Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2024
Đăng ngày 25-11-2024 10:40, Lượt xem: 12

Điều kiện, thủ tục thành lập trường mầm non; Xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh; Sửa một số quy định về liên kết giáo dục; Quy định 5 hình thức giám sát cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; Phạt tới 30 triệu đồng đối với trường hợp xúc phạm danh dự người có thẩm quyền tố tụng … là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2024.

Điều kiện, thủ tục thành lập trường mầm non

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 125/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; trong đó quy định rõ điều kiện, thủ tục thành lập trường mầm non.

Theo đó, Nghị định số 125/2024/NĐ-CP quy định điều kiện thành lập nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non công lập hoặc cho phép thành lập nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non dân lập, tư thục (gọi chung là trường mầm non) như sau:

- Có đề án thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non phù hợp với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan của địa phương nơi trường đặt trụ sở.

- Đề án xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục mầm non; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy; nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển trường mầm non.

Ngoài ra, Nghị định số 125/2024/NĐ-CP cũng nêu rõ, trường mầm non bị đình chỉ hoạt động giáo dục khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục; Người cho phép hoạt động giáo dục không đúng thẩm quyền; Không triển khai hoạt động giáo dục trong thời hạn 01 năm kể từ ngày được phép hoạt động giáo dục; Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ hoạt động giáo dục…

Nghị định số 125/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 20/11/2024.

Xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh

Có hiệu lực từ ngày 4/11/2024, Thông tư số 11/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập.

Cụ thể, Thông tư số 11/2024/TT-BGDĐT quy định viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh được áp dụng bảng lương viên chức tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP như sau:

- Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng III (mã số V.07.07.24) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

- Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng II (mã số V.07.07.23) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;

- Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng I (mã số V.07.07.22) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

Sửa một số quy định về liên kết giáo dục

Từ ngày 20/11/2024, quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục được áp dụng theo Nghị định số 124/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP.

Cụ thể, Nghị định số 124/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tập trung vào các quy định về liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài. Trong đó, Nghị định số 124/2024/NĐ-CP yêu cầu các bên liên kết có trách nhiệm công khai đầy đủ, chính xác, rõ ràng cho học sinh, cha mẹ học sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục các thông tin về chương trình giáo dục và kết quả kiểm định, số lượng giáo viên người nước ngoài, số lượng học sinh nước ngoài, phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, các nội dung khác theo quy định của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm về sự chính xác của những thông tin này.

Ngoài ra, Nghị định số 124/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung quy định về liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Theo đó, đối tượng liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ gồm:  Cơ sở giáo dục đại học được thành lập, hoạt động hợp pháp tại Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học được thành lập, hoạt động hợp pháp ở nước ngoài đáp ứng quy định tại khoản 3 Điều 45 Luật Giáo dục đại học.

Về chương trình đào tạo, Nghị định số 124/2024/NĐ-CP nêu rõ: chương trình đào tạo của nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam phải bảo đảm các yêu cầu sau:

- Là chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, được cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép đào tạo và cấp bằng hoặc có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng còn hiệu lực do tổ chức kiểm định chất lượng hợp pháp cấp.

- Không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Quy định 5 hình thức giám sát cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại  Thông tư số 46/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Theo đó, về các hình thức giám sát của Nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Thông tư số 46/2024/TT-BCA quy định các hình thức sau:

- Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng Công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng;

- Qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật;

- Tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ;

- Kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

- Quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Đồng thời, Thông tư số 46/2024/TT-BCA cũng nêu rõ, việc giám sát của Nhân dân phải đảm bảo các điều kiện sau: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi công vụ; Không được vào khu vực thực thi công vụ quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 67/2019/TT-BCA (sửa đổi tại điểm a khoản 1 Điều 1 Thông tư 46/2024/TT-BCA), trừ người có quyền và nghĩa vụ liên quan và tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Thông tư số 46/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 15/11/2024.

Phạt tới 30 triệu đồng đối với trường hợp xúc phạm danh dự người có thẩm quyền tố tụng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 117/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Theo đó, Nghị định số 117/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung hình thức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Đồng thời, luật sư xúc phạm người tiến hành tố tụng còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 06 tháng đến 09 tháng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.

Áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 47/2024/TT-NHNN sửa đổi khoản 3 Điều 3 Thông tư số 04/2022/TT-NHNN ngày 16/6/2022 quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, Thông tư số 47/2024/TT-NHNN quy định về mức lãi suất áp dụng khi khách hàng rút tiền gửi trước hạn như sau: khách hàng rút trước hạn toàn bộ số tiền gửi, tổ chức tín dụng sẽ áp dụng mức lãi suất tối đa bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó, theo từng đối tượng khách hàng hoặc loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn.

Thông tư số 47/2024/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2024.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT