Trên đường lên Mỹ Sơn
Kinh thành xưa nổi và chìm trong lòng đất
Trước hết, con đường này cắt ngang kinh thành Trà Kiệu của vương quốc Chămpa xưa - thời hưng thịnh nhất của nền văn minh trước thế kỷ 10. Trà Kiệu hiện là một ngọn đồi trên đó có nhà thờ Đức Bà với kiến trúc thoáng rộng tầm nhìn bao quát cả một vùng. Kinh thành Trà Kiệu xưa giờ chỉ còn lại dấu vết là các vệt thành vuông vức chạy quanh khu đồi. Sâu dưới lòng đất 2-4m là những kiến trúc dày đặc, những tầng gạch và những mẩu vàng vương vãi.
Người Trà Kiệu hiện nay lúc nông nhàn lại đào sau vườn nhà, qua các lớp gạch vồ có kích thước lớn, đến độ sâu chừng 3m là gặp một lớp than gỗ, đem lớp đất này đi đãi sẽ được những mẩu vàng nhỏ đã in dấu chế biến của tay người. Có khi đó là chiếc nhẫn, là đoạn dây chuyền, chiếc bông tai hoặc những mẩu vàng cắt gọt gia công. Các nhà khảo cổ bảo, lớp than đó nằm vào tầng văn hoá chừng 400 năm sau Công nguyên, trùng khớp với sự kiện Đàn Hoà Chi, thứ sử Giao Châu nhà Đường, đem quân đánh kinh thành Trà Kiệu năm 446 và cướp đi 100.000 cân vàng (tương đương 50 tấn ngày nay).
Các cuộc khảo cổ gần đây cho thấy kinh thành Trà Kiệu có diện tích khá lớn với nhiều công trình kiến trúc đồ sộ. Khắp khu vực, người dân Trà Kiệu thỉnh thoảng vẫn tìm thấy nhiều di vật còn lại kích thước lớn, chạm khắc độc đáo, tinh vi, niên đại thế kỷ 10-11 tên triền Tranh, gò Lồi, chùa Vua... Các địa danh này đều là những di tích đã được xếp hạng.
Làng còn là nơi các ông hoàng, bà chúa gởi thân nơi đất mẹ với lăng mộ Vĩnh Diễn (Hiếu Văn hoàng hậu - vợ Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên), lăng mộ Vĩnh Diên (Hiếu Chiêu hoàng hậu Đoàn Quý Phi), lăng mộ công chúa Ngọc Dung, lăng mộ thế tử (các con của Đoàn Quý Phi).
Ngoài ra, làng quê yên bình, thơ mộng này còn có cả một bộ sưu tập về chùa chiền cổ xưa được xây dựng từ thế kỷ 17 như chùa Vua (thờ tự các hoàng thân quốc thích yên nghỉ trên đất Chiêm Sơn), chùa Lầu, còn gọi là chùa Ngũ Thôn hay Nam Yên, một công trình kiến trúc độc đáo mang dáng dấp nghệ thuật An - Trung do Tuệ Tĩnh thiền sư sáng lập vào năm Ất Hợi, đời vua Lê Thần Tông (1635)...
Bờ nam Thu Bồn cũng là chiếc nôi của nghề tơ tằm Quảng Nam, nơi mà những biền dâu xanh ngắt chạy suốt bờ sông. 'Lãnh Đông Yên, đũi chợ Chùa' với những súc lụa quý từng tiến hoàng cung thời Nguyễn đang được chọn xây dựng và phát triển thành làng nghề du lịch trên con đường di sản miền Trung. Nơi đã sản sinh ra ông tổ nghề dệt Quảng Nam Võ Dẫn sáng chế khung dệt cải tiến, cho ra đời làng nghề dệt vải Thi Lai - Phú Bông (thế kỷ 16-17), từng một thời lừng lẫy phía Nam những năm 40 của thế kỷ 20 và là cội nguồn của làng dệt vải Bảy Hiền - TP.HCM.
Sau lễ hội Bà Chúa tằm tang - người con gái hái dâu, nuôi tằm, trở thành Vương phi, khởi xướng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa - được tổ chức thành công lớn vào năm ngoái. Cùng với sự giới thiệu trên các 'sách' du lịch, miền hoài niệm này đã hấp dẫn nhiều tour du khách đến tham quan, ngắm nhìn, gõ cửa quá khứ và tìm gặp nét duyên hiện tại.