Động lực tăng trưởng mới của Đà Nẵng - Kỳ 4: Đột phá từ công nghiệp công nghệ cao và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Đăng ngày 14-06-2024 11:29, Lượt xem: 92

Định hướng phát triển Đà Nẵng thành trung tâm công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của cả nước sẽ giúp Đà Nẵng có bước phát triển đột phá và vượt bậc.

Đón đầu dòng vốn FDI

Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 22km về phía Tây Bắc, Khu công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng được ví như “trái tim” trong chiến lược phát triển CNC của thành phố Đà Nẵng. 


Khu CNC Đà Nẵng được ví như “trái tim” trong chiến lược phát triển CNC của thành phố Đà Nẵng

Khu CNC Đà Nẵng có diện tích 1.128.4 ha, là một trong ba khu CNC đa chức năng cấp quốc gia của Việt Nam và là Khu CNC quốc gia duy nhất tại miền Trung được Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 2010 với mục tiêu trở thành một trung tâm khoa học – công nghệ lớn của khu vực. Đây cũng là khu CNC duy nhất tại miền Trung có cơ sở hạ tầng đồng bộ và được áp dụng nhiều chính sách ưu đãi mang tính đặc thù để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao vào đầu tư.

Từ dự án đầu tiên của Công ty Tokyo Keiki Precision Technology (Nhật Bản) được cấp phép đầu tư và đi vào hoạt động năm 2014 với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, đến nay, nhiều doanh nghiệp “tên tuổi” của nước ngoài đã có mặt tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Có thể kể đến như: Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC, Hoa Kỳ); Dentium (Hàn Quốc) nghiên cứu và phát triển những sản phẩm công nghệ cao phục vụ nhu cầu y tế đặc thù trong lĩnh vực nha khoa; Foxlink hoạt động trên lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ cao,...


Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine tại Khu CNC Đà Nẵng do Tập đoàn UAC của Mỹ đầu tư với tổng số vốn 170 triệu USD tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng

Ông James Lee - Tổng giám đốc Tập đoàn Foxlink chia sẻ, Đà Nẵng vốn nổi tiếng là thành phố du lịch, tuy nhiên, trong những năm gần đây Đà Nẵng đã đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào công nghệ cao, các ngành, lĩnh vực có hàm lượng tri thức cao, tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ.

Foxlink nhận thấy môi trường đầu tư Đà Nẵng phù hợp với định hướng phát triển và kế hoạch đầu tư của Tập đoàn tại Việt Nam trong 20 năm tới. Vì vậy, Foxlink lựa chọn đầu tư tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng và cam kết sẽ đồng hành cùng thành phố trong đào tạo nhân tài, góp phần xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao.

Tính đến thời điểm hiện tại, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng (gọi tắt là Ban quản lý) đã thu hút 30 dự án đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng. Trong đó, có 17 dự án trong nước với vốn đầu tư đăng ký 8.198 tỷ đồng (tương đương 334,67 triệu USD) và 13 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư đăng ký 726,70 triệu USD.

Năm 2024, Ban Quản lý phấn đấu thu hút thêm 200 triệu USD vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Trong đó, ưu tiên thu hút công nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là công nghệ thiết kế vi mạch bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ số…, đón đầu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang dịch chuyển sang Việt Nam. 


Lãnh đạo thành phố trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy điện tử Foxlink Đà Nẵng của Nhà đầu tư Foxlink International Investment Ltd.

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định công nghiệp công nghệ cao là một trong ba trụ cột trong phát triển kinh tế của Đà Nẵng. Dựa trên các định hướng, Đà Nẵng mở rộng khu công nghiệp, Khu CNC, cụm công nghiệp, Khu công nghệ thông tin.

Tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023 phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, Đà Nẵng sẽ phát triển thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước.

Quy hoạch xác định, Đà Nẵng phát triển các lĩnh vực công nghiệp CNC gồm: công nghệ vi điện tử, công nghệ chip và vi mạch bán dẫn, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang - điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới... trở thành ngành công nghiệp chủ đạo. Bên cạnh đó, tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên; công nghiệp hỗ trợ.

Trung tâm công nghiệp CNC sẽ bao gồm Khu CNC Đà Nẵng, Khu công nghệ thông tin tập trung (giai đoạn 1, giai đoạn 2) trên địa bàn xã Hòa Liên và Hòa Ninh (Hòa Vang) là một trong các cực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Từ những định hướng phát triển của Trung ương và nỗ lực của thành phố, Đà Nẵng kỳ vọng đến năm 2030, các ngành công nghiệp - xây dựng sẽ đóng góp khoảng 31 - 32% trong cơ cấu GRDP của thành phố.

Trong đó, cụm ngành công nghiệp CNC, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông được kỳ vọng tăng trưởng nhanh và chiếm khoảng 10 - 15% GRDP, trở thành một trong 3 trụ cột của nền kinh tế Đà Nẵng.

Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo định hình Đà Nẵng thành đô thị sáng tạo

Đà Nẵng là thành phố động lực phát triển, trung tâm kinh tế - xã hội của cả khu vực miền Trung. Là cửa ngõ quốc tế thứ ba của cả nước, một thành phố được nói đến với những cách làm năng động, đầy sáng tạo để dựng xây một Đà Nẵng phát triển, văn minh và hiện đại.

Ngược dòng lịch sử, mới thấy rằng Đà Nẵng từ rất sớm đã là nơi hội tụ của câu chuyện khai khẩn, lập nghiệp, giao thương buôn bán và khởi nghiệp.

Từ hơn 500 năm trước, trên hành trình mở mang bờ cõi về phương Nam, những cư dân đầu tiên đã đến Đà Nẵng khai khẩn, lập nghiệp. Vào đầu thế kỷ 18, Đà Nẵng là cửa ngõ giao thương với phương Tây, những tàu buôn Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha tấp nập đến Đà Nẵng giao thương, buôn bán. Từ đó cũng đã hình thành một lớp doanh nhân, những tiệm buôn mà dấu tích ấy đến ngày nay vẫn còn.  

Với tất cả những yếu tố đó, Đà Nẵng hoàn toàn hội tụ những điều kiện thuận lợi để chắp cánh cho những ý tưởng sáng tạo, khát vọng làm giàu một cách chính đáng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, và các bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp ở nơi đây.


Các nhà đầu tư tham quan các gian hàng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại "Chương trình kết nối với đoàn doanh nghiệp KNĐMST Đà Nẵng và Singapore" tổ chức vào đầu tháng 5-2024

Nghị quyết 43 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị xác định “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”. Để đạt được mục tiêu đặt ra, trong những năm qua, Đà Nẵng đã có những bước tiến mới trong quá trình xây dựng, phát triển triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trong vòng hơn 1 thập niên, thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Các chương trình, chính sách của thành phố đã tạo điều kiện, góp phần quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển. Tuy nhiên, để tạo nên một sức bật mới, mang tính bước ngoặt trong phát triển cộng đồng doanh nghiệp ở giai đoạn tiếp theo, Đà Nẵng cần phải có hướng đi mới, một tầm nhìn dài hạn hơn.

Một trong những hướng đi mới đó là tạo dựng được một văn hóa khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là đối với các bạn trẻ. Những câu chuyện thành công trong hỗ trợ khởi nghiệp của các quốc gia như Hoa Kỳ, Israel, Singapore... tiếp thêm cho Đà Nẵng động lực và những kinh nghiệm trên con đường sáng tạo, tìm tòi hướng đi mới.  

Đà Nẵng đặt ra cho mình những mục tiêu nhất định. Đó là hình thành thành phố đổi mới sáng tạo chuyên nghiệp, thân thiện, đặc trưng, tương thích theo xu hướng phát triển của các thành phố lớn trong nước và cả quốc tế. Ngày càng tạo ra những ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ.

Sở Khoa học và Công nghệ và Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc (VINK) ra mắt không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng - Seoul

Đà Nẵng hiện có 1 Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 2 Trung tâm khởi nghiệp thuộc các trường đại học, 9 vườn ươm, 4 không gian sáng tạo, 9 không gian làm việc chung, 5 Quỹ đầu tư khởi nghiệp, các câu lạc bộ khởi nghiệp ở các trường Đại học, Cao đẳng cùng cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Đà Nẵng 3 lần nhận được danh hiệu “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam xét tặng.

Từ năm 2016 đến nay, Đà Nẵng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Đặc biệt là việc mở rộng hành lang pháp lý, tìm kiếm nguồn lực đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp.

Đặc biệt, sự kiện ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng - SURF được tổ chức hằng năm là một điểm nhấn quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố.

Đà Nẵng đang giữ vai trò trung tâm của khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, là một trong ba trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (cùng với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) và tại ba địa phương này đã thành lập, đưa vào vận hành Khu công nghệ cao quốc gia.

Quyết sách xây dựng khu CNC và trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia của Chính phủ ở ba địa phương động lực của ba vùng kinh tế trọng điểm không chỉ để thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ, thu hút nguồn lực đầu tư để phát triển địa phương, vùng cụ thể. Đó còn là tầm nhìn quốc gia để đưa đất nước phát triển và vượt qua những thách thức, nguy cơ tụt hậu, thách thức bẫy thu nhập trung bình,... trong bối cảnh thế giới có quá nhiều biến động.

Thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng sẽ tạo cơ hội và thuận lợi cho các tài năng và doanh nghiệp mới phát triển, thu hút thêm những nhân tố mới và tâm huyết đến Đà Nẵng. Qua đó, đóng góp vào việc định hình Đà Nẵng thành một đô thị sáng tạo, hiện đại và năng động, thúc đẩy liên kết với cộng đồng quốc tế, mang lại cơ hội hợp tác, giao lưu văn hóa và truyền bá giá trị tiêu biểu về Đà Nẵng và Việt Nam.

Ký kết hợp tác khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về triển khai và xây dựng Đề án Đà Nẵng thành phố Đổi mới sáng tạo, tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO

Thông qua Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Đà Nẵng sẽ phát huy vai trò là điểm kết nối, bệ phóng lan tỏa và điều phối các nguồn lực đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Trong đó phát huy mô hình liên kết vùng, lấy đổi mới sáng tạo làm nền tảng góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giúp cân bằng phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng miền trên cả nước.

Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 79-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ, thời gian tới, thành phố Đà Nẵng tập trung phát triển thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực chính, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng với 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 34 chính sách cụ thể. Trong đó có đề xuất chính sách về hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của thành phố.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng Đà Nẵng cũng gặp nhiều thách thức, khó khăn và hạn chế trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vì vậy, các chính sách mới kỳ vọng sẽ giúp thành phố tháo gỡ các nút thắt, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố phát triển vượt bậc.

Phát triển Công nghiệp công nghệ cao và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chính là hướng đi đột phá, đã và đang trở thành một trong những động lực tăng trưởng mới, góp phần phát triển Đà Nẵng một cách bền vững.

THANH NGUYÊN - HOÀNG PHAN

Động lực tăng trưởng mới của Đà Nẵng - Kỳ 1: Viên gạch đầu tiên của ngành công nghiệp CNTT

Động lực tăng trưởng mới của Đà Nẵng - Kỳ 2: Khát vọng trở thành thung lũng Silicon khu vực Đông Nam Á

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT