Bổ sung bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội; Công chức đạt kiểm định đầu vào không cần phải thi vòng 1 khi thi tuyển công chức; Xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa; Điều kiện để khách hàng được xem xét, quyết định cấp bảo lãnh ngân hàng… là những chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 4/2023
Bổ sung bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 25/5/2016 quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo đó, từ ngày 01/4/2023, bệnh COVID-19 được bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội.
Thông tư số 02/2023/TT-BYT quy định rõ, bệnh Covid-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.
Yếu tố gây bệnh được ghi nhận tại một trong các văn bản sau: Biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với virus SARS-CoV-2 được quy định tại Phụ lục 36 ban hành kèm theo Thông tư số 02/2023/TT-BYT; văn bản cử tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm virus SARS-CoV-2 và các văn bản khác phù hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Các văn bản đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp quy định tại mục VI Mẫu 04 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị định số 44/2016/NĐ-CP; biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2016/TT-BYT.
Người lao động làm nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 bao gồm: Người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế; người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa virus SARS-CoV-2; người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm virus SARS-CoV-2; Người làm nghề, công việc trực tiếp trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh Covid-19 tại nhà, Các trường hợp là nhân viên hải quan, ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng; chiến sỹ, sĩ quan thuộc lực lượng công an; người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng chống dịch Covid-19.
Việc chẩn đoán xác định bệnh Covid-19 theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 250/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 và Quyết định số 437/QĐ-BYT về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19.
Những đối tượng trên mắc COVID-19 trong quá trình lao động, từ ngày 1/2/2020 đến trước ngày 1/4/2023, thì được lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp để khám giám định và sẽ được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo các quy định hiện hành.
Công chức đạt kiểm định đầu vào không cần phải thi vòng 1 khi thi tuyển công chức
Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 06/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Theo đó, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức áp dụng đối với người đăng ký tuyển dụng vào công chức thông qua hình thức thi tuyển.
Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức là hoạt động đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền và được tổ chức định kỳ 02 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm.
Hình thức kiểm định là thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Nội dung kiểm định gồm: hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, quản lý hành chính Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ… và đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.
Người dự tuyển trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào. Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ.
Việc tổ chức thi vòng 1 trong thi tuyển công chức tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP đến hết ngày 31/7/2024. Trong thời gian này, người đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định tại Nghị định này khi tham gia thi tuyển công chức không phải thực hiện thi vòng 1 theo quy định tại khoản 1 Điều 8 và điểm a, điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP.
Nghị định số 06/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/4/2023.
Xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa
Từ ngày 10/4/2023, việc xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa được thực hiện theo Thông tư số 02/2023/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa.
Các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-BVHTTDL được áp dụng Bảng 3 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP), cụ thể như sau:
- Chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa chính được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;
- Chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
- Chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa trung cấp được áp dụng ngạch lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
Điều kiện để khách hàng được xem xét, quyết định cấp bảo lãnh ngân hàng
Có hiệu lực từ ngày 01/4/2023, Thông tư số 11/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về bảo lãnh ngân hàng quy định điều kiện để khách hàng được xem xét, quyết định cấp bảo lãnh ngân hàng.
Cụ thể, tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNN) xem xét, quyết định cấp bảo lãnh, bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh cho khách hàng khi khách hàng đáp ứng các yêu cầu sau:
- Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định;
- Nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ tài chính hợp pháp;
- Được tổ chức tín dụng, chi nhánh NHNN cấp bảo lãnh đánh giá có khả năng hoàn trả lại số tiền mà TCTD, chi nhánh NHNN phải trả thay khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh NHNN không được bảo lãnh cho nghĩa vụ thanh toán trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành với mục đích: cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác và tăng quy mô vốn hoạt động.
Các thỏa thuận cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh ký kết và có hiệu lực trước ngày 01/4/2023 có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận, cam kết đã ký cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt…
KHÁNH VÂN