Tên thường gọi: Danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Tên này có từ năm Minh Mạng thứ 18 (1837) khi vua Minh Mạng dựa vào cấu tạo, vị trí tự nhiên của núi và thuyết âm dương ngũ hành đã đặt tên lần lượt cho các ngọn núi là: Kim Sơn – Mộc Sơn – Thủy Sơn – Hỏa Sơn – Thổ Sơn (riêng Hỏa Sơn có 2 ngọn núi gần kề nên được gọi là Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn) và tên gọi chung cho quần thể là Ngũ Hành Sơn.
Theo truyền thuyết dân gian được người dân Đà Nẵng lưu truyền đến ngày hôm nay thì 5 ngọn núi Ngũ Hành Sơn là 5 mảnh vỡ của quả trứng Rồng hóa thành.
Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn là một trong những lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng tôn giáo của đạo Phật gắn liền với danh thắng Ngũ Hành Sơn, đặc biệt là động Quan Âm - một động có chiều dài hơn 50m, chiều ngang khoảng 10m và cao từ 10 – 15m.
a) Địa điểm di tích:
Di tích – Danh thắng Ngũ Hành Sơn hiện tọa lạc tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
b) Đường đi đến di tích:
Danh thắng Ngũ Hành nằm cách Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng khoảng 10km về phía đông - nam.
Để đi đến di tích, có thể đi bằng đường bộ với các phương tiện thông thường như ô tô, xe máy…
Từ trung tâm thành phố theo con đường Trần Phú thì rẽ lên cầu Sông Hàn. Từ đây đi thẳng đến vòng xuyến Ngô Quyền – Phạm Văn Đồng thì rẽ phải, theo các đường Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn – Lê Văn Hiến (khoảng 8,7km) thì đã thấy cụm núi Ngũ Hành Sơn trong tầm mắt. Để đến ngọn Thủy Sơn thì từ đây rẽ trái vào đường Huyền Trân Công chúa, đi tiếp khoảng 230m là đến di tích ở bên tay phải.