Đà Nẵng: Chuyển đổi số là động lực phát triển
Đăng ngày 08-12-2021 16:10, Lượt xem: 67

Theo Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 của Thành ủy Đà Nẵng về chuyển đổi số trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành cơ bản chuyển đổi số, hình thành thành phố thông minh; thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước.

Theo Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 của Thành ủy Đà Nẵng về chuyển đổi số trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành cơ bản chuyển đổi số, hình thành thành phố thông minh; thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước.

Từ năm 2010, Đà Nẵng đã xác định Công nghệ Thông tin – Truyền Thông (CNTTTT) là một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Đà Nẵng đã ban hành các chủ trương, chính sách quan trọng làm nền tảng để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, cũng như đặt nền tảng ban đầu về chuyển đổi số.

Chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số phục vụ tốt hơn các nhu cầu của doanh nghiệp, người dân là mục tiêu mà Đà Nẵng đã và đang đề ra. Với tiềm năng, kinh nghiệm, lợi thế sẵn có cùng những nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, Đà Nẵng đã đạt được những kết quả đầy tích cực trên hành trình chuyển đổi số.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, chuyển đổi số là động lực để giải quyết “điểm nghẽn” trong phát triển thành phố, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị trong nước và khu vực ASEAN. “Thành phố xác định quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, trong đó, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thực thi công vụ là cốt lõi; lấy xây dựng chính quyền số làm động lực và dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định.

Thuận lợi đối với Đà Nẵng trên hành trình chuyển đổi số là kế thừa những kinh nghiệm và kết quả cơ bản từ 10 năm triển khai chính quyền điện tử và hai năm triển khai thành phố thông minh, với nền công nghiệp công nghệ thông tin đã dần hình thành.

Theo báo cáo, Đà Nẵng hiện là địa phương có tỷ lệ dân cư sống trong khu vực thành thị cao nhất nước (khoảng 88%), và tỉ lệ người sử dụng điện thoại di động đứng đầu cả nước, với tỉ lệ 276 máy/100 dân, 99,8% hộ gia đình có kết nối Internet và 99,4% người dân được tiếp cận, sử dụng Internet. 100% trường học các cấp đã kết nối Internet băng rộng và sử dụng phần mềm quản lý trường học.

Với hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, Đà Nẵng đã hoàn thành phủ sóng mạng 3G, 4G, Internet băng rộng cố định; đầu tư hệ thống wifi công cộng với 430 trạm thu phát sóng (AP) chuyên dụng của thành phố cùng khoảng 1.000 trạm của doanh nghiệp phủ sóng tại tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường, các khu vực trung tâm của thành phố, các địa điểm du lịch và khu vực công cộng để tạo điều kiện cho tổ chức, người dân và du khách có thể dễ dàng kết nối, sử dụng dịch vụ của các cơ quan nhà nước và kết nối Internet.

Ngoài ra, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) nền như CSDL công dân (hơn 1,3 triệu dữ liệu, đạt 100% so với dân số); CSDL doanh nghiệp (44.000 dữ liệu, đạt 100%); CSDL nhân hộ khẩu (267.695 dữ liệu hộ khẩu, đạt 96% và 1.021.822 bản ghi nhân khẩu, đạt 96%); Triển khai xây dựng 23 Hệ thống CSDL và phần mềm quản lý nhà nước chuyên ngành của các sở, ngành và các quận, huyện nhằm mô phỏng toàn bộ hoạt động, quy trình nghiệp vụ quản lý nhà nước trong nội bộ của cơ quan, địa phương.

Từ tháng 7/2014, thành phố đã xây dựng và đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố và triển khai các ứng dụng dùng chung phục vụ hoạt động nội bộ của các cơ quan thành phố như Hệ thống thư điện tử, phần mềm một cửa điện tử (áp dụng cho 100% hồ sơ dịch vụ hành chính công), phần mềm quản lý văn bản và điều hành, ứng dụng chữ ký số (gửi, nhận liên thông văn bản 4 cấp chính quyền; 95% văn bản điện tử gửi liên thông không gửi kèm bản giấy), Phần mềm quản lý nhân hộ khẩu, Phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức,..

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 25 trường Đại học và Cao đẳng có Khoa Công nghệ thông tin. Nhờ đó, mỗi năm, Đà Nẵng được bổ sung nguồn nhân lực về CNTT lên đến 5.000 người. Số lượng doanh nghiệp CNTT của Đà Nẵng hiện có là 2,5 doanh nghiệp chuyển đổi số/1.000 dân, đây là con số cao hơn chỉ tiêu của Bộ, mang lại lợi thế chuyển đổi số cho thành phố./.

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT