng mua bán, thuê mua được lập theo quy định; trường hợp các bên đã ký hợp đồng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì phải có hợp đồng đã ký kết.

+ Thuộc diện chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận).

+ Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng phải thuộc diện không có tranh chấp, khiếu kiện.

+ Nhà, công trình xây dựng thuộc hợp đồng mua bán, thuê mua không thuộc diện bị kê biên, thế chấp để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được bên nhận thế chấp đồng ý.

Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang, găng tay y tế từ 15/3/2022

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch.

Theo đó, kể từ ngày 15/3/2022 đến hết ngày 31/12/2022, các mã hàng khẩu trang y tế tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gồm: Mã hàng 6307.90.40; mã hàng 6307.90.90. Các mã hàng găng tay y tế tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gồm: Mã hàng 3926.20.90;  mã hàng 4015.11.00; mã hàng 4015.19.00.

Bộ trang phục phòng chống dịch (gồm quần áo, kính, khẩu trang y tế, mũ bảo hộ, găng tay, giày) mã hàng 6210.10.90 cũng tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

Bổ sung quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

Có hiệu lực từ ngày 15/3/2022, Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21/1/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đo lường.

Theo đó, Nghị định số 13/2022/NĐ-CP bổ sung thêm quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa vào Nghị định số 74/2018/NĐ-CP. Cụ thể,  Bộ Khoa học và Công nghệ giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; hướng dẫn nâng cao năng lực kỹ thuật cho hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và hỗ trợ phát triển sản phẩm, hàng hóa chủ lực, phát triển kinh tế - xã hội của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương; quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Đồng thơi, Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và vật mang dữ liệu; quản lý tổ chức triển khai, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý.

Quy định các trường hợp dừng thu phí đường bộ từ 31/3/2022

Theo Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT, các trường hợp dừng thu phí đường bộ như sau:

- Trường hợp dự án hết thời gian thu hoàn vốn theo hợp đồng, Đơn vị quản lý thu phải chủ động dừng thu hoặc chấp hành quyết định dừng thu của của cơ quan có thẩm quyền (hoặc của đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý công tác thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ).

Việc xác định thời gian dừng thu được xác định theo hợp đồng thu của cơ quan có thẩm quyền với Đơn vị quản lý thu hoặc hợp đồng với Doanh nghiệp dự án PPP.

- Dừng thu phí trong trường hợp chấm dứt hợp đồng dự án PPP trước thời hạn.

Như vậy, so với hiện hành, Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT đã bổ sung trường hợp dừng thu phí trong trường hợp chấm dứt hợp đồng dự án PPP trước thời hạn.

Cụ thể,  việc chấm dứt hợp đồng dự án PPP trước thời hạn chỉ áp dụng trong các trường hợp sau đây:

- Dự án bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng mà các bên đã thực hiện các biện pháp khắc phục nhưng không bảo đảm việc tiếp tục thực hiện hợp đồng dự án PPP;

- Vì lợi ích quốc gia; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước;

- Khi doanh nghiệp dự án PPP mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản;

- Khi một trong các bên trong hợp đồng vi phạm nghiêm trọng việc thực hiện các nghĩa vụ quy định tại hợp đồng;

- Trường hợp khác do hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định của pháp luật về dân sự, các bên ký kết hợp đồng thỏa thuận về chấm dứt hợp đồng.

Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 31/03/2022 và thay thế Thông tư số 15/2020/TT-BGTVT ngày 22/7/2020.

Thời hạn nộp thuế với hàng hóa xuất nhập khẩu

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 06/2021/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế về quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó có hướng dẫn thời hạn nộp thuế với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo đó, thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa phải phân tích, giám định để xác định chính xác số tiền thuế phải nộp được thực hiện như sau:

- Người nộp thuế phải tạm nộp thuế theo mã số khai báo trước khi giải phóng hàng. Thời hạn nộp thuế thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

- Trường hợp kết quả phân tích, giám định hàng hóa khác so với nội dung khai của người nộp thuế dẫn đến tăng số tiền thuế phải nộp, thời hạn nộp số tiền thuế thiếu là 05 ngày làm việc kể từ ngày người nộp thuế nhận được yêu cầu khai bổ sung của cơ quan hải quan.

- Trường hợp kết quả phân tích, giám định hàng hóa khác so với nội dung khai của người nộp thuế dẫn đến giảm số tiền thuế phải nộp, cơ quan hải quan thông báo cho người nộp thuế thực hiện khai bổ sung theo quy định của pháp luật về hải quan và xử lý số tiền thuê nộp thừa theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 06/2021/TT-BTC.

Cũng theo Thông tư số 06/2021/TT-BTC, thời hạn nộp thuế đối với trường hợp chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan thực hiện như sau:

- Người nộp thuế phải tạm nộp thuế theo giá khai báo trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng. Thời hạn nộp thuế thực hiện theo quy định của Điêu 9 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

- Trường hợp có giá chính thức người nộp thuế phải khai bổ sung, nộp số tiền thuế chênh lệch tăng thêm trong thời hạn là 05 ngày làm việc kể từ thời điểm có giá chính thức.

Trường hợp có giá chính thức dẫn đến giảm số tiền thuế phải nộp, cơ quan hải quan xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định tại Điều 10 Thông tư 06/2021/TT-BTC.

Giá chính thức thực hiện theo quy định tại Điều 17 Thông tư 39/2015/TT-BTC.

Thông tư số 06/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 08/3/2021.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác