Trước bối cảnh thị trường du lịch quốc tế toàn cầu chịu ảnh hưởng của COVID-19, ngày 28-11, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020 với chủ đề "Liên kết, hành động và phát triển" hướng đến mục tiêu, giải pháp để phục hồi, phát triển du lịch Việt Nam phù hợp với diễn biến của đại dịch. Tham dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cùng lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp hàng không, du lịch, lữ hành.
Lãnh đạo các tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ký kết hợp tác phát triển du lịch với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong giai đoạn 2015-2019, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 2,3 lần từ 7,9 triệu lên 18 triệu với tốc độ 22,7%/năm; khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt với tốc độ 10,5%/năm. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam được xếp hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019, tăng 12 bậc so với năm 2015. Tỷ trọng đóng góp của du lịch vào GDP cả nước ngày càng lớn, từ 8,3% năm 2018 lên 9,2% năm 2019. Du lịch tăng trưởng đã tác động lan tỏa đến nhiều lĩnh vực và đời sống xã hội, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 1-2020 khẳng định phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Tuy nhiên, du lịch cũng là ngành dễ bị tác động và thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh. Kể từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch Việt Nam nói riêng và du lịch thế giới nói chung; hoạt động du lịch bị tổn hại nặng nề, kéo theo sự sụt giảm các ngành, lĩnh vực liên quan. Năm 2020, dự báo lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm 45% và thiệt hại về kinh tế du lịch lên tới 23 tỷ USD.
Các tỉnh thành miền Trung tăng cường liên kết, tạo động lực mới cho phát triển du lịch trong và sau đại dịch COVID-19
Tại hội nghị, đại diện các địa phương và doanh nghiệp đề xuất các giải pháp liên kết để tối ưu hoá nguồn lực nhằm tạo động lực phát triển du lịch trong và sau đại dịch COVID-19. Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư phát triển sản phẩm, cơ cấu lại thị trường du lịch, tăng cường liên kết vùng và thực hiện chuyển đổi số trong phát triển du lịch.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở du lịch thành phố Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị
Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở du lịch thành phố Đà Nẵng đề xuất kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an thành lập văn phòng xuất nhập cảnh tại Đà Nẵng, cấp hộ chiếu cho công dân ở miền Trung, vì Đà Nẵng có 39 đường bay quốc tế trực tiếp, đón hơn 3 triệu lượt khách nước ngoài. Đồng thời, ho phép hoạt động một số đường bay thương mại đến Đà Nẵng song vẫn phải đảm bảo phương pháp phòng chống dịch; nâng cấp cửa khẩu Đăc Tà Ốc thành cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy du lịch địa phương, mở cửa đón du khách từ các quốc gia lân cận như Lào, Thái Lan, Campuchia...
Song song với chú trọng công tác kiểm soát phòng chống dịch, đảm bảo điểm đến an toàn, các đơn vị cần yêu cầu bắt buộc với người nước ngoài, công dân nhập cảnh việt nam phải có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 trong 3 ngày trước khi nhập cảnh, kiểm soát các cửa khẩu. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục thực hiện cơ chế chính sách phát triển, khuyến khích các loại hình kinh tế ban đêm, tạo điều kiện phát triển, góp phần khôi phục kinh tế du lịch; ưu tiên nguồn lực đầu tư công như sân bay, cảng biển, bến tàu, hàng không... hỗ trợ đẩy nhanh chuyển đổi số trong dịch vụ du lịch.
Tăng cường ứng dụng công nghệ để đo lường thị hiếu, nhu cầu của du khách, nâng cao chất lượng du lịch
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp, người dân cùng chung tay đóng góp, phát triển ngành du lịch Viêt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chỉ số năng lực cạnh tranh của du lịch vẫn còn thấp hơn nhiều nước trong khu vực; hiệu quả kinh doanh và thu hút khách du lịch chưa cao, thời gian lưu trú dài còn ít; liên kết còn mang tính hình thức...
Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các bộ ngành, địa phương cần tập trung thực hiện nhiệm vụ "kép" vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, ngành du lịch chủ động điều chỉnh kế hoạch, thực hiện chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", chuyển hướng tập trung phát triển du lịch nội địa trong bối cảnh dừng đón khách quốc tế. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án tổng thể về chuyển đổi số trong ngành du lịch đến năm 2030 phục vụ phát triển du lịch. Các địa phương tăng cường liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn và huy động nguồn lực thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ cho giai đoạn tăng trưởng mới, hỗ trợ người lao động dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ và tham gia đào tạo nghề, đảm bảo an sinh xã hội.
CÔNG TÂM