Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 5/2017
Đăng ngày 10-05-2017 14:53, Lượt xem: 1247

Phạt đến 20 triệu đồng các doanh nghiệp vi phạm hành chính trong quảng cáo; Đào giếng để xả nước thải bị phạt đến 500 triệu đồng; Tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm trong hoạt động thủy sản; Không sử dụng kháng sinh trong thức ăn thủy sản; Quản lý sản xuất, kinh doanh muối là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 5/2017.

Phạt đến 20 triệu đồng các doanh nghiệp vi phạm hành chính trong quảng cáo

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Cụ thể,  các trường hợp được xử phạt vi phạm hành chính như sau:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.

- Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.

- Phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo bằng cách treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.

- Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi bán vé, thu tiền tham dự lễ hội.

- Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông; Quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đã vi phạm.

- Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định (quy định hiện hành chỉ phạt 5 đến 10 triệu).

Nghị định số 28/2017/NĐ-CP  có hiệu lực thi hành từ ngày 5/5, sửa đổi Nghị định 158/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Đào giếng để xả nước thải bị phạt đến 500 triệu đồng

Đó là nội dung nổi bật quy định tại Nghị định số 33/2017 NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản vừa ban hành, mức tiền phạt tối đa vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Cụ thể, phạt tiền từ 230 triệu đến 250 triệu đồng với cá nhân có hành vi khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng từ 12.000 m3/ngày đêm trở lên...

Phạt tiền từ 220 triệu đến 250 triệu đồng với người xả nước thải vào lòng đất thông qua giếng khoan, giếng đào và các hình thức khác nhằm đưa nước thải vào trong lòng đất.

Phạt tiền 20-30 triệu đồng với người cùng một thời điểm phụ trách kỹ thuật từ 3 đến 4 đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước...

Phạt tiền 30-40 triệu đồng đối với hành vi kê khai không trung thực thông tin trong hồ sơ năng lực lập đề án, báo cáo trong thực hiện đề án, dự án điều tra cơ bản, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước.

Phạt tiền 50-60 triệu đồng với hành vi tiếp tục khoan giếng khi gây sụt, lún đất hoặc gây sự cố bất thường khác ảnh hưởng đến công trình xây dựng và đời sống nhân dân trong khu vực thi công công trình; không xử lý, khắc phục sự cố sụt, lún đất hoặc sự cố bất thường khác ảnh hưởng đến công trình xây dựng và đời sống nhân dân trong khu vực thi công công trình.

Tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm trong hoạt động thủy sản

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 41/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản theo hướng điều chỉnh tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm.

Theo đó, Nghị định số 41/2017/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1 - 40 triệu đồng đối với hành vi khai thác, vận chuyển, thu gom, lưu giữ thủy sản nếu khối lượng các loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn kích thước cho phép khai thác vượt quá mức cho phép khai thác lẫn hoặc khai thác ngoài tự nhiên giống, loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn kích thước cho phép. (Theo Nghị định số 103/2013/NĐ-CP quy định chỉ phạt tiền từ 300 nghìn đồng - 12 triệu đồng).

Đối với hành vi vi phạm các quy định về thời gian cấm khai thác, vùng cấm, nghề cấm khai thác theo quy định của pháp luật cũng bị phạt từ 1 - 40 triệu đồng.

Đồng thời, Nghị định số 41/2017/NĐ-CP cũng điều chỉnh tăng mức phạt đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp điện từ máy phát điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác để khái thác thủy sản lên tới 50 triệu đồng (mức cũ tại Nghị định số 103/2013/NĐ-CP là 30 triệu đồng).

Nghị định số 41/2017/NĐ-CP cũng bổ sung thêm mức phạt đối với hành vi nuôi sinh trưởng, sinh sản và trồng cấy các loài thủy sinh hoang dã có nguồn gốc hợp pháp nhưng không đăng ký trại nuôi, mức phạt từ 1-7 triệu đồng tùy theo hành vi vi phạm.

Ngoài ra, Nghị định số 41/2017/NĐ-CP cũng sửa đổi phạt tiền từ 7-100 triệu đồng đối với chủ tàu cá hoặc thuyền trưởng hoặc tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác.

Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Nghị định số 41/2017/NĐ-CP ngày 05/04/2017 có hiệu lực từ ngày 20/05/2017.

Không sử dụng kháng sinh trong thức ăn thủy sản

Đây là nội dung nổi bật quy định tại Nghị định số 39/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04/04/2017 về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Theo đó, Nghị định số 39/2017/NĐ-CP quy định rõ nguyên tắc quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh như sau:

- Không sử dụng kháng sinh trong thức ăn thủy sản.

- Kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng cho gia súc, gia cầm phải có trong danh mục kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi.

- Kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích trị bệnh cho gia súc, gia cầm và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm non phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam và theo đơn của bác sỹ thú y có chứng chỉ hành nghề phòng, trị bệnh cho động vật theo quy định của pháp luật về thú y.

- Sản xuất và sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải phù hợp với từng đối tượng vật nuôi, mục đích sử dụng, thời gian sử dụng đảm bảo không gây tồn dư kháng sinh vượt mức giới hạn cho phép trong sản phẩm chăn nuôi và không gây ảnh hưởng đến kháng kháng sinh trong điều trị bệnh của con người và vật nuôi.

- Chỉ được phép sử dụng tối đa 02 loại kháng sinh trong một sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

- Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh nhằm mục đích phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm phải có bác sỹ thú y có chứng chỉ hành nghề phòng, trị bệnh cho động vật theo quy định của pháp luật về thú y.

- Thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải ghi rõ tên và hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngưng sử dụng trên bao bì hoặc tài liệu kèm theo.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2017 và thay thế Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi.

Quản lý sản xuất, kinh doanh muối

Có hiệu lực từ ngày 20/5/2017, Nghị định số 40/2017/NĐ-CP ngày 05/04/2017 quy định về quản lý sản xuất, chế biến, kinh doanh muối.

Theo đó, sản phẩm muối khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải đảm bảo chất lượng theo công bố hợp chuẩn, hợp quy đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; có bao bì, nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và an toàn thực phẩm (trừ muối công nghiệp).

Tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất, kinh doanh muối, dịch vụ phục vụ sản xuất muối, kho chứa muối được áp dụng các chính sách về tín dụng thương mại, tín dụng đầu tư và tín dụng chính sách theo các quy định hiện hành của pháp luật. Cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh muối được vay vốn tín dụng ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư kho chứa muối, máy, thiết bị sản xuất muối, dây chuyền máy, thiết bị chế biến muối được hỗ trợ 100% lãi suất vay trong 2 năm đầu, 50% lãi suất trong năm thứ 3, mức vay tối đa 100% giá trị đầu tư thiết bị sản xuất muối. Hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất vay thương mại đối với các khoản vay trung hạn, dài hạn bằng đồng Việt Nam và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị chế biến muối, mức vay tối đa bằng 70% giá trị của dự án, thời hạn vay không quá 12 năm.

 

KHÁNH VÂN

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT