Đà Nẵng xác định chuyển đổi số là một trong những đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Với những nỗ lực không ngừng, tiến trình chuyển đổi số bước đầu đã có những chuyển biến tích cực.
Chuyển đổi số là động lực phát triển của thành phố
Qua quá trình triển khai chuyển đổi số đến nay, thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực, được các cơ quan, tổ chức ghi nhận và đánh giá cao. Trong đó, nổi bật có những thành tựu: Thành phố Đà Nẵng năm thứ hai liên tiếp xếp hạng Nhất về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (0,6419 điểm) và dẫn đầu cả 3 trụ cột Chính quyền số (0,6868 điểm), Kinh tế số (0,6312 điểm) và Xã hội số (0,6483 điểm).
Năm 2021, Đà Nẵng xếp hạng A về an toàn thông tin. Cùng năm 2021, Đà Nẵng thuộc Top 3 địa phương dẫn đầu về thương mại điện tử (sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội). Đặc biệt vào tháng 7/2022, UBND thành phố Đà Nẵng được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chứng nhận là Cơ quan Nhà nước tiêu biểu thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình Chuyển đối số quốc gia tại Diễn đàn Top công nghiệp 4.0 Việt Nam.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Nguyễn Quang Thanh cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 và UBND thành phố đã ban hành Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định chuyển đổi số là động lực mới và là “chìa khóa” để giải quyết “điểm nghẽn” của thành phố, để mở ra không gian phát triển mới, cũng như để đạt mục tiêu của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Sở Thông tin và Truyền thông và Tập đoàn công nghệ Bkav ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số. Ảnh: THANH NGUYÊN
Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt như kỳ vọng trong phát triển của thành phố. Đề án Chuyển đổi số còn nhiều nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai; yêu cầu phát triển của chính quyền thành phố, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội còn rất lớn; do đó còn nhiều việc phải làm, triển khai trong thời gian đến để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết của Bộ Chính trị và Thành ủy đề ra.
Để triển khai chuyển đổi số thành công, thành phố đã đặt ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó tăng cường hợp tác với các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình, giải pháp, tiếp cận và chuyển giao công nghệ. Trong thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã ký kết hợp tác với với các tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, FPT, Vietinbank,...
Định hướng chuyển đổi số của thành phố
Ngày 19/3/2021, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã ký Quyết định số 892/QĐ-UBND về Ngày chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng là ngày 28-8 hàng năm.
Với mục tiêu đặt ra, đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN. Tầm nhìn đến năm 2045, phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, thông minh, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.Trong Đề án Chuyển đổi số thành phố đặt ra 11 nhóm với 130 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Theo đó, Đà Nẵng thực hiện chuyển đối số với 3 trụ cột chính (gồm Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số). Trong đó, Chính quyền số sẽ triển khai đến các cơ quan Đảng, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội. Ngoài ra, bổ sung các dịch vụ sự nghiệp công do các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước cung cấp trên địa bàn thành phố (hầu hết liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân).
Đà Nẵng lần thứ 2 liên tiếp đứng đầu về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh
Kinh tế số được tiếp cận theo khái niệm Kinh tế số phạm vi rộng (Broad scope), bao gồm ngành công nghiệp ICT, thương mại điện tử, kinh doanh số, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ,...Ngoài các lĩnh vực kinh tế theo Quyết định 749, bổ sung thêm lĩnh vực du lịch, thương mại điện tử, tài chính số (Fintech). Về Xã hội số sẽ bao gồm Công dân số, Văn hóa số và bổ sung an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mới đây, tại Hội thảo phương pháp luận về chuyển đổi số, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO, Chủ tịch tập đoàn công nghệ BKAV cho rằng, đặc điểm của chuyển đổi số là thay đổi mọi hoạt động dựa vào công nghệ. Ngoài sự thay đổi tư duy của tổ chức, doanh nghiệp, các giải pháp công nghệ cho chuyển đổi số mang tính quyết định. Làm chuyển đổi số cũng giống như quy hoạch và xây dựng khu đô thị với các toà nhà chọc trời, cần phải có kiến trúc, có thiết kế, có các biện pháp, công cụ thi công thích hợp. Đội ngũ thiết kế, đội ngũ thi công cần phải có năng lực và đặc biệt là chúng ta cần có một phương pháp luận rõ ràng. Hơn nữa, xây các công trình lớn thì không thể thiếu vị trí Kiến trúc sư trưởng.
Để giải quyết bài toán chuyển đổi số của thành phố Đà Nẵng, Tập đoàn công nghệ BKAV giới thiệu phương pháp luận Data-Centric (lấy dữ liệu làm trung tâm). Đây cũng chính là triết lý để BKAV xây dựng và phát triển Bộ giải pháp tổng thể các nền tảng chuyển đổi số BKAV DX.
Sở Thông tin và Truyền thông và Tập đoàn công nghệ BKAV ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025. Tập đoàn công nghệ BKAV sẽ hỗ trợ Đà Nẵng triển khai dùng thử các giải pháp, ứng dụng chuyển đổi số, nền tảng Big Data xử lý và phân tích dữ liệu lớn. BKAV cũng sẽ giúp tư vấn, cập nhật công nghệ số cho các cơ quan, doanh nghiệp tại Đà Nẵng để phục vụ giải quyết các bài toán lớn về Chuyển đổi số.
Chuyển đổi số đi sâu trong các lĩnh vực
Năm 2021 là năm đánh dấu những bước chuyển mạnh mẽ của Đà Nẵng trong công cuộc chuyển đổi số. Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai hiệu quả, kịp thời hơn 20 giải pháp ứng dụng công nghệ, hỗ trợ tích cực cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp phòng, chống dịch COVID-19 chủ động, linh hoạt.
Hiện Đà Nẵng triển khai 1.890 thủ tục hành chính và đã được triển khai lên Cổng dịch vụ công thành phố, tỷ lệ trực tuyến (mức 3, 4) đạt 97%, đặc biệt 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện để triển khai mức 4; gần 60% hồ sơ nộp trực tuyến (đạt gấp 2 lần bình quân cả nước).
Thành phố Đà Nẵng có tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động đứng đầu toàn quốc, với tỷ lệ 276 máy/100 dân; trong đó số lượng thuê bao băng rộng di động (hay Smartphone) 173 máy/100 dân. Đặc biệt, 99,8% hộ gia đình có kết nối Internet và 99,4% người dân tiếp cận, sử dụng Internet; 100% doanh nghiệp có kết nối Internet.
Đoàn công tác Microsoft Việt Nam có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố về công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025. Ảnh: CÔNG TÂM
Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thành phố đã triển khai thành công Cổng thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thủ tục hành chính; sàn Thương mại điện tử Đà Nẵng (đã có hơn 1.000 doanh nghiệp với 2.500 sản phẩm tham gia); Thẻ du lịch thông minh; Mô hình chợ 4.0…
Về lĩnh vực giáo dục, trong buổi làm việc của đoàn công tác Microsoft Việt Nam với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Trần Nguyễn Minh Thành cho biết, sau thời gian triển khai giải pháp Microsoft Office 365 gói A1 tại Đà Nẵng, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp Microsoft Việt Nam và đơn vị đối tác của Microsoft là GTP Webmaster tổ chức giới thiệu về chuyển đổi số trong giáo dục.
Thông qua đó, các thầy cô giáo có thể nắm được tính năng cơ bản của các ứng dụng trong bộ Office 365 trên máy tính và điện thoại, quản lý kênh giao tiếp trên Teams, tổ chức buổi học trực tuyến với học sinh trên MS Teams, giao bài tập và kiểm tra đánh giá học sinh trên Teams và Forms, thực hiện các game tương tác Kahoot, Quizzi...
Có thể nói rằng, cùng với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều thành công trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số ở địa phương, qua đó cán đích các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 của UBND thành phố về Đề án chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
THANH HẢI