Quy định mới về quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024; Thủ tục xét tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang"; Quy chuẩn Quốc gia về phương tiện phòng cháy và chữa cháy; Quy định về giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong giáo dục nghề nghiệp; Chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên, hoa tiêu hàng hải… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2024.
Quy định mới về quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Có hiệu lực từ 22/4/2024, Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Theo đó, Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung việc tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn); 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội.
Đồng thời, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh giáo dục THPT thuộc đối tượng quy định phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Thí sinh GDTX thuộc đối tượng quy định dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Thí sinh GDTX có thể đăng ký dự thi thêm bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh và thí sinh được đăng ký dự thi môn Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông.
Cũng theo quy định tại Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT, danh mục chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn bài thi Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT: TOEFL ITP 450 điểm; TOEFL iBT 45 điểm; TOEIC (4 kỹ năng Nghe: 275, Đọc: 275, Nói: 120, Viết: 120); IELTS 4.0 điểm; B1 Preliminary; B1 Business Preliminary; B1 Linguaskill; Chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam Bậc 3...
Thủ tục xét tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang"
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 28/2024/NĐ-CP quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” và việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến.
Theo đó, Nghị định số 28/2024/NĐ-CP quy định mốc thời gian để tính khen thưởng như sau: Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp từ ngày 15 tháng 7 năm 1950 đến ngày 20 tháng 7 năm 1954; Thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ từ ngày 21 tháng 7 năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Cụ thể, nguyên tắc xét tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" được quy định tại Nghị định số 28/2024/NĐ-CP như sau: Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, có thời gian tại ngũ từ đủ 24 tháng trở lên thì được tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang"; Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, đã được công nhận liệt sĩ thì được truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".
Cũng theo Nghị định số 28/2024/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị của Thanh niên xung phong, gồm: Bản khai đề nghị xét tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang"; Một trong các giấy tờ sau đây đảm bảo tính pháp lý chứng minh là Thanh niên xung phong: Thẻ đội viên Thanh niên xung phong; Quyết định, lý lịch, trong đó ghi rõ là Thanh niên xung phong và phiên hiệu đơn vị Thanh niên xung phong; Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp trước khi Thanh niên xung phong trở về địa phương …. Đối với trường hợp được công nhận là liệt sĩ thì hồ sơ đề nghị gồm Bản khai Thanh niên xung phong hy sinh khi làm nhiệm vụ đã được công nhận là Liệt sĩ theo Mẫu số 02 tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này và bản sao y Bằng công nhận Liệt sĩ hoặc Bằng Tổ quốc ghi công hoặc các giấy tờ xác nhận là liệt sĩ của cấp có thẩm quyền.
Nghị định số 28/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20/4/2024.
Quy chuẩn Quốc gia về phương tiện phòng cháy và chữa cháy
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 56/2023/TT-BCA quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện phòng cháy chữa cháy.
Quy chuẩn được quy định tại Thông tư số 56/2023/TT-BCA yêu cầu về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và quản lý về hoạt động kiểm định các phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc danh mục phải kiểm định về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật trước khi đưa vào lưu thông tại Việt Nam.
Đối tượng áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp, hoán cải trong nước, nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy; Cơ quan, tổ chức có chức năng kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy; Cơ quan, tổ chức có liên quan về quản lý chất lượng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Cụ thể, từ ngày 01/4/2024, yêu cầu chung với phương tiện phòng cháy, chữa cháy gồm:
- Phải kê khai, khai báo phù hợp danh mục phương tiện tại Quy chuẩn này; nếu chưa rõ chủng loại thì phải định danh chủng loại phương tiện phòng cháy, chữa cháy.
- Phải quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan hoặc quy định của pháp luật hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Phải thực hiện kiểm định phù hợp với Quy chuẩn này cùng các quy định khác có liên quan.
Thông tư số 56/2023/TT-BCA cũng quy định các phương tiện phòng cháy, chữa cháy phổ biến gồm: Vòi chữa cháy, lăng chữa cháy phun nước cầm tay, trụ nước chữa cháy, đầu nối chữa cháy, bình chữa cháy xách tay…
Quy định về giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong giáo dục nghề nghiệp
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BLĐTBXH quy định về Quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình.
Theo đó, từ ngày 05/4/2024, yêu cầu về giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng trong giáo dục nghề nghiệp như sau:
- Tuân thủ mục tiêu, yêu cầu, nội dung của chương trình đào tạo và các môn học, mô đun trong chương trình.
- Bảo đảm tính chính xác, hệ thống, tính sư phạm; bảo đảm sự cân đối, phù hợp giữa các nội dung chuyên môn và các hình vẽ, bản vẽ, sơ đồ minh họa.
- Nội dung kiến thức, kỹ năng, yêu cầu về năng lực của người học phải đảm bảo mục tiêu của từng chương, bài trong mỗi môn học, mô đun.
- Kết thúc mỗi chương, bài phải có hệ thống câu hỏi, bài tập và phương pháp kiểm tra, đánh giá kiến thức, kỹ năng của người học; giáo trình phải có danh mục tài liệu tham khảo; tài liệu tham khảo phải có nguồn gốc rõ ràng.
- Trình bày ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu; sử dụng thuật ngữ chuyên môn nghề nghiệp phổ biến, nhất quán; các hình vẽ, bản vẽ, sơ đồ minh họa phải làm sáng tỏ các kiến thức, kỹ năng.
- Đảm bảo phù hợp với trang thiết bị, nguồn học liệu và các phương pháp, phương tiện dạy học khác.
Chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên, hoa tiêu hàng hải từ ngày 01/4/2024
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư 57/2023/TT-BGTVT ngày 31/12/2023 quy định về Chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên, hoa tiêu hàng hải.
Theo đó, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, huấn luyện ngắn hạn trong Chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên, hoa tiêu hàng hải như sau:
- Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ để thi, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn đại phó tàu từ 3000 GT trở lên quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 57/2023/TT-BGTVT .
- Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ để thi, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn đại phó tàu từ 500 GT đến dưới 3000 GT quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư 57/2023/TT-BGTVT .
- Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ để thi, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn đại phó tàu dưới 500 GT (hành trình gần bờ) quy định tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư 57/2023/TT-BGTVT .
- Chương trình huấn luyện ngắn hạn để thi, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng tàu dưới 50 GT hành trình gần bờ quy định tại Phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư 57/2023/TT-BGTVT .
- Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ để thi, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy hai tàu có tổng công suất máy chính từ 3000 kW trở lên quy định tại Phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư 57/2023/TT-BGTVT .
- Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ để thi, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy hai tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW đến dưới 3000 kW quy định tại Phụ lục 06 ban hành kèm theo Thông tư 57/2023/TT-BGTVT .
- Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ để thi, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy hai tàu có tổng công suất máy chính dưới 750 kW quy định tại Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư 57/2023/TT-BGTVT .
- Chương trình huấn luyện ngắn hạn để thi, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy trưởng tàu có tổng công suất máy chính dưới 75 kW quy định tại Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư 57/2023/TT-BGTVT .
- Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ để thi, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn sỹ quan kỹ thuật điện quy định tại Phụ lục 09 ban hành kèm theo Thông tư 57/2023/TT-BGTVT .
KHÁNH VÂN