14 ngày cách ly ở Đà Nẵng
Đăng ngày 13-03-2020 09:15, Lượt xem: 3067

Đó là tên cuốn nhật ký của du học sinh Phạm Thị Hảo- cô bé gần tròn 19 tuổi, trở về từ Hàn Quốc. Cuốn nhật ký dựa trên câu chuyện có thật, được Hảo hoàn thành trong 14 ngày cách ly (từ 28/2 đến 12/3/2020) ở Trung tâm bồi dưỡng Quốc phòng An ninh, Trung đoàn Bộ binh 971, Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố Đà Nẵng.

Phạm Thị Hảo trước lúc chia tay trở về quê

 “Chúng tớ có rất nhiều chuyện để nhớ, để kể…Nhưng nhớ nhất vẫn là những khó nhọc của mọi người ở nơi đây. Sự chân thật của họ, khiến chúng tớ chẳng thể nào quên”.  

Ngày qua ngày, rất âm thầm, Hảo đã ghi lại những hình ảnh ở nơi cách ly qua nét vẽ chân thật, cùng chú thích trong sáng, thể hiện sinh động cuộc sống ở nơi cách ly. Đêm hôm trước khi cùng 144 công dân hoàn thành thời gian cách ly, Hảo đã chia sẻ bí mật thầm kín của mình cùng với các cán bộ, chiến sỹ.

Đọc những tâm sự của Hảo, chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động.

“14 ngày qua,đối với con là cả sự biết ơn rất lớn. Con thương các bác, các cô chú đã vất vả vì tụi con quá nhiều, cùng tụi con ở lại chiến đấu…”.

"Có thể các cô chú sẽ quên tên con, quên mặt con, nhưng nếu con có đến lại Đà Nẵng hay nơi này một lần nữa, các cô chú sẽ nhận ra con qua những hình vẽ này".

“Con luôn tin những người hy sinh, cống hiến cho xã hội luôn có một cuộc đời đầy ý nghĩa và vô cùng đáng sống. Tất cả mọi người ở đây đang hàng ngày sống như vậy. Con thật sự khâm phục và thương tất cả mọi người”.

Cám ơn Hảo đã dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho những người hy sinh thầm lặng để đồng bào ở vùng có dịch trở về có một cảm giác bình yên, an toàn trên mảnh đất quê hương. Đó chính là niềm vui, động viên rất lớn đối với những cán bộ, chiến sỹ thành phố Đà Nẵng trên trận tuyến phòng, chống dịch.

 “Con rất mong có thể được gặp lại mọi người một lần nữa. Khi mà con đã trưởng thành hơn sau khi đi du học trở về. Khi mà mọi người vẫn ở đây, khỏe mạnh, yêu Tổ quốc như ngày hôm nay”.

Suy nghĩ của một người trẻ tuổi đã đem đến cho chúng ta một năng lượng mới, đầy tích cực hơn, để mỗi một ngày yêu cuộc sống này hơn, tự nhủ sẽ làm tốt hơn nữa công việc của mình.

Đọc những dòng suy nghĩ của Hảo, chúng tôi lại nhớ đến nhà thơ Chế Lan Viên với tác phẩm Tiếng hát con tàu, với những dòng thơ đầy cảm xúc, dạt dào tình cảm với đất nước và con người.

“Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?

Khi ta ở, chi là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!”

Thật vậy, từ bữa sáng đầu tiên ở đây, chiếc bánh mỳ gây thương nhớ với du học sinh, tự Hảo cũng chẳng thể nhận ra mình đã gắn bó với mảnh đất này. Tình cảm trong Hảo cứ âm thầm hình thành, âm thầm cho đất đã hóa tâm hồn.

Chào em, cô gái xứ Tuyên Quang. Đà Nẵng luôn sẵn lòng giang rộng vòng tay chào đón em trở về.

Một số hình ảnh trong cuốn nhật ký của Phạm Thị Hảo:

HỘI AN, Ảnh: SÔNG HÀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT