Tổng quan về thành phố Đà Nẵng
Trong lịch sử dân tộc, Đà Nẵng được biết đến không chỉ là một thành phố cảng lớn nhất miền Trung Việt Nam mà còn là một địa danh gắn liền với công cuộc mở mang bờ cõi Đại Việt từ nhiều thế kỉ trước.
Theo ngôn ngữ Chăm, địa danh “Đà Nẵng” có thể được giải thích là “sông lớn”, “cửa sông lớn”. Địa danh này đã được ghi chú trên các bản đồ được vẽ từ thế kỷ XVI trở đi. Điều đó có nghĩa, từ rất sớm, trong cách hình thành tên gọi, tính chất cửa sông lớn, tính chất cảng thị đã được lưu ý như một điểm quan trọng của thành phố.
Theo lịch sử ghi chép lại, vào thời kỳ cổ đại, Đà Nẵng từng là một phần của vương quốc Champa, một quốc gia cổ xưa hưng thịnh ở miền Trung Việt Nam. Đây là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng, nằm ở cửa ngõ ra biển Đông, nơi diễn ra hoạt động giao thương sôi động với các nước láng giềng.
Sau cuộc Nam tiến của nhà Lê vào thế kỷ XV, đặc biệt là dưới triều đại vua Lê Thánh Tông, vùng đất này chính thức được sáp nhập vào Đại Việt và trở thành một phần của xứ Quảng Nam.
Đến giữa thế kỷ XVI, khi Hội An là trung tâm buôn bán sầm uất ở phía nam thì Đà Nẵng nằm ở vị trí tiền cảng với vai trò trung chuyển hàng hóa, tu sửa tàu thuyền.

Đầu thế kỷ XVIII, vị trí tiền cảng của Đà Nẵng dần dần trở thành thương cảng thay thế cho Hội An, nhất là khi kỹ thuật đóng tàu ở châu Âu phát triển; những loại tàu thuyền lớn, đáy sâu có thể ra vào vịnh Đà Nẵng dễ dàng.
Với vị trí chiến lược quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự an nguy của kinh đô Phú Xuân, Đà Nẵng là một quân cảng và một thương cảng quan trọng bậc nhất của triều Nguyễn. Ngay sau khi thành lập, vương triều Nguyễn đã chú trọng xây dựng tại đây một hệ thống quản lý và phòng thủ cảng biển đặc biệt.
Năm 1813, triều đình sai Nguyễn Văn Thành lập pháo đài Điện Hải và đồn An Hải nằm hai bên tả hữu sông Hàn để quan sát ngoài biển và phòng thủ Đà Nẵng. Trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Nam được chuyển từ Dinh Chiêm (gần Hội An) ra đại đồn La Qua (Vĩnh Điện). Năm 1835 (Minh Mạng thứ 15) đồn đổi tên là thành Điện Hải.
Năm 1858, cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu bằng cuộc tấn công vào Đà Nẵng.
Ngày 17-8-1887, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh thành lập ba thành phố ở Việt Nam là Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Ngày 3-9-1887, Vua Đồng Khánh buộc phải ký một đạo dụ gồm 3 khoản quy định rõ "... Đà Nẵng được chính phủ Đại Nam kiến lập thành nhượng địa Pháp và nhượng trọn quyền cho chính phủ Pháp, và chính phủ Đại Nam từ bỏ mọi quyền hành trên lãnh thổ đó".
Sau khi thành lập Liên bang Đông Dương thì Pháp tách Đà Nẵng khỏi Quảng Nam với tính cách là một nhượng địa (concession) và đổi tên thành Tourane. Đơn vị hành chính này chịu sự cai quản trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương thay vì triều đình Huế – tuy thị trấn này nằm trong xứ Trung Kỳ.

Đầu thế kỷ 20, Tourane được Pháp xây dựng thành một đô thị hiện đại theo kiểu Tây phương. Cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật sản xuất được đầu tư mạnh mẽ, các ngành nghề sản xuất và kinh doanh phát triển nhanh chóng, biến Tourane thành một trong ba trung tâm thương mại quan trọng nhất cả nước, cùng với Hải Phòng và Sài Gòn.
Năm 1950, Pháp trao trả Đà Nẵng cho chính quyền Bảo Đại.
Tháng 3-1965, các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và thiết lập ở đây một căn cứ quân sự hỗn hợp lớn. Năm 1967, Đà Nẵng được Mỹ ngụy ấn định là thành phố trực thuộc Trung ương và xác định mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa cho vùng I và II chiến thuật.
Trong kháng chiến chống Mỹ, các căn cứ địa ở Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành nơi đóng trú của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo các cấp. Với vai trò là địa bàn đóng trú của các cơ quan đầu não kháng chiến, căn cứ địa cách mạng ở Quảng Nam -Đà Nẵng cũng là nơi diễn ra nhiều hội nghị đề ra những chủ trương, quyết định quan trọng của cuộc kháng chiến.
Năm 1975, hòa bình lập lại, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng bắt tay vào khôi phục những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh. Mặc dù còn lắm khó khăn nhưng công cuộc phục hồi và phát triển thành phố đã đạt nhiều thành quả, nhất là thời kỳ đổi mới, sau 1986.
Ngày 6-11-1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã thông qua Nghị quyết cho phép tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.
Thành phố Đà Nẵng được tái lập trực thuộc Trung ương, gồm 7 đơn vị hành chính quận, huyện: Hải Châu, Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và 2 huyện Hoà Vang, Hoàng Sa; có diện tích 1.284,9 km2, số dân 663.115 người, với 47 phường, xã.
Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam có 14 huyện gồm Giằng (nay là huyện Nam Giang), Hiên (nay là Đông Giang và Tây Giang), Đại Lộc, Phước Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức, Tiên Phước, Trà My (nay là Bắc Trà My và Nam Trà My), Núi Thành và 2 thị xã: thị xã Tam Kỳ (nay là thành phố tỉnh lị Tam Kỳ và huyện Phú Ninh) và thị xã Hội An (nay là thành phố Hội An).
Ngày 1-1-1997, sự kiện lịch sử chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương gồm tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã mở ra thời kỳ phát triển mới đối với Đảng bộ và Nhân dân 2 địa phương.

Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, ngày 12-6-2025, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025. Theo đó, sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thành phố Đà Nẵng (cũ) và tỉnh Quảng Nam để thành lập thành phố Đà Nẵng mới.
Thành phố Đà Nẵng mới có diện tích tự nhiên 11.859,59 km2, quy mô dân số 3.065.628 người. Phía Bắc giáp thành phố Huế, phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Tây giáp nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, phía Đông giáp Biển Đông. Đà Nẵng là địa phương có diện tích lớn nhất trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Thành phố Đà Nẵng có 94 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 23 phường, 70 xã và 1 đặc khu Hoàng Sa. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại phường Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Sau sáp nhập, thành phố Đà Nẵng sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông – logistics đồng bộ và đa dạng hàng đầu cả nước. Trong đó, có 2 sân bay: Sân bay quốc tế Đà Nẵng – cửa ngõ vùng duyên hải miền Trung và sân bay Chu Lai – trung tâm logistics – công nghiệp phía Nam.
Đà Nẵng cũng sở hữu hệ thống cảng biển nước sâu: Cảng Tiên Sa, Cảng Liên Chiểu, Cảng Chu Lai, Cảng Kỳ Hà và Cảng Trường Hải, tạo trục logistics kết nối từ Bắc Trung Bộ đến Nam Trung Bộ và điểm đầu của các tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Hệ thống đường sắt, quốc lộ 1, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến đường ven biển xuyên suốt, kết nối nhanh chóng giữa các vùng đô thị – công nghiệp – nông thôn. Trong đó, Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một trong các tuyến giao thông quan trọng, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, thúc đẩy giao thương, kết nối nhanh chóng giữa các khu kinh tế trọng điểm miền Trung.
Với vị thế là trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Đà Nẵng đang phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin với các khu công nghiệp đang hoạt động ổn định, nổi bật là Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Khu kinh tế mở Chu Lai và các cụm công nghiệp sắp được đưa vào hoạt động.

Lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo cũng đang mở ra hướng phát triển mới cho thành phố. Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều chương trình hành động, hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực về công nghệ, vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Đặc biệt, Đà Nẵng đang chuẩn bị thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng và Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam đặt tại thành phố Đà Nẵng.

Theo định hướng, việc phát triển Khu Thương mại tự do Đà Nẵng sẽ gắn với Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại Đà Nẵng với các dịch vụ tài chính quốc tế, các dịch vụ liên quan đến Fintech, ngân hàng số, các sản phẩm tài chính gắn với tài sản số, tài sản mã hóa blockchain và trí tuệ nhân tạo. Từ đó sẽ hình thành nên một hệ sinh thái kinh tế hiện đại, thông minh, có tính cạnh tranh cao, tạo sức lan tỏa lớn, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Góp phần phát triển kinh tế phía Tây thành phố, thủ phủ sâm Ngọc Linh ở độ cao hơn 1.600m với loại sâm quý hiếm bậc nhất thế giới. Phát triển sâm Ngọc Linh không chỉ để làm giàu mà còn gắn liền với bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thành phố Đà Nẵng cũng sở hữu những thế mạnh riêng có trong lĩnh vực du lịch – dịch vụ. Nói đến Đà Nẵng là phải nói đến những di sản văn hoá vật thể tiêu biểu và độc đáo thu hút du khách.

Thành phố Đà Nẵng là nơi duy nhất sở hữu cùng lúc 2 Di sản văn hóa thế giới là Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn và 1 Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, tạo nên “tam giác vàng” về sinh thái – văn hóa – du lịch.
Cùng với đó là 2 di tích quốc gia đặc biệt (Thành Điện Hải và danh thắng Ngũ Hành Sơn), 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 6 bảo vật quốc gia được công nhận, 72 di tích quốc gia và 351 di tích cấp thành phố và hàng trăm lễ hội dân gian tiêu biểu cùng nhiều di sản phi vật thể khác có giá trị, như: về âm nhạc có Tuồng, hát bài chòi, hò bả trạo; nghệ thuật ẩm thực; những tri thức dân gian; làng nghề truyền thống...

Đà Nẵng cũng sở hữu nhiều bãi tắm đẹp như Mỹ Khê, Non Nước, Cửa Đại, An Bàng, Hà My, Tam Thanh; các điểm đến như Bà Nà Hills, Da Nang Dowtown, Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa, bán đảo Sơn Trà, Rừng dừa Bảy Mẫu, Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An… cùng các khu nghỉ dưỡng cao cấp, hệ thống khách sạn, resort dọc theo bờ biển mang đến nhiều lựa chọn cho du khách. Cách không xa Cù Lao Chàm, hòn đảo xanh ngọc giữa biển Đông, Khu dự trữ sinh quyển thế giới là Đặc khu Hoàng Sa biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền biển đảo Việt Nam, thuộc thành phố Đà Nẵng.

Không chỉ được biết đến là một thành phố trẻ, năng động, Đà Nẵng còn nỗ lực gìn giữ, phát huy giá trị của những làng nghề truyền thống trăm năm tuổi: mắm Nam Ô thơm nồng vị biển khơi, Bánh tráng Túy Loan món quà quê giản dị, đúc đồng Phước Kiều nổi tiếng với những khuôn đồng tinh xảo, mộc Kim Bồng ghi dấu bằng những sản phẩm mộc chạm trổ khéo léo. Tất cả hòa quyện, tạo nên một bức tranh làng nghề rực rỡ và sống động giữa lòng thành phố mới...
Đầu tư cho y tế, giáo dục bảo đảm cuộc sống có chất lượng cao cho người dân là một mục tiêu quan trọng trong những nỗ lực của thành phố.
Ngành Y tế thành phố Đà Nẵng đã vươn lên mạnh mẽ, không ngừng phát triển và hội nhập sâu rộng, hướng đến mục tiêu trở thành hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu, khám, điều trị bệnh chất lượng cao của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch y tế. Thông qua các đề án đào tạo ekip, chuyên sâu, hợp tác trong và ngoài nước, nhiều kỹ thuật y tế tiên tiến, hiện đại được ứng dụng, chuyển giao thành công tại các bệnh viện tuyến cuối của thành phố như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Bệnh viện Ung bướu, giảm chuyển gửi bệnh nhân lên trung ương, đi nước ngoài cũng như đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân thành phố và khu vực.
Thành phố cũng tập trung nguồn lực để đầu tư cho giáo dục, từ xây dựng trường học đến hoàn thiện chính sách, với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đà Nẵng nằm trong số ít các địa phương có nhiều trường đại học (hơn 20 trường Đại học, cơ sở đào tạo ĐH), có lực lượng sinh viên đông đảo. Đây là lợi thế lớn, đặc thù riêng có để phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không những có ý nghĩa chiến lược đối với yêu cầu phát triển thành phố mà còn đối với đất nước trong “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
CỔNG TTĐT TP

Sáp nhập 2 trường cao đẳng, đổi tên thành Trường Cao đẳng Đà Nẵng
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn ký Quyết định số 1867/QĐ-BGDĐT ngày 3-7-2025, sáp nhập nguyên trạng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng vào Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng và đổi tên thành Trường Cao đẳng Đà Nẵng.
Video: Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố ngày 1-7
Xếp hạng Cụm di tích Đình và Miếu Bà La Bông là di tích Lịch sử cấp thành phố; Triển khai chính thức Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố từ ngày 01 tháng 07 năm 2025; Công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố; Ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp tại khu vực bờ Nam cửa sông Cu Đê; Giao đất để xây dựng trụ sở Chi cục Thống kê khu vực Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn…là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố ngày 1-7.
Video: Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố ngày 30-6
Triển khai Quyết định Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Một cửa và Cổng Dịch vụ công quốc gia; Ban hành Kế hoạch ứng phó và khắc phục bão đối với cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng năm 2025; Đảm bảo nguồn nguyên liệu đất san lấp và đá xây dựng; Ban hành Kế hoạch triển khai đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”; Tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Triển khai Đề án quản lý tổng thể cảng cá, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang gắn với du lịch, dịch vụ; Gia hạn thời gian thuê đất của Công ty CP Hoa Kỳ… là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố ngày 30-6.

Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố ngày 2-7
Thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố Đà Nẵng; Phân công công tác của Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND thành phố nhiệm kỳ 2021 – 2026; Hơn 6,7 tỷ đồng đầu tư nâng cấp nhà vệ sinh công cộng ven biển tuyến đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa; Gần 06 tỷ đồng đầu tư bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích Đình Đa Phước và Mộ Bình hương xử sĩ Mạc Trường Thành; 02 thủ tục hành chính trong giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp xã thuộc phạm vi chức năng quản lý của Thanh tra thành phố…là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố ngày 2-7.

Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố ngày 30-6
Triển khai Quyết định Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Một cửa và Cổng Dịch vụ công quốc gia; Ban hành Kế hoạch ứng phó và khắc phục bão đối với cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng năm 2025; Đảm bảo nguồn nguyên liệu đất san lấp và đá xây dựng; Ban hành Kế hoạch triển khai đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”; Tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Triển khai Đề án quản lý tổng thể cảng cá, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang gắn với du lịch, dịch vụ; Gia hạn thời gian thuê đất của Công ty CP Hoa Kỳ… là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố ngày 30-6.
Chưa có bình luận ý kiến bài viết!