Hải Vân, con đèo hùng vĩ và đẹp nhất nước, từng được sử sách xưa xếp vào loại “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Nhưng đối với các đạo quân xâm lược, thì nơi đây đã ghi lại bao nỗi đau buồn.
Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954), đèo Hải Vân được mệnh danh là “mồ chôn giặc Pháp”. Ca dao kháng chiến có câu: “Hải Vân cao ngất tầng mây. Giặc đi đến đó bỏ thây không về”.
Còn bọn chỉ huy Pháp thì gọi đường đèo này là “con đường không vui” (route sans joie), dù nơi đây phong cảnh tuyệt vời có đủ trời, mây, rừng, biển.
- Trận giao thông chiến đầu tiên xảy ra ngày 28-2-1947, tiểu đoàn 19 đã tiêu diệt một đại đội lính Âu Phi, phá hủy 8 xe quân sự.
|
Phục kích đánh địch ở hầm số 1 đèo Hải Vân trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp (1947) |
Vào lúc 6 giờ sáng ngày 24-1-1949, một đoàn tàu quân sự chở đầy lính và hàng tiếp tế từ Đà Nẵng ra Huế sắp rúc vào hầm số 2, thì một tiếng nổ long trời hất tung đầu máy ra khỏi đường ray, kéo theo các toa xe lăn xuống vực. Các chiến sĩ tiểu đoàn 79 xung phong chia cắt, tiêu diệt từng tốp quân địch còn sống sót.
Trong trận này, kể cả 3 nơi xảy ra trận phục kích, quân ta đã phá hủy một đầu máy, 14 toa xe bị lăn xuống hố sâu, 15 xe cơ giới bị phá hủy, giết và làm bị thương trên 300 tên địch, thu nhiều vũ khí, đạn dược.
Chiến thắng Hải Vân lần thứ ba (24-1-1949) là một trận phục kích vừa đánh giao thông trên đường bộ và cả đường sắt, vừa đánh diệt viện trên một đường đèo hiểm trở và đã đạt được hiệu quả lớn.