Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2024
Đăng ngày 29-03-2024 05:21, Lượt xem: 34

Bãi bỏ quyết định về cho vay mua máy tính với học sinh khó khăn; Quy định mới về kiểm tra chất lượng phương tiện đường sắt; Thu phí khai thác sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản; Chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học; Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2024.

Bãi bỏ quyết định về cho vay mua máy tính với học sinh khó khăn

Nội dung trên được quy định tại Quyết định số 02/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.

Theo đó, đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày Quyết định 02/2024/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành:

- Ngân hàng Chính sách xã hội, khách hàng và các bên liên quan tiếp tục thực hiện theo các nội dung quy định trong hợp đồng tín dụng đã ký.

- Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục thực hiện theo dõi, quản lý thu hồi nợ và xử lý các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến khoản nợ của khách hàng theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.

Quyết định số 02/2024/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 30/3/2024.

Quy định mới về kiểm tra chất lượng phương tiện đường sắt

Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt. Theo đó, các loại hình kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường gồm: Kiểm tra sản xuất, lắp ráp; kiểm tra nhập khẩu; kiểm tra hoán cải; kiểm tra định kỳ.

Cụ thể, việc kiểm tra định kỳ được thực hiện đối với phương tiện chạy trên đường sắt quốc gia, phương tiện chạy trên đường sắt chuyên dùng, phương tiện chạy trên đường sắt đô thị, thiết bị tín hiệu đuôi tàu. Chu kỳ kiểm tra định kỳ được quy định rõ theo loại phương tiện, thời gian khai thác. Đơn cử, với phương tiện nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp mới trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, chu kỳ kiểm tra đầu của đầu máy, phương tiện chuyên dùng tự hành là 18 tháng, của toa xe khách là 28 tháng, của toa xe hàng, phương tiện chuyên dùng không tự hành là 36 tháng.

Với phương tiện đã khai thác trên 30 năm tính từ năm sản xuất và còn niên hạn sử dụng, thì chu kỳ kiểm tra định kỳ của đầu máy, phương tiện chuyên dùng tự hành là 15 tháng, của toa xe khách là 12 tháng, của toa xe hàng, phương tiện chuyên dùng không tự hành là 15 tháng.

Với phương tiện đã khai thác trên đường sắt đô thị dưới hoặc bằng 30 năm tính từ năm sản xuất, chu kỳ kiểm tra định kỳ của phương tiện chuyên dùng tự hành là 18 tháng, của toa xe đường sắt đô thị là 14 tháng, của phương tiện chuyên dùng không tự hành là 20 tháng. Với phương tiện khai thác trên 30 năm tính từ năm sản xuất và còn niên hạn sử dụng, chu kỳ kiểm tra định kỳ của phương tiện chuyên dùng tự hành là 15 tháng, của toa xe đường sắt đô thị là 12 tháng, của phương tiện chuyên dùng không tự hành là 15 tháng.

Thông tư số 01/2024/TT-BGTVT cũng quy định chủ phương tiện, chủ khai thác phương tiện có trách nhiệm thực hiện kiểm tra tình trạng hoạt động của phương tiện để phương tiện bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi tham gia giao thông; chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giữa hai kỳ kiểm tra của cơ quan kiểm tra...

Thông tư số 01/2024/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành từ 15/3/2024.

Thu phí khai thác sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản

Có hiệu lực kể từ ngày 21/3/2024, Thông tư số 11/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính  quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản.

Theo đó, tổ chức thu phí là các cơ quan có thẩm quyền cung cấp tài liệu địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật; người nộp phí thực hiện nộp phí khi nhận kết quả tài liệu địa chất, khoáng sản từ cơ quan cung cấp tài liệu địa chất, khoáng sản; phí nộp cho tổ chức thu phí theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Thông tư số 11/2024/TT-BTC cũng quy định, tổ chức thu phí được trích để lại 60% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí và nộp 40% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Cũng theo Thông tư số 11/2024/TT-BTC, trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP nộp toàn bộ tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học

Từ ngày 01/03/2024, chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học được quy định tại Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là cơ sở để thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; đánh giá và giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm 6 tiêu chuẩn với 20 tiêu chí. Cụ thể, Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản trị gồm 4 tiêu chí; Tiêu chuẩn 2: Giảng viên gồm 3 tiêu chí; Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất gồm 4 tiêu chí; Tiêu chuẩn 4: Tài chính gồm 2 tiêu chí; Tiêu chuẩn 5: Tuyển sinh và đào tạo gồm 5 tiêu chí; Tiêu chuẩn 6: Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo gồm 2 tiêu chí.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học cung cấp, cập nhật dữ liệu phục vụ việc xác định các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí của chuẩn cơ sở giáo dục đại học vào hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học.

Công bố kết quả thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học của các cơ sở giáo dục đại học trước ngày 30/6 hằng năm, bắt đầu từ năm 2025 cho năm báo cáo trước liền kề.

Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực kể từ ngày 22/3 và bãi bỏ Thông tư số 24/2015/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học.

Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo Thông tư số 09/2024/TT-BTC, mức thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp như sau: Đối với trường hợp cấp mới, gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp: 5.000.000 đồng/01 lần thẩm định. Đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp: 3.000.000 đồng/01 lần thẩm định.

Đồng thời, tổ chức thu phí được trích để lại 90% số tiền phí thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí; nộp 10% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Thông tư số 09/2024/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/3/2024.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT