Giải đáp về COVID-19 dành riêng cho người bệnh tim mạch
Đăng ngày 23-04-2020 03:02, Lượt xem: 4498

Ở thời điểm hiện tại, phòng ngừa nhiễm COVID-19 đang là mối quan tâm hàng đầu của người bệnh tim mạch bởi họ thuộc nhóm có nguy cơ tử vong cao nếu mắc bệnh. 10 câu hỏi “sát sườn” được giải đáp chi tiết từ chuyên gia sẽ giúp cho người bệnh tim mạch bảo vệ tốt trái tim trong dịch COVID-19.

Câu 1: Tôi đang bị bệnh tim mạch thì có dễ mắc COVID-19 hơn so với người khác không?

Bạn có thể yên tâm vì hiện nay chưa có kết quả nghiên cứu nào cho thấy người bệnh tim mạch dễ nhiễm COVID-19 hơn so với người bình thường. Nhưng với người bệnh tim mạch bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ làm các triệu chứng và biến chứng tim mạch sẵn có diễn tiến nặng hơn, càng khó điều trị hơn.

Điều quan trọng lúc này với người bệnh tim mạch cần đặc biệt chú trọng việc nâng cao sức khỏe và bảo vệ trái tim của mình. Đặc biệt cần hạn chế đi lại, tránh tiếp xúc với nhiều người để giảm thiểu tối đa nguy lây nhiễm COVID-19.

Câu 2: Có những triệu chứng gì khi mắc COVID-19?

Các triệu chứng khi nhiễm COVID-19 ở người bình thường và người bệnh tim mạch gần như giống nhau. Nhưng do có sẵn bệnh lý nền, người bệnh tim mạch còn dễ bị hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, đau tim hơn.


Người bệnh tim mạch hãy luôn lắng nghe cơ thể để phát hiện sớm triệu chứng cảnh báo nhiễm COVID-19 (Ảnh minh hoạ)

Câu 3: Virus SARS-CoV-2 ảnh hưởng tới người bị tim mạch như thế nào?

Virus SARS-CoV-2 có thể ảnh hưởng tới người bệnh tim mạch theo 2 cách:

- Thứ nhất, virus này xâm nhập vào phổi làm nồng độ oxy trong máu giảm, lúc đó tim buộc phải đập nhanh và mạnh hơn để đảm bảo oxy cho cơ thể khiến cho chức năng tim suy yếu nhanh hơn.

- Thứ hai, nó gây ra các phản ứng viêm nghiêm trọng ở mạch máu và cơ tim dẫn tới cơn đau tim, rối loạn nhịp, tụt huyết áp, hội chứng mạch vành cấp tính,...

Người bệnh tim mạch vốn đã khó thở, mệt mỏi vì bệnh sẵn có, nếu bị nhiễm virus SARS-CoV-2 lại càng khó thở hơn, tiến triển bệnh của họ sẽ nặng hơn, khả năng hồi phục cũng khó khăn hơn so với người bình thường.

Câu 4: Nếu nhiễm COVID-19 liệu bệnh viêm cơ tim của tôi có tái phát không?

Hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh người có tiền sử viêm cơ tim sẽ bị tái lại khi nhiễm COVID-19. Nhưng nếu bị nhiễm bệnh, các triệu chứng và biến chứng nguy hiểm trên tim sẽ tăng lên.

Câu 5: Tôi bị bệnh tim không đến được bệnh viện tái khám phải làm sao?

Với tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện tại, việc bạn hạn chế tới bệnh viện tái khám là quyết định đúng đắn. Thay vào đó, hãy liên lạc với bác sĩ trực tiếp điều trị, nói rõ tình trạng bệnh và hỏi xem có thể dùng tiếp đơn thuốc đã kê hay không. Nếu vẫn không yên tâm, bạn có thể liên hệ với các dịch vụ khám bệnh tại nhà.

Trường hợp bệnh có biểu hiện nặng lên hoặc xuất hiện triệu chứng bất thường, hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn cụ thể hoặc đi thăm khám lại theo lịch hẹn. Khi ra ngoài phải đảm bảo làm đúng và đủ các biện pháp phòng dịch như hướng dẫn của Bộ Y tế. Sau khi thăm khám bạn nên xin bác sĩ kê đơn thuốc đủ dùng cho 2-3 tháng.

Câu 6: Có phải dùng thuốc huyết áp sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm COVID-19?

Thông tin cho rằng sử dụng thuốc hạ huyết áp làm tăng nguy cơ nhiễm COVID-19 là hoàn toàn sai lệch, chưa được kiểm chứng. Thực tế, các nhà khoa học còn thấy một vài triệu chứng của COVID-19 có dấu hiệu giảm nhẹ khi sử dụng thuốc hạ huyết áp.

Do đó, bạn không nên dừng hoặc thay đổi loại thuốc hạ huyết áp đang dùng. Bởi những việc này có thể gây nguy hiểm và làm huyết áp của bạn khó kiểm soát hơn, tăng khả năng gặp phải biến chứng như đau tim, đột quỵ…


Người bệnh huyết áp cao cần duy trì huyết áp ổn định bằng cách dùng thuốc huyết áp hàng ngày (ảnh minh họa)

Câu 7: Tôi có nên ngưng thuốc mỡ máu (statin) khi chỉ số mỡ máu trở về bình thường?

Trường hợp của bạn chỉ số mỡ máu trở về ngưỡng bình thường. Điều đó không có nghĩa bệnh đã khỏi mà do tác dụng của thuốc mỡ máu bạn đang sử dụng. Hơn nữa nhóm thuốc statin vừa có tác dụng giảm cholesterol vừa giúp ổn định mảng xơ vữa, phòng nguy cơ nhồi máu cơ tim, từ đó giúp giảm thiểu rủi ro khi mắc COVID-19.

Do vậy người bệnh tim mạch, đặc biệt là người bệnh mạch vành, cần tiếp tục duy trì dùng thuốc này ngay cả khi chỉ số mỡ máu đã trở về ngưỡng bình thường.

Câu 8: Tôi bị hội chứng Brugada nếu có biểu hiện nhiễm COVID-19 phải làm sao?

Brugada là một dạng rối loạn nhịp tim có tính di truyền và tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn nếu người sốt cao. Trong khi những người nhiễm virus SARS-CoV-2 khó tránh khỏi sốt cao. Do đó khi có biểu hiện sốt, bạn nên dùng ngay thuốc hạ sốt và áp dụng các biện pháp để hạ nhiệt độ cơ thể xuống trước khi tự cách ly và báo cho cơ quan y tế.

Câu 9: Tôi bị bệnh tim mạch làm thế nào để tăng cường sức khỏe trái tim?

Hiện dịch COVID-19 ở nước ta vẫn đang trong tầm kiểm soát. Bạn không cần quá lo lắng nhưng cũng đừng chủ quan, hãy trang bị cho mình một trái tim đủ khỏe để phòng dịch.

Trước tiên bạn cần tiếp tục sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời duy trì chế độ ăn uống, tập luyện tốt cho tim, tránh lo lắng, căng thẳng quá mức. Ngoài ra, bạn nên bổ sung thêm sản phẩm hỗ trợ giúp tim tăng cường sự chống đỡ trong mùa dịch. Ưu tiên lựa chọn sản phẩm từ các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hiệu quả đã được kiểm chứng lâm sàng hoặc được tạp chí quốc tế đánh giá cao.

Câu 10: Người bệnh tim mạch như tôi phải làm gì để không bị nhiễm COVID-19?

Cũng giống như tất cả mọi người, bạn cần tuân thủ theo khuyến cáo chung của Bộ Y tế hoặc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ngoài ra, do đặc thù từ bệnh lý nền nên người bệnh tim mạch cũng có những lưu ý riêng để bảo vệ trái tim để phòng dịch COVID-19, cụ thể:

- Không tụ tập đông người, hạn chế tiếp xúc với những người đang có biểu hiện ho, sốt hoặc đang phải tự cách ly để giảm thiểu nguy cơ nhing virus SARS-CoV-2.

- Khi cần ra khỏi nhà hoặc đến nơi công cộng, người bệnh tim mạch phải đeo khẩu trang, che miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc bằng khuỷu tay khi ho hoặc hắt hơi khi không đeo khẩu trang…

- Khi ở nhà hoặc có thể ra khỏi nhà hoặc đến nơi công cộng, người bệnh tim mạch có thể có các cơn khó thở tăng lên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Cân nhắc dùng mặt nạ chống giọt bắn là giải pháp thay thế phù hợp.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn tối thiểu 20 giây sau khi sờ chạm vào vật dụng ở nơi công cộng. Tránh chạm tay chưa rửa sạch vào mắt, mũi và miệng.

- Lau rửa và khử trùng những bề mặt thường xuyên tiếp xúc hàng ngày như mặt bàn, tay nắm cửa, công tắc đèn, điện thoại, bàn phím, nhà vệ sinh, vòi nước và bồn rửa…

- Trong thời gian cách ly toàn xã hội, bạn vẫn nên tập những động tác nhẹ nhàng ngay trong nhà. Khi tập thể dục, bạn nên chú ý vừa tập vừa nghỉ ngơi, không nên tập quá sức, mỗi ngày nên duy trì khoảng 30 phút vào một khoảng thời gian cố định.

CỔNG TTĐT TP TỔNG HỢP TỪ Suckhoedoisong.vn - CƠ QUAN NGÔN LUẬN CỦA BỘ Y TẾ

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT