Chiến thắng Cấm Dơi (8-1972)

Cấm Dơi nguyên ngày xưa là khu rừng cấm có nhiều dơi bay về trú đậu, sau một ngày bay đi tìm thức ăn nằm ở gần quận lỵ Quế Sơn. Lợi dụng điểm cao này, quân địch sau khi tháo chạy khỏi quận lỵ Hiệp Đức, tập trung về đây lập tuyến phòng thủ mới và xây dựng chi khu quân sự ở thung lũng Quế Sơn. Căn cứ này được ghi trong bản đồ quân sự của Mỹ là “căn cứ ROSS”. Dựa vào địa hình có những tảng đá khổng lồ che chắn, chúng đã khoét sâu vào ruột quả đồi, xây dựng hệ thống hầm ngầm, lô cốt, đài chỉ huy, thông tin liên lạc khá kiên cố. Bảo vệ vòng ngoài còn có các cứ điểm Hòn Chiêng, Bằng Thùng, đồi 579, đồi 700, Đồng Mông, Đá Hàm, Đá Tịnh, Hòn Giang. Cứ điểm Hòn Chông được chúng gọi là “Con mắt thần của Cấm Dơi”. Số quân đóng giữ tại căn cứ Cấm Dơi có gần một chục tiểu đoàn, gồm đủ các sắc lính: biệt động quân, thiết giáp, pháo binh, bộ binh và các đơn vị lính địa phương. Với số quân đông đảo được trang bị bằng vũ khí hiện đại, căn cứ Cấm Dơi án ngữ ngay trên con đường từ phía Hiệp Đức và tây Quế Sơn đi xuống đồng bằng. Từ  đây, hằng ngày chúng tung quân càn quét, lấn chiếm, phục kích, gây cho ta không ít khó khăn và tổn thất.

 

Bộ tư lệnh Quân khu V quyết định bằng mọi cách phải tiêu diệt cụm cứ điểm này, để tạo hành lang thông suốt, mở rộng vùng giải phóng về phía đông và phía bắc. Sau một thời gian điều nghiên công phu và chu đáo, kế hoạch hợp đồng tác chiến giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, giữa các đơn vị pháo binh, bộ binh, đặc công được hoạch định. Ngày 17-8-1972, Bộ chỉ huy mặt trận hạ lệnh các đơn vị quân ta đồng loạt xuất kích. Cả hệ thống đồn bót địch từ Hòn Chiêng, Bằng Thùng, Núi Quế, Cấm Dơi phút chốc bị ngập trong biển lửa của đại pháo quân ta. Căn cứ vòng ngoài như Gò Da, Ấp Tịnh, Ấp Năm, núi Nhà Bò, Hòn Giang bị xung kích ta đánh chiếm nhanh gọn.

 

Ba giờ sáng ngày 18-8-1972, các chốt điểm nằm sát căn cứ Cấm Dơi bị hạ, tuyến phòng ngự của địch giữa Cấm Dơi và quận lỵ Quế Sơn bị cắt đứt. Đúng 6 giờ 30 phút, hàng trăm quả đại pháo của ta cấp tập nã vào khu Cấm Dơi, biến nơi đây thành một chảo lửa khổng lồ, làm bùng cháy kho xăng, kho đạn và nhiều xe cơ giới. Trận địa pháo của địch khoảng 20 khẩu đã bị phá hủy ngay từ phút đầu. Cột vô tuyến điện đổ gục, hệ thống hầm ngầm bị bật tung. Dưới sự yểm trợ của pháo binh, bộ binh ta nhanh chóng dùng B40, B41 tiêu diệt các lô cốt, ổ đề kháng cuối cùng…

 

Sau 2 ngày đêm liên tục chiến đấu bằng hỏa lực áp đảo, đúng 15 giờ ngày 19-8-1972, lá cờ chiến thắng của quân ta tung bay trên đỉnh sở chỉ huy Cấm Dơi và quận lỵ Quế Sơn. Kết quả trung đoàn 5 của sư đoàn 2, trung đoàn kỵ binh 34, tiểu đoàn pháo 22, ba đại đội bảo an và 23 trung đội dân vệ bị quân ta tiêu diệt hoặc bắt sống. Chiến thắng Cấm Dơi đánh dấu bước trưởng thành của quân ta có đủ khả năng tiêu diệt hệ thống cứ điểm phòng ngự kiên cố được trang bị vũ khí hiện đại của địch, góp phần bước đầu đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ.

 

 

Tượng đài chiến thắng Cấm Dơi
 

Sau ngày giải phóng, tượng đài kỷ niệm chiến thắng Cấm Dơi được xây dựng. Tượng cao 7m thể hiện một chiến sĩ quân giải phóng, đầu đội mũ tai bèo sát cánh cùng với một nữ du kích, cả hai trong tư thế vươn về phía trước cùng nâng một em bé lên cao. Phía sau là nếp chéo dù bay như đôi cánh. Tượng được đặt trên bệ cao 9m nằm trên đỉnh đồi Cấm Dơi. 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác