Rong chơi cho hết miền Trung
Miền Trung với phong cảnh hữu tình non xanh nước biếc. Muốn khám phá miền Trung bạn phải mất khoảng 15 ngày hoặc hơn...

Tháp Dương Long (Bình Định)

Lâu nay, tôi chỉ loanh quanh ở Huế, thỉnh thoảng ra Hà Nội năm bảy ngày rồi lại trở về cái xứ Huế mùa đông mưa “thúi trời, thúi đất”. Chiều nay mây bay ngang trời, bỗng nhớ một chiều giá rét năm nao dừng chân châm điếu thuốc trên đỉnh đèo Ngang, nhớ người em gái dưới chân núi giờ đây không biết làm gì? Lại nhớ một đêm Quy Nhơn, nhà báo Phạm Cao Viết Hiền đang lúc nửa đêm tới khách sạn tìm chở ra chân Tháp Đôi, ngồi dưới trăng uống rượu Bàu Đá suốt đêm... Nói “cho hết miền Trung” là nói cho oai, chứ mới sơ sơ từ Quảng Bình vô Bình Định đã thấy tốn giấy mực lắm rồi.

Thú thực là đi xuôi đi ngược cũng nhiều, song phải đến gần đây tôi mới có dịp dừng lại trên đỉnh đèo Ngang. Cái giây phút chạm chân xuống đất trên đỉnh đèo này sao mà bổi hổi, bồi hồi! Ngày xưa, ngay chỗ cửa quan lớn mang tên “Hoành Sơn quan” từng in đậm dấu chân bao bậc vĩ nhân, từ Lý Thường Kiệt, Lê Thánh Tông đến Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát... Mỗi người đến và đi với bao tâm sự riêng mang, song cái bây giờ đi qua vẫn tưởng còn nghe vang vọng đâu đây là tấc lòng nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan. Trời heo hút gió lạnh buồn, bỗng như thấy người xưa hiện về, như thể Bà Huyện đang dừng kiệu đọc bài thơ tuyệt tác Qua đèo Ngang ở quanh đây. Chợt gai người khi bài thơ buồn trôi dần về câu kết: “Dừng chân đứng lại trời non nước. Một mảnh tình riêng ta với ta!”. Đứng trên đỉnh đèo Ngang phóng tầm mắt ra xa, biển Đông mông lung trước mặt. Mũi Ròn, Hòn La, Vụng Chùa và hàng loạt các đảo, mũi như những dấu tích vô thời gian lô nhô trên sóng nước. Bỗng thấy lòng mình xao động lạ lùng những nỗi niềm khó tả.

Tôi có một đêm đầu tiên ở Đồng Hới hơi lạ. Anh bạn tôi bỏ cuộc liên hoan chè chén ở khách sạn để về nhà anh làm bữa nhậu dân dã, tâm sự cho thỏa cái sự lâu ngày không gặp. Tôi cũng tận dụng dịp này để mở rộng thêm vài địa danh du lịch. Tối đó, trăng sáng đặc như có thể xẻ ra mà nhấm nháp được, mấy anh em ngồi trước sân nhấm rượu Ba Đồn. Anh bạn nghe tôi hỏi về mấy cái địa danh thì người như sảng khoái hẳn ra, say sưa giới thiệu. Theo anh, ở Quảng Bình có 12 nơi cần phải đến, đó là: Núi Chùa Non, đèo Ngang, đèo Mụ Giạ, động Phong Nha, sông Gianh, phà Hạc Hải, bàu Sen, Lũy Thầy, Đồng Hới, Lý Hòa, Cảnh Dương và chợ Ba Đồn. Anh nói nhiều lắm, khi nhắc đến chợ Ba Đồn, anh đọc cho tôi nghe một bài vè xưa rất lạ. Chợ Ba Đồn xưa xuất hiện do ba cái đồn quân Trịnh lập nên. Thân nhân của quân lính từ đất Bắc cũng lội suối, trèo đèo tìm đến thăm chồng: “Ba Đồn là đất châu Ô. Một đoàn con gái chạy vô thăm chồng. Gặp trộ mưa giông. Đường trơn gánh nặng. Mặt trời đã lặn. Đèo Ngang chưa trèo. Gặp hòn đá cheo leo. Chân trèo, chân trượt. Hỏi o gánh nước. Hỏi chú chăn trâu. Ba Đồn quân lính đóng đâu?...”. Giọng anh bạn nằng nặng, nghe sao mà tội. Tôi nói với anh bạn, Quảng Bình có một địa chỉ thứ 13 cần gặp nữa là rượu Ba Đồn. Rượu Ba Đồn là một trong bốn loại rượu làm nên Tứ danh hương mỹ tửu miền Trung: Ba Đồn, Kim Long (Quảng Trị), Làng Chuồn (Huế) và Bàu Đá (Bình Định). Theo cảm nhận của tôi, rượu Ba Đồn nặng nghe phảng phất mùi đất sét; rượu Kim Long nặng như có mùi cháy bỏng của gió Lào; rượu Làng Chuồn có vị ngọt của mạch ngầm ven biển; rượu Bàu Đá thuộc loại nặng ngoại hạng có mùi trầm tích gạch đá Chăm xưa.

Tôi có một đêm thuộc loại hiếm gặp trong đời ở Thành Cổ Quảng Trị. Cuộc hội ngộ mấy anh em Huế và Thành Cổ bữa ấy kéo dài từ sáng đến chiều, từ chiều sang đêm. Khuya rất lạnh, vậy mà cuộc rượu vẫn còn. Chừng sang giờ Tý thì anh em dùng rượu Kim Long đốt lên trong cái khay nhỏ. Trong khay đặt mấy ly rượu thuốc ngâm từ nhà thuốc Võ Thìn. Rượu thuốc được hâm nóng uống đến đâu tỉnh người ra đến đó. Sáng ra kéo nhau đi ăn cháo bột là khỏe người trở lại. Đất Quảng Trị còn có món đặc sản là lòng thả (hay lòng sả?). Mỗi lần tôi ra Đông Hà đều kiếm cho mình một tô lòng thả, gọi là gặp lại hương vị xứ người. Lòng thả chỉ nấu bằng lòng lợn và sả, bỏ nhiều ớt, ăn cay đành hanh đầu lưỡi, cay đến nhớ cả vào bộ nhớ vốn dễ quên mọi thứ trong đời như tôi... Có lần người bạn chở tôi ra chơi Cam Lộ (Quảng Trị), có nói ở xóm Chùa, làng Kim Đàn, xã Cam An có một ngôi đền thờ Huyền Trân Công Chúa, đền thờ nhỏ thôi nhưng đó là của lòng dân Quảng Trị với người con gái hy sinh một tình yêu huyền thoại để mang về hai châu Ô, Lý cho đất nước. Nghe chuyện đã là lúc nửa đêm, sáng hôm sau phải về Huế nên ý định vào thắp nén nhang ở đền thờ thiêng không thực hiện được. Lòng còn vương vấn tiếc nuối đến giờ...

Nhắc về người đẹp bỗng nhớ câu ca: “Ai về Bình Định mà coi, con gái Bình Định cầm roi, đi quyền”. Võ Bình Định đến giờ vẫn còn lưu truyền câu chuyện chị Trần Thị Quyên. Nhà nghèo, hai mẹ con thường lên rừng hái củi. Ngày nọ gặp cọp, mẹ chị Quyên sợ quá ngất đi. Chị Quyên đánh cọp bị thương rồi cõng mẹ về. Cọp thù, kéo đàn theo về tận nhà. Bà cụ bị vồ lần nữa, chị Quyên giận quá chém chết thú dữ. Cọp sợ không dám đụng đến người từ đó... Đi chơi Bình Định cần ghé thăm hàng chục ngôi tháp Chàm cổ nằm rải rác khắp nơi: ở Quy Nhơn có tháp Đôi, ở Tuy Phước có tháp Bánh Ít, ở An Nhơn có tháp Cánh Tiên, ở Tây Sơn có tháp Dương Long, ở Phù Cát có tháp Phốc Lốc... Ở Bình Định có 3 nơi không thể bỏ qua: Quy Nhơn, Trà Bàn, Tây Sơn. Trong những năm gần đây, khu quần thể Ghềnh Ráng - Quy Hòa - bãi tắm Hoàng Hậu - lăng mộ Hàn Mặc Tử trở nên cực kỳ nổi tiếng. Phế thành Trà Bàn xưa là trung tâm của kinh đô Chăm Pa. Giữa thành có tháp Cánh Tiên trông thanh thoát và đẹp. Tháp có góc đá rằn màu trắng, có hai voi đá đẹp, nhiều tượng quái vật.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn khó lòng quên những món ăn lạ miệng ở Bình Định: chim mía Phá Phong, gỏi chình Châu Trúc, nem chua chợ Huyện, bánh tráng nước dừa Tam Quan... Ngày nọ ngay một căn chòi bên đầm Thị Nại, tôi được mời ăn món lòng cá chẽm xào hành. Cá chẽm thân dài, với cái mồm rộng ngoác, rất phàm ăn. Người đi câu gặp cá chẽm coi như gặp thời, một con dài hơn một mét, bán trên năm trăm ngàn đồng. Nhưng người đi câu chỉ bán thịt thôi, bộ lòng nhất định giữ lại, bởi cho rằng bán đi là thất lộc. Bộ lòng rất lớn nên khi ăn phải mời càng đông càng vui, chẳng bao giờ được phép ăn riêng. Lòng cá chẽm thường xào với hành. Mùi hăng của hành, của tiêu quyện với vị béo thơm của lòng cá dậy lên một hương vị nao lòng khó tả. Hèn chi mà người Bình Định có câu:

“Chưa ăn lòng cá chẽm tươi

Xua tay tính lại vị đời đủ chưa”

Viết đến đây, bất giác chợt thấy mình là người may mắn vô cùng...

(Văn Hòa)
 
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT