Chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 02/2024
Đăng ngày 29-02-2024 05:59, Lượt xem: 19

Quy định mới về bảo hiểm thất nghiệp; Không đào tạo từ xa với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, đào tạo giáo viên; Quy định về giấy tờ nhân thân khi đi máy bay từ 15/02/2024; Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể… là những chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 02/2024.

Quy định mới về bảo hiểm thất nghiệp

Bộ lao động Thương binh và xã hội vừa ban hành Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Việc làm.

Theo đó, từ ngày 15/02/2024, Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH có một số quy định mới liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp như sau:

Tại khoản 4, Điều 1, Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH quy định 02 trường hợp không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được hưởng trợ cấp gồm: Thời gian chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp khi người lao động đóng trên 144 tháng sẽ không được bảo lưu mà chỉ được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 36 tháng đến đủ 144 tháng mà có thời gian chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được bảo lưu. Đồng thời, số tháng lẻ chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thuộc một trong ba trường hợp: Người lao động không đến nhận trợ cấp thất nghiệp;    Người lao động bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; Người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH cũng nêu rõ, các trường hợp không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu không bao gồm số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được cơ quan bảo hiểm xã hội bảo lưu.

Cũng theo Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH, trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại một địa phương mà đề nghị và được hỗ trợ học nghề tại địa phương khác thì trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động được hỗ trợ học nghề gửi 01 bản quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trường hợp đã chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau đó đề nghị và được hỗ trợ học nghề tại địa phương khác nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đề nghị hỗ trợ học nghề gửi 01 bản quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi ban hành quyết định hưởng, đồng thời, xác định và gửi 01 bản quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp.

Không đào tạo từ xa với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, đào tạo giáo viên

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 28/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học.

Theo đó, từ ngày 12/2/2024, Thông tư số 28/2023/TT-BGDĐT quy định rõ, cơ sở đào tạo thực hiện chương trình đào tạo từ xa đối với những ngành đã có quyết định mở ngành đào tạo và đã tuyển sinh tối thiểu 3 khóa liên tục theo hình thức chính quy. Đồng thời, không được đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên.

Bên cạnh đó, Thông tư số 28/2023/TT-BGDĐT cũng quy định chương trình đào tạo từ xa và thời gian học tập như sau:

- Chương trình đào tạo từ xa có kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa theo các tiến độ học tập khác nhau để định hướng cho người học, tổng thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa không ngắn hơn so với hình thức đào tạo chính quy.

- Đối với người học liên thông đã được miễn trừ khối lượng tín chỉ tích lũy, thời gian tối đa để người học hoàn thành khóa học được xác định trên cơ sở thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa giảm tương ứng với khối lượng được miễn trừ.

- Chương trình đào tạo từ xa phải được công khai với người học trước khi tuyển sinh và khi bắt đầu khóa học; những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định hiện hành và công bố trước khi áp dụng, không gây tác động bất lợi cho người học.

Đồng thời, việc đánh giá kết quả học tập theo hình thức đào tạo từ xa trình độ đại học sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT. Cụ thể, kết quả học tập theo hình thức đào tạo từ xa trình độ đại học của người học sẽ được đánh giá theo học phần hoặc theo học kỳ, năm học giống như bên hình thức đào tạo trình độ đại hiện như hiện nay.

Thông tư số 28/2023/TT-BGDĐT áp dụng đối với các khóa tuyển sinh hình thức đào tạo từ xa trình độ đại học sau ngày 12/02/2024 và thay thế Thông tư số 10/2017/TT-BGDĐT ngày 28/4/2017.

Quy định về giấy tờ nhân thân khi đi máy bay từ 15/02/2024

Có hiệu lực từ 15/02/2024, Thông tư số 42/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung một số nội dung về giấy tờ nhân thân khi đi máy bay.

Theo đó, hành khách khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay quốc tế phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau:

- Hộ chiếu hoặc giấy thông hành hoặc giấy tờ khác có giá trị xuất, nhập cảnh theo quy định của pháp luật như thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thẻ căn cước công dân (nếu Việt Nam và quốc gia liên quan ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau), giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh theo quy định.

- Trường hợp trẻ em không có hộ chiếu riêng thì họ tên, ngày, tháng, năm sinh và ảnh của trẻ em được ghi và dán vào hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật, bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi hoặc người giám hộ.

Thông tư số 42/2023/TT-BGTVT cũng quy định hành khách từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa phải xuất trình một trong các loại giấy tờ hoặc dữ liệu điện tử có giá trị pháp lý tương đương sau:

- Đối với hành khách mang quốc tịch nước ngoài: Hộ chiếu (có dấu kiểm chứng nhập cảnh gần nhất) hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (có dấu kiểm chứng nhập cảnh gần nhất) và giấy tờ liên quan cư trú tại Việt Nam (thị thực, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thẻ đi lại doanh nhân APEC) trừ trường hợp được miễn thị thực; chứng minh thư ngoại giao do Bộ Ngoại giao cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế; giấy phép lái xe ô tô, mô tô; thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay loại có giá trị sử dụng dài hạn; thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam; Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của hành khách. Đây là quy định mới tại Thông tư số 42/2023/TT-BGTVT.

Trường hợp hành khách mất hộ chiếu phải có công hàm của cơ quan ngoại giao, lãnh sự của quốc gia hành khách mang quốc tịch hoặc công văn của sở ngoại vụ (có xác nhận của cơ quan công an địa phương nơi hành khách mất hộ chiếu) xác nhận nhân thân và việc mất hộ chiếu của hành khách, có dán ảnh, dấu giáp lai. Công hàm, công văn xác nhận có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày xác nhận;

+ Đối với hành khách mang quốc tịch Việt Nam phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: Hộ chiếu hoặc giấy thông hành, thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân; giấy chứng minh, chứng nhận của công an nhân dân, quân đội nhân dân; thẻ Đại biểu Quốc hội; thẻ Đảng viên; thẻ Nhà báo; giấy phép lái xe ô tô, mô tô; thẻ của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia; thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay loại có giá trị sử dụng dài hạn; thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam; Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của hành khách; giấy xác nhận nhân thân do cơ quan công an xác nhận; giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hành khách là người vừa chấp hành xong bản án.

+ Hành khách mang quốc tịch Việt Nam từ đủ 14 tuổi đến trên 14 tuổi không quá 20 ngày có thể sử dụng các loại giấy tờ đi tàu bay như đối với hành khách chưa đủ 14 tuổi.

-  Hành khách chưa đủ 14 tuổi khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau:

+ Giấy khai sinh; trích lục hộ tịch; trích lục giấy khai sinh (trích lục thông tin khai sinh); văn bản xác nhận thông tin hộ tịch; trường hợp dưới 02 tháng tuổi chưa có giấy khai sinh thì phải có giấy chứng sinh; Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của hành khách (quy định mới); thông tin nhân thân của hành khách trong Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ đi cùng chuyến bay.

+ Giấy xác nhận của tổ chức xã hội đối với trẻ em do tổ chức xã hội đang nuôi dưỡng (chỉ có giá trị sử dụng trong thời gian 06 tháng kể từ ngày xác nhận).

+ Giấy xác nhận nhân thân do cơ quan công an xác nhận.

+ Thẻ Căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu (hộ chiếu riêng hoặc kèm hộ chiếu của cha mẹ).

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 93/2023/NĐ-CP ngày 25/12/2023 quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Theo đó, đối tượng áp dụng là cá nhân là người Việt Nam đang nắm giữ, thực hành, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian; nghề thủ công truyền thống. Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan tới hoạt động xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và không áp dụng đối với cá nhân là người Việt Nam đang nắm giữ, thực hành, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

Cũng theo quy định tại Nghị định số 93/2023/NĐ-CP, danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được tặng cho cá nhân nêu trên đạt các tiêu chuẩn sau đây: Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Có phẩm chất đạo đức tốt; gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề; mẫu mực trong thực hành, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; được đồng nghiệp và Nhân dân ghi nhận, mến mộ; Có tài năng hoặc kỹ năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh; có cống hiến to lớn được ghi nhận cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị loại hình di sản văn hóa phi vật thể …; truyền dạy được nhiều cá nhân đã hoặc đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây: Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Có phẩm chất đạo đức tốt; gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề; mẫu mực trong thực hành, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; được đồng nghiệp và Nhân dân ghi nhận, mến mộ; Có tài năng hoặc kỹ năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh; có cống hiến lớn được ghi nhận cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể do cá nhân đang nắm giữ; truyền dạy được nhiều cá nhân đã hoặc đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; Có thời gian hoạt động liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Nghị định số 93/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2024.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác