Phòng chống dịch COVID-19 và những vấn đề thực tiễn đặt ra
Đăng ngày 23-09-2022 14:03, Lượt xem: 897

COVID-19, không chỉ là một cuộc chiến chưa có tiền lệ. Có thể khẳng định đó là một cuộc chiến không cân sức và những vấn đề phát sinh từ thực tiễn phòng chống dịch, thực sự đã gợi mở một số vấn đề ở tầm quốc gia cần điều chỉnh phù hợp để sẵn sàng ứng phó hiệu quả trước những thách thức tương tự trong tương lai.

Thế giới ngày nay với quá nhiều biến đổi đang phải đối diện với những thách thức về An ninh phi truyền thống, mang tính toàn cầu, xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu, tội phạm trên không gian mạng, dịch bệnh,..Những vấn đề mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự mình giải quyết được, đòi hỏi hợp tác quốc tế mới có thể ứng phó. Đại dịch COVID-19, chính là hồi chuông cảnh tỉnh đối với cộng đồng quốc tế về sự tồn tại và tác động khủng khiếp của các thách thức An ninh phi truyền thống.

Như chúng ta đã biết, dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc vào tháng 12/2019 và nhanh chóng lan rộng đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cuối cùng chính thức tuyên bố đây là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/2/2020. Vào thời điểm đó tất cả các nước “loay hoay” tìm cách ứng phó với đại dịch đồng thời cùng với nỗ lực nghiên cứu vaccine, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Bởi trên thực tế chưa có một giáo trình, mô hình cụ thể nào để ứng phó với đại dịch xét trong bối cảnh của ngành Y tế Việt Nam, các điều kiện về kinh tế xã hội của từng địa phương.


Công tác phòng chống dịch ở tất cả các địa phương trên cả nước đều thực hiện các biện pháp phong tỏa, cách ly, truy vết, thậm chí giãn cách trên diện rộng để xét nghiệm, điều trị

Công tác phòng chống dịch ở tất cả các địa phương trên cả nước đều thực hiện các biện pháp phong tỏa, cách ly, truy vết, thậm chí giãn cách trên diện rộng để xét nghiệm, điều trị. Tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội bị đình trệ, tập trung toàn bộ cho công tác phòng chống dịch bệnh. Hàng loạt vấn đề đã nảy sinh, bộc lộ như sự đáp ứng của hạ tầng y tế, vật tư y tế dự trữ, vai trò của tuyến y tế cơ sở đến công tác mua sắm, trang bị vật tư y tế,…

Thực tiễn công tác phòng chống dịch COVID-19 ở Đà Nẵng cho thấy, một khi thực hiện phong tỏa, giãn cách, cách ly khu dân cư này với khu dân cư kia, hạn chế đi lại trong phạm vi thành phố và với các địa phương lân cận, thì tất cả các hoạt động hành chính trong điều kiện bình thường không thể thực hiện theo cách bình thường.

Thời gian trong hoạt động phòng chống dịch chỉ được tính bằng giờ, hàng loạt cuộc họp diễn ra liên tục bất kể ngày hay đêm, và nhiều nội dung sau cuộc họp phải triển khai ngay, không thể chậm trễ, tất cả vì mục tiêu “chống dịch như chống giặc”, “tính mạng của người dân là trên hết, trước hết”.


Các hoạt động phục vụ phòng chống dịch: Họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch, lấy mẫu, chuyển F0 đến cơ sở điều trị,... diễn ra liên tục bất kể ngày hay đêm

Đà Nẵng có hệ thống y tế hoàn thiện với nhiều chuyên khoa, kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân thành phố mà còn phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân các địa phương trong khu vực. Nhiều chỉ số y tế của Đà Nẵng đạt ở mức cao so với cả nước như tỷ lệ số giường bệnh trên vạn dân (79 giường bệnh trên 10 ngàn dân trong khi cả nước là 26,5 giường bệnh/ 10 ngàn dân); tỷ lệ số bác sỹ trên vạn dân (91 bác sỹ/10 ngàn dân trong khi cả nước 8,6 bác sỹ/100 ngàn dân),..

Tuy nhiên, khi trở thành tâm dịch lần thứ nhất vào tháng 7/2020, 3 bệnh viện tuyến thành phố và Trung ương buộc phải phong tỏa, di chuyển bệnh nhân để điều trị trước với tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh đã khiến khả năng đáp ứng của hạ tầng, năng lực ngành y tế thành phố đứng trước nguy cơ quá tải. Hàng loạt khu cách ly, bệnh viện dã chiến được khẩn cấp thiết lập.


Bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn được hình thành chỉ trong 3,5 ngày trong bối cảnh giãn cách, khan hiếm hàng hóa, vật liệu.

Khó có thể tượng tưởng, một bệnh viện dã chiến được hình thành trong vòng chưa đầy vài ngày trong bối cảnh giãn cách, khan hiếm hàng hóa, vật liệu. Không thể chứ chẳng phải khó nữa, bởi với những quy định của pháp luật hiện nay về thành lập, tổ chức, hoạt động của một bệnh viện, cho đến công tác mua sắm, trang bị, tổ chức hoạt động của một bệnh viện dã chiến thì trong điều kiện bình thường, có lẽ đơn vị thời gian phải tính bằng năm. Nhưng một bệnh viện dã chiến như vậy đã được hình thành từ tâm huyết, vật chất của một tập đoàn đối với thành phố Đà Nẵng.

Một khi hạn chế đi lại, theo quy luật cung cầu, toàn bộ hàng hóa gần như tăng giá, nguồn cung hạn chế, mà nhu cầu tăng cao và cấp bách. Nhớ lại thời điểm đó, hàng chục ngàn suất lương thực, thực phẩm của chính quyền thành phố được vận chuyển đến các địa phương để đem đến tận tay người dân một cách nhanh nhất theo cách không thể ngờ, đó là một suất lương thực đến tay người dân phải mất ít nhất 2 lần, bởi không có hàng hóa ngay tại địa phương để cung ứng cùng lúc với số lượng nhiều, đáp ứng các quy định mua sắm của nhà nước.

Các lực lượng ở cơ sở đã vất vả lại càng thêm vất vả, một số người dân phàn nàn, phản ứng về việc nhận lương thực theo cách “không giống ai”. Còn các đơn vị, địa phương ủng hộ thành phố Đà Nẵng về lương thực, rau củ quả đã phải đến tận từng vựa rau củ quả, nhà máy để thu mua không theo một mặt bằng giá, chấp nhận giá cao để có những chuyến xe “xuyên đêm” kịp thời đến với người dân Đà Nẵng.


Lương thực, thực phẩm đượcđem đến tận tay người dân một cách nhanh nhất theo cách không thể ngờ

Qua đó, chúng ta có thể thấy hàng loạt vấn đề được đặt ra từ thực tiễn của công tác phòng chống dịch COVID-19, đòi hỏi có cách tiếp cận phù hợp để sớm có các giải pháp cụ thể để phát huy và tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống y tế trong đó có hệ thống y tế cơ sở để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống khẩn cấp cùng với thiết lập các hệ thống dự trữ về trang thiết bị, vật tư y tế ở địa phương. Đồng thời với ban hành hệ thống các quy định về tổ chức mua sắm, trưng mua, trưng dụng, thiết lập các địa điểm dã chiến, tổ chức giao thông nội bộ và vùng,… trong các trường hợp khẩn cấp như dịch bệnh, thiên tai.

Những vấn đề được đặt ra ở trên cần sớm nghiên cứu và hình thành hàng lang pháp lý với các quy định cụ thể, thậm chí ban hành thành Luật để kịp thời ứng phó với dịch bệnh nói riêng và những vấn đề liên quan đến an ninh phi truyền thống nói chung trong tương lai, đảm bảo sự ổn định và phát triển của quốc gia. Đồng thời, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn những sai phạm như đã được phát hiện trong thời gian qua liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19.

HỘI AN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác