Phấn đấu 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh
Đăng ngày 29-10-2024 10:45, Lượt xem: 52

UBND thành phố phê duyệt Quyết định số 2230/QĐ-UBND ngày 17-10-2024 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Kế hoạch đặt mục tiêu phát triển ngành Dược của thành phố Đà Nẵng đảm bảo cung ứng chủ động, đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả với mức chi phí hợp lý cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả khi thiên tai, dịch bệnh, thảm họa và các nhu cầu khẩn cấp khác; nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để sản xuất thuốc có dạng bào chế mới, đồng thời phát triển dược liệu, thuốc và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước và địa phương; xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống sản xuất, phân phối, cung ứng thuốc chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả và được quản lý chặt chẽ; tối ưu hóa việc sử dụng thuốc nhằm mục đích sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả và tập trung xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số về dược.

Theo đó, phấn đấu 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đáp ứng yêu cầu phòng, chống, dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc. Tỷ lệ giá trị tiền thuốc sản xuất trong nước trên tổng giá trị tiền thuốc sử dụng tại các cơ sở y tế đạt từ 70% trở lên. Tăng tỉ lệ chi trả thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế trong tổng số chi phí cho thuốc: đến năm 2025 tối thiểu là 20% và đến năm 2030 là 30%; trong đó, phấn đấu chi phí sử dụng dược liệu sẵn có tại địa phương trong chữa bệnh tối thiểu là 5% trong tổng số chi phí thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Các công ty sản xuất thuốc trên địa bàn tập trung sản xuất các loại thuốc vừa hết thời gian bảo hộ bản quyền, thuốc sản xuất nhượng quyền, gia công, chuyển giao công nghệ, chuyên giao thương hiệu... nhằm tận dụng hết công suất của các dây chuyền sản xuất thuốc và tận dụng nguồn lao động sẵn có tại địa phương. Phấn đấu xây dựng hoặc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gia công có phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất.

Đồng thời, có kế hoạch quản lý và khai thác hợp lý, bền vững các loài cây thuốc là lâm sản ngoài gỗ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Bà Nà - Núi Chua và Khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân; xây dựng vùng trồng 3 -5 loài dược liệu tại các xã miền núi huyện Hòa Vang, đảm bảo nguồn nguyên liệu dược liệu được tiêu chuẩn hóa (cao chiết, tinh dầu, bột dược liệu) phục vụ sản xuất thuốc trong nước. Tăng cường sản xuất, tạo một số sản phẩm đông dược chất lượng cao trên địa bàn. Phát triển mạng lưới cung ứng thuốc rộng khắp trên thành phố nhằm tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với thuốc dễ dàng, kịp thời, đặc biệt ở các xã cách xa trung tâm thành phố của huyện Hòa Vang.

Kế hoạch đặt mục tiêu duy trì bền vững tỷ lệ 100% cơ sở bán buôn thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc” (GDP), 100% nhà thuốc, quầy thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc” (GPP), ít nhất 30% công ty sản xuất thuốc trên địa bàn đạt tiêu chuẩn EU-GMP, PICs-GMP hoặc tương đương. Trung tâm Kiểm nghiệm duy trì đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phòng thí nghiệm” (GLP), nâng cao năng lực, hiện đại hóa Trung tâm kiểm nghiệm đáp ứng yêu cầu kiểm soát chất lượng trên địa bàn thành phố.

Phấn đấu 100% cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tuân thủ đầy đủ nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản thuốc” (GSP) đối với hoạt động bảo quản thuốc; 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hoạt động sử dụng thuốc có tổ chức và triển khai các hoạt động dược lâm sàng. Cung cấp các dịch vụ chăm sóc dược chất lượng tốt.  

Bên cạnh đó, 100% cơ sở bán buôn và bán lẻ thuốc trên địa bàn thành phố được kết nối liên thông với Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược quốc gia; đảm bảo duy trì hoạt động 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực dược được tích hợp lên cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động ngành Dược. Đạt tỷ lệ 4,0 dược sĩ/1 vạn dân, phấn đấu dược sĩ được đào tạo về chuyên ngành Dược lâm sàng đạt tối thiểu 20%.

Định hướng đến năm 2045, tiếp tục đảm bảo cung ứng chủ động, đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả với mức chi phí hợp lý cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Thuốc sản xuất trên địa bàn thành phố nâng cao giá trị xuất khẩu, hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu; chủ động sản xuất một số thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc mới, vắc xin và sinh phẩm. Hệ thống kiểm nghiệm, phân phối thuốc, công tác dược lâm sàng thông tin thuốc và cảnh giác dược được nâng cao hiệu quả hoạt động, phấn đấu đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến trong khu vực.

UBND thành phố giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND các quận, huyện triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch. Tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện Kế hoạch. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các quận huyện tổ chức theo dõi, giám sát, kiểm tra và đánh giá tiến độ thực hiện; tổ chức sơ kết, tổng kết, báo cáo kịp thời các khó khăn, vướng mắc và đế xuất các giải pháp tháo gỡ về UBND thành phố, Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Y tể và các đơn vị có liên quan tham mưu, cân đối bố trí nguồn vốn đầu tư công để thực hiện các dự án (nếu có) trong lĩnh vực Dược theo quy định; chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tham mưu triển khai thực hiện các cơ chế chính sách về thu hút đầu tư; huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển ngành Dược của thành phố.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND thành phố quy hoạch phát triển vùng trồng dược liệu và địa bàn khai thác dược liệu tự nhiên; bảo tồn và phát triển dược liệu, lựa chọn, tạo giống, nuôi trồng dược liệu trên địa bàn thành phố. Chủ trì hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân tham gia bảo tồn, phát triển vùng, vườn cây dược liệu trên địa bàn thành phố; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển trồng cây dược liệu để các tổ chức cá nhân biết, tiếp cận.

UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở phối hợp với Sở Y tế, các đơn vị liên quan thực hiện tuyên truyền, truyền thông phổ biến rộng rãi chính sách phát triển ngành Dược, tăng cường phối hợp kiểm tra, chủ động nắm tình hình việc quảng cáo thuốc chữa bệnh, tổ chức các sự kiện về thuốc chữa bệnh trên báo chí, thông tin điện tử, mạng xã hội. Phối hợp với Sở Y tế triển khai nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành dược.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tham mưu tổ chức thực hiện các nội dung phát triển sản xuất thuốc hóa dược, nguyên liệu hóa dược và các sản phẩm hỗ trợ sản xuất thuốc; phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm về sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, phân phối, cung ứng dược liệu, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, không được phép lưu hành trên thị trường.

UBND các quận, huyện có trách nhiệm bố trí kinh phí và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch đảm bảo phù hợp với điều kiện, ưu thế của từng địa phương; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương khác để triển khai Kế hoạch.

UBND thành phố đề nghị các Hội Dược học, Hội Dược liệu và Hội Đông y theo chức năng, nhiệm vụ, đơn vị có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Y tế triển khai thực hiện Kế hoạch, chú trọng trong công tác thông tin, truyền thông cũng như vận động các tổ chức cá nhân hoạt động trong phạm vi chuyên môn thực hiện đúng chủ trương đường lối và hỗ trợ trong công tác quản lý nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT