Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đã biến những khó khăn trở thành cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Từ chủ trương, chính sách đến thực tế
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với mục tiêu tổng quát “Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số, phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái”.
Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đã chỉ rõ: "Phát triển mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Thực hiện chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh, tổ chức xã hội” và “Đổi mới mạnh mẽ cơ chế hoạt động nghiên cứu, quản lý khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao phù hợp với cơ chế thị trường, nâng cao tính tự chủ của các đơn vị nghiên cứu khoa học, công nghệ công lập. Quan tâm đầu tư đúng mức nghiên cứu khoa học cơ bản; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số”. Đây là một trong những khâu quan trọng để nền kinh tế số có thể hình thành và phát triển. Đây cũng là một trong nhiều nét mới trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII lần này. |
Từ chủ trương này, chương trình chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột chính: Chính phủ số; Kinh tế số; Xã hội số đã có sự thay đổi lớn trong năm 2020. Nhất là khi xảy ra dịch COVID-19 vào đầu năm 2020, thích ứng với tình hình mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ. Trong đó, đáng chú ý là sự chuyển biến về nhận thức từ các cấp, các ngành đến người dân để duy trì cuộc sống bình thường trong điều kiện mới.
Mô hình đô thị thông minh đang được một số thành phố lớn tại Việt Nam nghiên cứu triển khai.
Đợt giãn cách xã hội từ đầu năm 2020 đã giúp cho nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam làm quen với khái niệm học trực tuyến. Ban đầu, việc học được các giáo viên, trường học triển khai qua các ứng dụng họp trực tuyến như Zoom, Webex.
Nhiều trường chủ động triển khai hệ thống học trực tuyến kết hợp với quản trị nhà trường và đã mang lại hiệu quả rõ nét. Đơn cử như trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội, việc kết hợp hợp trực tuyến và trực tiếp đã rút ngắn thời gian học lý thuyết, mở rộng không gian trao đổi kiến thức với đối tác. Không chỉ xuất hiện trong các phòng học online, học sinh đã có thể chủ động về thời gian học bằng cách đăng nhập vào hệ thống, xem các bài giảng được thầy cô ghi hình từ trước, làm bài kiểm tra và nhận kết quả tự động.
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội cho biết: Dựa vào hệ thống này, nhà trường đánh giá hiệu quả từng bài học, sự tham gia của học sinh, sinh viên; mức độ tương tác giữa thầy và trò. Từ đó đánh giá hiệu quả công tác giảng dạy, học tập của học sinh, sinh viên.
Về thương mại, những người làm kinh doanh cũng đã có sự thích ứng nhanh khi ứng dụng thương mại điện tử vào bán hàng. Khi tìm kiếm cụm từ “Cá kho làng Vũ Đại”, kết quả trả về không chỉ là website những nhà hàng mà còn là fanpage Facebook của từng gia đình. Nhiều người dân làng Đại Hoàng (Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) từ vài năm nay không chỉ tập trung tạo ra nồi cá kho ngon hơn. Họ cũng đã đầu tư cho việc thiết kế bao bì cho từng nồi cá kho, tiếp đó là phát triển fanpage, làm SEO cho website của từng gia đình. Cùng việc kết hợp với các dịch vụ vận chuyển, nồi cá kho của người dân làng đã được đưa tới khách hàng với chất lượng tốt nhất. Toàn bộ việc theo dõi vị trí đơn hàng, lưu thông tin khách hàng được nhiều hộ gia đình quản lý như những hệ thống CRM (quản lý khách hàng) của các công ty bán lẻ chuyên nghiệp. Áp dụng những cách bán hàng mới chính đã giúp thương hiệu sản phẩm đi xa hơn, người dân bán được nhiều hàng với giá trị cao hơn. Đó cũng làm cách làm của nhiều đơn vị kinh doanh để thích ứng với tình hình mới,
Trong khi đó, chuyển biến cũng mạnh mẽ ở cấp Chính phủ. Sau 1 năm đi vào hoạt động, mới đây Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) đã được Văn phòng Chính phủ sơ kết đánh giá với nhiều kết quả nổi bật. Sau một năm vận hành đã có hơn 2.650 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số 6.700 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 39%, vượt 9% chỉ tiêu Chính phủ giao), với hơn 99 triệu lượt truy cập, hơn 412.000 tài khoản đăng ký; hơn 27,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 719.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến và hơn 46.000 giao dịch thanh toán điện tử; tiếp nhận, hỗ trợ hơn 9.600 phản ánh, kiến nghị; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng 8.000 tỷ đồng/năm.
Thời gian tới, Cổng DVCQG sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ với dịch vụ thanh toán trực tuyến; đẩy mạnh tích hợp thanh toán trực tuyến với các dịch vụ thanh toán thiết yếu liên quan đến thuế nội địa, xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý, viện phí, học phí và với ít nhất 50% số lượng thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính; đồng thời, nâng tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG tối thiểu 25% trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công.
Tiếp tục tăng tốc chuyển đổi số
Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, một trong những thành công lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020 là phổ cập toàn diện nhận thức về chuyển đổi số cho xã hội. Trong đại dịch COVID-19, mức độ quan tâm, tìm hiểu về Chuyển đổi số cũng đã tăng gấp 10 lần so với đầu năm 2020.
Để phòng chống dịch COVID-19, người dân đã chủ động cài đặt ứng dụng để khai báo, và rà quét những người tiếp xúc gần với người nghi nhiễm COVID-19. Thống kê cho thấy, 23 triệu người dân đã dùng ứng dụng công nghệ để chống dịch. Đây sẽ là lực lượng "công dân số" nòng cốt, có vai trò quan trọng trong việc lan tỏa chuyển đổi số cho toàn xã hội.
Chương trình Chuyển đổi số sẽ tiếp tục được các địa phương đẩy mạnh.
Với lĩnh vực y tế, Việt Nam đã triển khai hơn 1.500 điểm khám chữa bệnh từ xa được kết nối, triển khai phần mềm quản lý cơ sở y tế phủ khắp 12.000 trạm y tế. Nếu không có khám chữa bệnh từ xa, việc chuyển tuyến có thể mất 6 giờ và người bệnh có thể tử vong.
Trong lĩnh vực giáo dục, cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo đã có thông tin của 53.000 trường học, 1,4 triệu giáo viên, 23 triệu học sinh. 80% học sinh, sinh viên học trực tuyến trong giai đoạn cao điểm của đại dịch COVID-19, cao hơn mức trung bình của các nước là 67,15%.
Năm 2020 cũng là năm có nhiều nền tảng quan trọng phục vụ Chuyển đổi số được hình thành. Theo thống kê của Cục Tin học hóa, đã có 38 nền tảng chuyển đổi số Make in Vietnam được ra mắt trong năm 2020 ở đa dạng các lĩnh vực, từ chính phủ, y tế, giáo dục, tới du lịch, thương mại,…. Nhiều nền tảng trong số này đã được đánh giá cao bởi hội đồng giám khảo giải thưởng Make in Việt Nam. Đây là sẽ là các nền tảng quan trọng phục vụ cho Chính phủ số.
Năm 2021, Bộ TTTT xác định phải tăng tốc thực hiện chuyển đổi số trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, mọi tổ chức, doanh nghiệp và từng địa phương.
Trong năm tới, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản của chính phủ điện tử, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để chuyển sang xây dựng Chính phủ số. Hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trên phạm vi toàn quốc 2 CSDL quốc gia lớn là dân cư và đất đai.
Trong năm 2021, Bộ TTTT sẽ thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số. Chương trình này sẽ thường xuyên đánh giá hiệu quả, khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để liên tục điều chỉnh, đáp ứng mục tiêu đề ra. Đây cũng là năm Việt Nam thực hiện các sáng kiến mở để phát triển và làm chủ công nghệ số đã được đặt ra trong Diễn đàn Vietnam Open Summit 2020.
Mỗi lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số quốc gia sẽ xác định ra những nền tảng quan trọng để xây dựng và triển khai trên toàn quốc. Những nền tảng cốt lõi phục vụ kinh tế số, xã hội số cũng cần phải được tiếp tục hoàn thành. Đó là nền tảng định danh số trên thiết bị di động, nền tảng thương mại điện tử, logistic, nền tảng thanh toán trên di động mobile money.
Những mục tiêu của Chuyển đổi số phù hợp với định hướng trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII: "Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh".