Tổ COVID-19 cộng đồng được triển khai trong suốt thời gian qua tại thành phố Đà Nẵng chính là biểu hiện sinh động của thế trận lòng dân. Tổ COVID-19 cộng đồng trở thành “lá chắn thép” trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 của thành phố.
Mô hình tổ COVID-19 cộng đồng bắt đầu được triển khai áp dụng tại ổ dịch Sơn Lôi (Vĩnh Phúc). Đây là ổ dịch lớn đầu tiên ở nước ta với 11 ca COVID-19 trên tổng số 10.600 nhân khẩu bị phong tỏa vào sáng 13/2/2000 trong suốt 21 ngày đêm. Từ Sơn Lôi, mô hình tổ COVID-19 cộng đồng được triển khai rộng khắp.
Tháng 7-2020, thành phố Đà Nẵng trở thành “tâm dịch” với hàng trăm ca mắc COVID-19 được ghi nhận, hàng chục khu vực bị phong tỏa, cách ly để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Cùng với việc phong tỏa 3 bệnh viện và khu vực dân cư ở phường Thạch Thang vào ngày 28/7/2000, 3 tổ COVID-19 cộng đồng đầu tiên của Đà Nẵng được thành lập với 25 thành viên là các tình nguyện viên đang sinh sống tại khu dân cư đang phong tỏa để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.
Ngay lập tức, các chuyên gia của Bộ Y tế đã vào khu vực phong tỏa tổ chức tập huấn cho các thành viên của tổ phòng chống dịch bệnh.
Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, các thành viên tổ COVID cộng đồng đã và đang trở thành lực lượng hỗ trợ đắc lực của địa phương trong thực hiện truyền thông, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng chống dịch
Phát huy mô hình này, thành phố Đà Nẵng đã thành lập hơn 2.200 tổ COVID-19 cộng đồng với với hàng chục nghìn thành viên tham gia nhằm chủ động và tăng cường hiệu quả công tác giám sát, theo dõi sức khỏe cộng đồng, kịp thời áp dụng các biện pháp cách ly và can thiệp y tế phù hợp. Thành phần tổ COVID-19 cộng đồng là bí thư chi bộ, tổ trưởng, tổ phó các khu dân cư, tổ dân phố, ban công tác Mặt trận và các đoàn thể ở khu dân cư và sự tham gia trách nhiệm của các công dân.
Hằng ngày, tổ COVID-19 cộng đồng "đi từng ngõ, gõ từng nhà" thực hiện tuyên truyền, vận động, chuyển tải đến người dân các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Đặc biệt, tổ COVID-19 cộng đồng của các địa phương trên địa bàn thành phố đã phát huy vai trò giám sát, hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, tự đo thân nhiệt, chủ động khai báo y tế, đi xét nghiệm sàng lọc khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, hỗ trợ tuyến y tế cơ sở, giúp nâng cao rõ rệt năng lực xét nghiệm của ngành Y tế thành phố, góp phần ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh.
Không dừng ở đó, có lúc họ vào vai những người giao hàng đến tận cửa cho người dân; có lúc đóng vai người đi chợ mua lương thực, thực phẩm, mua thuốc giúp dân.
Chuyên gia của Bộ Y tế tập huấn cho tổ phòng chống dịch bệnh trong khu phong tỏa
Đi qua những ngày tháng dịch giã, những thành viên của tổ COVID-19 cộng đồng bất kể thời gian, mặc cho nắng, mưa, vẫn lặng thầm len lỏi trên từng con phố, từng ngõ nhỏ của thành phố, trao tận tay những phần quà, suất lương thực hỗ trợ cho người dân. Tất cả vì mục tiêu không để bất kỳ người dân, hộ gia đình nào thiếu lương thực, thực phẩm trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội.
Khó có thể nói hết những vất vả, những hy sinh lặng thầm của họ - những thành viên của tổ COVID-19 cộng đồng. Nhưng với tinh thần tự nguyện vì cộng đồng, họ đã góp phần quan trọng giúp thành phố trong công tác kiểm soát, hạn chế sự bùng phát của dịch bệnh ra diện rộng, đảm bảo an sinh xã hội trong suốt thời gian cả thành phố chiến đấu với dịch bệnh COVID-19.
Từng bao gạo, hộp trứng, rau quả được các thành viên Tổ COVID-19 cộng đồng chuyển đến tận tay các gia đình trong thời gian các khu dân cư phường Thạch Thang bị phong tỏa hồi tháng 7-2020
Mặt khác, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng cùng với quá trình đô thị hóa, sự phát triển của công nghệ đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân theo chiều hướng tiện nghi hơn và thuận lợi. Tuy nhiên, cùng với tiến trình này là quá trình tan rã cấu hình xã hội ở cấp cộng đồng khu xóm, các liên kết xã hội cũng trở nên lỏng lẻo, năng lực thích nghi và ứng phó với rủi ro khi gặp thiên tai, dịch bệnh bị suy giảm ít nhiều.
Chính vì thế, trong bối cảnh chống chọi với dịch bệnh và sự ra đời của tổ COVID-19 cộng đồng đã góp phần gắn kết xã hội, giúp các liên kết xã hội dần trở nên chặt chẽ, cũng như tăng cường năng lực thích nghi và ứng phó của cộng đồng dân cư trước thiên tai và dịch bệnh trước bối cảnh xã hội có nhiều biến đổi.
Có thể khẳng định, trong trận chiến với “giặc” COVID - 19 một trận chiến không có tiếng súng và chưa có tiền lệ, tổ COVID-19 cộng đồng được triển khai ở Đà Nẵng và các địa phương trên cả nước chính là vũ khí “độc đáo”, đó cũng là minh chứng cụ thể, sinh động của mối quan hệ khắng khít giữa chính quyền với nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.
XUÂN HÒA