Bản tin virus Covid-19 và Truyền thông sáng 16-9
Đăng ngày 16-09-2020 07:24, Lượt xem: 339

Tính đến 16h ngày 15-9: Có 25 người đang được cách ly tại các cơ sở y tế; có 208 người đang được cách ly tại 7 cơ sở cách ly tập trung: 4 khách sạn đang cách ly bệnh nhân chạy thận, y bác sĩ sau thời gian điều trị COVID-19, và 2 cơ sở cách ly tập trung; không có người đang cách ly tại nhà.

 

I. Cập nhật tình hình (Tính đến 6h00 ngày 16-9)

* Thế giới: 29.697.086 người nhiễm/ 938.062 người tử vong

* Việt Nam: 1.063 người/35 người tử vong/936 người khỏi bệnh

* Đà Nẵng:

Tính đến 16h ngày 15-9:

1. Số cách ly hiện tại:

- Có 25 người đang được cách ly tại các cơ sở y tế.

- Có 208 người đang được cách ly tại 7 cơ sở cách ly tập trung: 4 khách sạn đang cách ly bệnh nhân chạy thận, y bác sĩ sau thời gian điều trị COVID-19, và 2 cơ sở cách ly tập trung.

- Không có người đang cách ly tại nhà.

2. Công tác xét nghiệm: Tính từ ngày 24/7/2020 đến nay: Số người được lấy mẫu xét nghiệm là 320.390 người.

Trong đó:

- Số người ngoài thành phố (làm xét nghiệm trước khi tỉnh bạn đón công dân về): 1.671 người.

- Số người nước ngoài trên địa bàn thành phố: 5.979 người

- Số lượt người Đà Nẵng: 312.740 lượt người. Trong đó có 20.744 lượt người xét nghiệm 2 lần trở lên như bệnh nhân F0, đối tượng F1, nhóm cán bộ y tế, cán bộ tham gia công tác phòng chống dịch…, nên số người dân Đà Nẵng được xét nghiệm là 291.966 người (chiếm tỷ lệ 24,75% dân số Đà Nẵng).

II. Báo chí viết về Covid-19

Hôm qua và sáng hôm nay (16-9), trên các phương tiện truyền thông có các nội dung nổi bật:

Đà Nẵng:

Báo Đà Nẵng: Phụ nữ sẻ chia yêu thương

(https://baodanang.vn/channel/5399/202009/phu-nu-se-chia-yeu-thuong-3711972/)

Sau hơn một tháng phát động, chương trình “Sẻ chia yêu thương- Ấm tình phụ nữ Đà Nẵng” của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, tiếp sức cho các lực lượng tuyến đầu chống Covid-19, giúp đỡ hàng nghìn lượt hội viên phụ nữ khó khăn.

Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm cho biết, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, ngày 3-8-2020, Hội LHPN thành phố đã triển khai Chương trình “Sẻ chia yêu thương - Ấm tình phụ nữ Đà Nẵng, chung tay phòng, chống Covid-19” với mục đích kêu gọi sự tham gia của cán bộ, hội viên phụ nữ, các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài thành phố chung tay hỗ trợ, san sẻ khó khăn với người nghèo, đối tượng yếu thế, người bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Hội LHPN thành phố đặt mục tiêu mỗi chi hội phụ nữ vận động giúp ít nhất 1 trường hợp tại chính chi hội mình; mỗi Hội LHPN phường, xã vận động để giúp ít nhất 5 trường hợp; Hội LHPN mỗi quận, huyện vận động giúp ít nhất 10 trường hợp. Riêng Hội LHPN thành phố kêu gọi nguồn lực giúp ít nhất 1.000 trường hợp. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cấp hội phụ nữ.

Một buổi chiều cuối tháng 8-2020, chúng tôi theo chân các chị trong Hội LHPN phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) đi trao quà hỗ trợ cho các hội viên khó khăn trên địa bàn phường. Chị Nguyễn Thị Hiền (trú tổ 61, phường Hòa Hải) hiện thuê trọ tại tổ 61. Dịch bệnh khiến chị Hiền mất việc làm, thu nhập bấp bênh, trong khi phải nuôi con nhỏ, cuộc sống của chị gặp nhiều khó khăn. Trước tình cảnh đó, Hội LHPN phường Hòa Hải đã hỗ trợ chị Hiền suất quà gồm lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu; đồng thời vận động chủ nhà giảm 3 tháng tiền thuê nhà cho chị Hiền.

Tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Chi hội Phụ nữ Trung Nghĩa 3 đã trao hơn 200 suất quà cho các gia đình phụ nữ đơn thân bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Chị Lê Thị Thum, một phụ nữ đơn thân chia sẻ: “Nhận được quà hỗ trợ từ Chi hội Phụ nữ, tôi mừng lắm. Suốt hơn 2 tháng nay, tôi không làm ra tiền, mọi chi tiêu phải dè xẻn hết sức. Những món quà này rất có ý nghĩa với gia đình tôi trong thời điểm khó khăn này”.

Tại huyện Hòa Vang, dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, hội viên phụ nữ toàn huyện đã vận động, đóng góp kinh phí để trao 1.730 suất quà cho các hộ nghèo, hộ khó khăn, đối tượng yếu thế với tổng kinh phí hơn 420 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội LHPN các cấp của huyện còn thăm 230 lượt đơn vị, điểm chốt kiểm dịch, trao tặng hàng trăm suất ăn, nước uống, vật dụng phòng, chống dịch với tổng kinh phí gần 120 triệu đồng. Hội LHPN quận Hải Châu cũng rất tích cực trong công tác vận động đóng góp, hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch.

Chủ tịch Hội LHPN quận Hải Châu Hồ Thị Huệ cho biết, tính đến ngày 8-9, các cấp hội đã vận động hỗ trợ cho 5.830 lượt hộ với kinh phí gần 1,1 tỷ đồng; thăm, tặng quà 740 lượt các đơn vị trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch hơn 700 triệu đồng; hỗ trợ cho hàng nghìn hộ nghèo, hộ khó khăn, người lao động nghèo với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

VOV: Bệnh viện Phổi Đà Nẵng: Từ nay đến cuối tuần sẽ không còn điều trị bệnh nhân Covid-19

(https://vov.vn/xa-hoi/benh-vien-phoi-da-nang-tu-nay-den-cuoi-tuan-se-khong-con-dieu-tri-benh-nhan-covid-19-779046)

Hôm nay (15/9), bệnh viện Phổi Đà Nẵng tiếp tục công bố thêm 4 bệnh nhân hết Covid-19, cho ra viện về nhà cách ly 14 ngày theo quy định. Dự kiến từ nay đến cuối tuần, toàn bộ bệnh nhân Covid-19 đang điều trị ở bệnh viện này sẽ được ra viện.

Các bệnh nhân ra viện chiều nay gồm nữ bệnh nhân 995 (49 tuổi), trú thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, vào điều trị Bệnh viện Phổi ngày 14/8. Ba bệnh nhân ở thành phố Đà Nẵng là nam bệnh nhân 553 (25 tuổi), nữ bệnh nhân 913 (59 tuổi) và nam bệnh nhân 880 (46 tuổi). Cả 3 bệnh nhân này đều đã 3 lần liên tiếp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, không ho, sốt nhiều ngày nên được cho ra viện về nhà cách ly.

Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho biết, từ nay đến cuối tuần, bệnh viện sẽ không còn bệnh nhân mắc Covid-19.

"Hết tuần này, chúng tôi sẽ cho ra viện hết và bệnh nhân 416 khả năng sẽ chuyển về Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị chống độc phổi và bệnh nền và từng bước khử khuẩn tất cả khoa phòng. Khoa phòng nào khử khuẩn xong rồi thì sẽ tiếp tục nhận bệnh. Tuy nhiên, Bệnh viện Phổi vẫn nhận được sự chỉ đạo của Sở Y tế thành phố là tiếp tục thực hiện việc cách ly và điều trị Covid-19. Nếu có bệnh nhân nào cách ly y tế thì chúng tôi sẽ thực hiện việc cách ly và nếu có trường hợp nào dương tính thì chúng tôi sẽ điều trị dương tính", bác sĩ Lê Thành Phúc cho hay./.

VTC: 'Cách ly không cách lòng' - Chung sức cùng y bác sĩ Đà Nẵng

(https://vtc.vn/cach-ly-khong-cach-long-chung-suc-cung-y-bac-si-da-nang-ar569718.html)

Trong nửa năm 2020 trôi qua, Việt Nam và thế giới đang phải hứng chịu dịch bệnh COVID-19 tấn công với con số người mắc dịch lên tới hàng trăm nghìn người. Trong đó, Việt Nam được xem là một trong những đất nước có tinh thần và khả năng chống dịch tốt nhất, với số người mắc và tử vong do dịch Covid ít hơn so với nhiều nước trên thế giới.

Đặc biệt, khi dịch COVID-19 quay lại lần 2, TP. Đà Nẵng được xem là khu vực bị chịu ảnh hưởng nhiều nhất, cũng như là “tâm dịch” đang bị cách ly. Cùng với đó, đội ngũ y bác sĩ của các bệnh viện lớn tại Đà Nẵng phải ngày đêm mang bên mình bộ đồ bảo hộ, khẩu trang để cùng nhau tham gia vào “cuộc chiến” chống COVID-19 của thành phố.

Trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” như lúc này, đội ngũ y bác sĩ tại TP. Đà Nẵng luôn phải gồng mình để “chiến đấu” vì lợi ích quê nhà. Hầu hết mọi người đã ở lại bệnh viện trong suốt nhiều tháng liền mà không về nhà, một phần vì để chiến đấu với dịch bệnh, một phần vì muốn bảo vệ chính người thân của gia đình mình.

Trước tình hình cấp bách, Bộ Y tế đã phải huy động rất nhiều đội ngũ y bác sĩ giỏi ở nhiều địa phương đến Đà Nẵng để chung tay dập dịch. Cùng với lực lượng chức năng, người dân, các y bác sĩ tại thành phố này đang phải ngày đêm làm việc, cống hiến hết sức mình để cứu chữa nhân dân. Họ luôn làm việc với tâm huyết của người làm ngành y, đặc biệt trong giai đoạn này thì gian khó, mệt mỏi và cả nguy hiểm đang cận kề không hề làm họ khuất phục.

Chính vì vậy, để động viên tinh thần cũng như sẻ chia, góp sức cùng đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch COVID-19, trong những ngày này, không khó để bắt gặp hình ảnh những chuyến xe chở đầy nhu yếu phẩm, hàng hóa viện trợ đến trước khu vực của các bệnh viện lớn ở Đà Nẵng. Đây không chỉ là những món quà vật chất mà còn mang một ý nghĩa lớn lao, góp một phần sức nhỏ cho công cuộc chiến đấu chống dịch của đội ngũ y bác sĩ của thành phố.

Vào ngày 7/9/2020, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, kết hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo công tác cho đội ngũ làm công tác phòng chống dịch, góp một chút sức nhỏ cùng đồng bào Miền Trung thêm nguồn lực “quyết đấu”, Công ty Giải trí hàng đầu châu Á V9 đã đến trực tiếp bệnh viện 199 tại Đà Nẵng để dành tặng những phần quà, nhu yếu phẩm như sữa, giấy vệ sinh, khẩu trang,….

Thông qua sự giúp đỡ của chính quyền địa phương Đà Nẵng, từ những phần bánh, sữa cho đến các sản phẩm vệ sinh cá nhân, y tế đã được vận chuyển đến tận tay đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện 199 Đà Nẵng. Những phần quà mà công ty mang đến tuy nhỏ nhưng cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng hàng ngày, bảo vệ bản thân để các y bác sĩ nạp năng lượng nhanh chóng cho cơ thể, cùng nhau cố gắng tiếp tục “chiến đấu” cho trận chiến đầy khó khăn lần này.

Không chỉ riêng tại Đà Nẵng, đội ngũ công ty còn tổ chức hoạt động trao tặng hơn 2000 phần quà nhỏ, trong thời điểm khó khăn của cả nước cùng chung tay chống dịch ở các thành phố lớn như Hà Nội và cả TP.HCM. Các phần quà chủ yếu là khẩu trang, xà phòng, nước rửa tay,…

Zing: Du lịch Đà Nẵng ứng phó ra sao sau dịch Covid-19

(https://zingnews.vn/du-lich-da-nang-ung-pho-ra-sao-sau-dich-covid-19-post1131490.html)

Hậu quả của đợt dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản. "Theo thông tin sơ bộ, trên địa bàn thành phố có khoảng 250-260 khách sạn, căn hộ, biệt thự đang rao bán, chiếm tỷ lệ 24,7% tổng số khách sạn (1.080 khách sạn)", ông Bình cho biết.

Theo Phó giám đốc Sở Du lịch, từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng giảm mạnh. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 1,9 triệu lượt, giảm gần 56% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 26,5% kế hoạch.

Trong đó, khách quốc tế ước đạt 644.000 lượt (khách còn lưu lại từ nhiều tháng trước), giảm 60,3% so với cùng kỳ 2019, khách nội địa ước đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm 53,5% so với cùng kỳ 2019. Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt gần 2.444 tỷ đồng, giảm 47,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, thừa nhận do ảnh hưởng của dịch bệnh nên ngành du lịch đang "ngắc ngoải". “Đến giờ, Đà Nẵng vẫn chưa có khách. Năm ngoái thu 10 đồng thì năm nay chỉ được khoảng 2 đồng. Nói thế để thấy ngành du lịch đang kiệt quệ, rất khó khăn”, ông Dũng nói.

Phó giám đốc Sở Du lịch cho biết thêm hiện nay, du khách đều có tâm lý e ngại lấy nhiễm dịch bệnh. Đây là rào cản, thách thức lớn đối với ngành du lịch, ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát lần thứ hai", ông Bình nhận định.

Việt Nam:

VOV: Khôi phục vận tải hành khách từ Thừa Thiên Huế đi Đà Nẵng và ngược lại

(https://nld.com.vn/thoi-su/chu-tich-thua-thien-hue-len-tieng-vi-sao-chua-do-bo-kiem-soat-nguoi-den-tu-da-nang-20200914164001002.htm)

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành công văn về việc khôi phục vận tải hành khách từ Thừa Thiên Huế đi Đà Nẵng và ngược lại, bắt đầu từ 0 giờ ngày 16/9.

Theo đó, khôi phục toàn bộ hoạt động vận tải hành khách từ Thừa Thiên Huế đi Đà Nẵng và ngược lại, bao gồm tuyến cố định, hợp đồng, du lịch, taxi kể từ 0 giờ ngày 16/9. Các doanh nghiệp, Hợp tác xã khai thác các tuyến phải thực hiện nghiêm túc về an toàn phòng chống dịch của phương tiện và người lái.

Các đơn vị quản lý bến xe trực tiếp kiểm tra việc thực hiện an toàn phòng chống dịch Covid-19 trên phương tiện và khách hàng, nếu đáp ứng đủ thì mới cho phép phương tiện xuất bến. Các doanh nghiệp, Hợp tác xã kiểm tra toàn phòng chống dịch trên phương tiện trước khi đưa phương tiện vào khai thác.

Đối với công dân đi từ thành phố Đà Nẵng đến tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành đăng ký tại địa chỉ: https//tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao để phê duyệt cho phép và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin đăng ký. Xuất trình kết quả phê duyệt tại chốt kiểm tra liên ngành để vào tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nếu không khai báo trước qua mạng thì tiến hành kê khai tại chốt kiểm tra. Công dân Đà Nẵng đến Huế thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “5K" gồm: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung đông người và khai báo y tế tại nơi lưu trú. Đặc biệt, hạn chế tối đa tiếp xúc với người địa phương; nghiêm cấm việc tham gia các sự kiện tụ tập đông người; không đến các tụ điểm đông người như: khu vui chơi giải trí, quán bar, vũ trường, karaoke, massage, rạp chiếu phim, quán game online…

Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Giám đốc Xí nghiệp Bến xe phía Nam Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: "Hiện tại, chúng tôi đã thông báo đến các chủ xe qua các doanh nghiệp vận tải. Theo đó, doanh nghiệp vận tải sẽ tiến hành cung cấp lệnh vận chuyển cho các đầu xe và một số yêu cầu theo thông báo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh, yêu cầu các xe, các phương tiện trang bị đầy đủ như nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang y tế… để các doanh nghiệp phổ biến lại cho các xã viên để thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo”./.

Tin tức Thông tấn xã Việt Nam: Nối lại một số chuyến bay thương mại quốc tế từ 15/9

(https://baotintuc.vn/thoi-su/noi-lai-mot-so-chuyen-bay-thuong-mai-quoc-tetu-159-20200915191055211.htm)

Theo thông báo, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đồng ý phương án nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ có chở khách giữa Việt Nam và một số đối tác theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải.

Theo đó, từ ngày 15/9/2020, nối lại các đường bay: Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Châu), Việt Nam - Nhật Bản (Tokyo), Việt Nam - Hàn Quốc (Seoul), Việt Nam - Đài Loan, Trung Quốc (Taipei); từ ngày 22/9/2020, nối lại các đường bay: Việt Nam - Campuchia (Phnom Penh), Việt Nam - Lào (Vientiane).

Tần suất không quá 2 chuyến/tuần cho mỗi bên và mỗi đối tác (số lượng các chuyến bay sẽ xem xét tăng thêm phù hợp với tình hình thực tế). Việc nối lại các đường bay được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại đối với các đối tác về tổng số người trên các chuyến bay, việc thu phí và các điều kiện nhập cảnh khác.

Thông báo cũng nêu rõ đối tượng, điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại từ 6 địa bàn trên (không bao gồm người quá cảnh từ nước thứ ba).

Cụ thể, đối với người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và thân nhân, phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay (trừ một số địa bàn không cấp loại giấy này); được xét nghiệm RT-PCR ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly; được cách ly tại nhà công vụ của cơ quan đại diện hoặc tại khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định.

Đối với người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao và thân nhân; học sinh, sinh viên quốc tế; thân nhân người nước ngoài của công dân Việt Nam phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay (trừ một số địa bàn không cấp loại giấy này); được xét nghiệm RT-PCR ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly; được cách ly tại nhà máy, trụ sở doanh nghiệp hoặc khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định.

Đối với người Việt Nam, phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay (trừ một số địa bàn không cấp loại giấy này); được xét nghiệm RT-PCR ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly; được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung do quân đội quản lý hoặc tại các khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định.

Phó Thủ tướng đồng ý xem xét rút ngắn thời gian cách ly (khoảng 5 ngày) cho các nhóm đối tượng nêu trên sau khi có kết quả RT-PCR hai lần âm tính; sau đó cho phép được về tự cách ly, theo dõi  giám sát y tế tại nhà, trụ sở doanh nghiệp, cơ quan (đối với chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài được làm việc theo kế hoạch gắn với việc bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch) theo quy định.

Cũng theo thông báo, đối tượng quá cảnh từ nước thứ ba nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại phải áp dụng các biện pháp phòng dịch chặt chẽ, đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Nhóm đối tượng này cũng được xét nghiệm RT-PCR ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly và thực hiện cách ly tập trung 14 ngày theo quy định, trừ trường hợp đặc biệt theo sự chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

III. Mạng xã hội nói gì về Covid-19

Rất nhiều tài khoản cá nhân, nhóm, fanpage đăng tải các nội dung bàn luận xoay quanh Covid-19. Cụ thể:

Đà Nẵng:

Các tài khoản Facebook, trang mạng xã hội đăng tải nội dung liên quan đến thông tin du lịch Đà Nẵng ứng phó ra sao sau dịch Covid-19.

Toàn quốc:

Các tài khoản Facebook, trang mạng xã hội đăng tải hình ảnh liên quan đến thông tin bỏ cách ly và xét nghiệm PCR bắt buộc đối với công dân từ Đà Nẵng đến Huế.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ

 

 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT