Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố đổi mới sáng tạo
Đăng ngày 29-09-2023 13:21, Lượt xem: 165

Sáng 29-9, tại trường Đại học Duy Tân, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố đổi mới sáng tạo”.

Quang cảnh Hội thảo

Báo cáo đề dẫn “Đà Nẵng – Thành phố đổi mới sáng tạo (ĐMST)”, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp ĐMST Đà Nẵng Võ Đức Anh cho biết, Hội thảo khoa học “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố ĐMST” là dịp mà chúng ta quy tụ các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia, các tập đoàn, các quỹ đầu tư, các cơ sở giáo dục, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các bạn trẻ khởi nghiệp để cùng bàn, cùng thảo luận về việc xây dựng Đề án Đà Nẵng - Thành phố ĐMST, tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.

“Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ làm rõ hơn về nhận thức, tư duy mới để giúp thành phố triển khai và xây dựng Đề án Đà Nẵng – Thành phố ĐMST, tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO; đồng thời, kiến nghị với Bộ Khoa học và Công nghệ về các chính sách chung tiếp tục phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia”, ông Võ Đức Anh bày tỏ.

Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp ĐMST Đà Nẵng Võ Đức Anh báo cáo đề dẫn “Đà Nẵng – Thành phố đổi mới sáng tạo"

Trên cơ sở đó, tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý chia sẻ tập trung vào các chủ đề tham luận về Bộ Chỉ số ĐMST quốc gia và địa phương - Các hàm ý cho thành phố Đà Nẵng; Định hướng các hoạt động khởi nghiệp ĐMST quốc gia tại Đà Nẵng; Phát triển Công nghệ thiết kế vi mạch và bán dẫn - Cơ hội và thách thức cho Đà Nẵng từ Hiệp định đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ; Phát huy vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái ĐMST.

Giới thiệu về chỉ số ĐMST toàn cầu (GII), Phó Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) Nguyễn Ngọc Song cho biết, Việt Nam xếp hạng thứ 46 trong năm 2023 và nằm trong 7 nền kinh tế có thu nhập trung bình có khả năng bắt kịp đổi mới nhanh nhất trong thập kỷ qua; cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp; đồng thời, là một trong các quốc gia có thu nhập trung bình với tiềm năng ngày càng quan trọng trong việc chuyển đổi bức tranh GII.

“Với một số hàm ý đối với Đà Nẵng, tôi mong muốn thành phố xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương dựa trên KHCN&ĐMST; ưu tiên bố trí kinh phí, nguồn lực để thu thập thông tin và xây dựng các giải pháp chính sách cho địa phương dựa trên kết quả đánh giá, xếp hạng; tổ chức thu thập, cung cấp, xác minh dữ liệu; ngoài ra, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KHCN&ĐMST không phải chỉ là nhiệm vụ của ngành Khoa học và Công nghệ mà còn có sự tham gia của các cơ quan, đơn vị khác cùng với doanh nghiệp, người dân…” ông Nguyễn Ngọc Song nói.

Phó Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Nguyễn Ngọc Song tham luận một số hàm ý về thành phố Đà Nẵng qua chỉ số GII

Định hướng các hoạt động khởi nghiệp ĐMST quốc gia tại thành phố Đà Nẵng, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ Phạm Hồng Quất nêu lên một số ví dụ điển hình trong hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST như EM&AI Virtual QC xuất sắc đạt giải Á quân Techfest 2020- nhà cung cấp hệ sinh thái AI SelfService hàng đầu cho các tổng đài vừa và lớn tại Việt Nam và Công ty Cổ phần Công Nghệ Hekate (Tech-Startup) phối hợp với chính quyền tại Đà Nẵng tiên phong trong lĩnh vực AI (Trí tuệ nhân tạo) & Chatbot.

Dựa trên một số cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, ông Phạm Hồng Quất mong muốn thử nghiệm công nghệ mới, tiên phong triển khai các mô hình sandbox; phát triển năng lượng xanh ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển nông nghiệp xanh Foodtech Hub và phát triển kinh tế biển xanh để có thể đưa Đà Nẵng trở thành trọng tâm phát triển nguồn lực và thị trường; một trong những trung tâm về kinh ngạch ĐMST.

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ Phạm Hồng Quất nêu định hướng các hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại Đà Nẵng

Ông Võ Đức Anh cho biết thêm, định hướng xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố xác định “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, ĐMST”. Đồng thời, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Tiếp theo đó, ​​hoàn thiện mô hình và cơ chế, chính sách để tạo sự phát triển đột phá đối với các khu công nghệ cao để phát triển các khu đô thị sáng tạo đạt đẳng cấp quốc tế; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Tuy nhiên, có một vấn đề chúng ta cần hết sức quan tâm để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đó là đột phá về thể chế. Ông Võ Đức Anh chia sẻ thêm, hiện nay, các mô hình kinh doanh - công nghệ mới ra đời trong bối cảnh pháp luật chưa điều chỉnh kịp thời, trong khi đó các quốc gia trên thế giới đang triển khai các thể chế mới như khung thử nghiệm pháp lý (Sandbox), khu đổi mới sáng tạo (Innovation Zone), đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation) để thu hút đầu tư và khuyến khích khởi nghiệp ĐMST, tham gia xếp hạng chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, xem đây là những ưu thế cạnh tranh trong kỷ nguyên của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Các chuyên gia, các nhà khoa học chia sẻ thêm về cơ chế đặc thù để phát triển hệ sinh thái ĐMST Đà Nẵng tại phiên Tọa đàm

Tại Phiên tọa đàm, các chuyên gia, các nhà khoa học tập trung thảo luận một số nội dung như nhận diện điểm mạnh và yếu của hệ sinh thái ĐMST Đà Nẵng; cơ chế đặc thù để phát triển hệ sinh thái ĐMST Đà Nẵng; giải pháp phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Đà Nẵng; chiến lược phát triển thành phố ĐMST Đà Nẵng; đề xuất cơ chế chính sách khuyến khích ĐMST cho thành phố Đà Nẵng; Đà Nẵng tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO và cơ hội và thách thức cho việc phát triển công nghệ thiết kế vi mạch và bán dẫn Đà Nẵng.

NGUYỆT ÁNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT