Đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế số
Đăng ngày 30-08-2023 17:05, Lượt xem: 86

Ngày 30-8, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số tổ chức Phiên họp trực tuyến chuyên đề với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực”. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng kiêm Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì điểm cầu tại Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam chủ trì tại điểm cầu thành phố Đà Nẵng.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu thành phố Đà Nẵng

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, trong hoạt động kinh tế số, hoạt động sản xuất phần cứng, thiết bị điện tử, quang học đang có đóng góp nhiều nhất với 58,58% tổng giá trị; tiếp đến là viễn thông; bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm. Năm 2022, nhóm có tốc độ tăng trưởng cao nhất là lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính, xuất bản phần mềm (tăng 23%), hoạt động dịch vụ thông tin (tăng gần 22%).

Tại thành phố Đà Nẵng, công tác phát triển kinh tế số đạt một số kết quả bước đầu. Cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin được chú trọng đầu tư khá đồng bộ; hình thành các cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển kinh tế số.

Kinh tế số có đóng góp đáng kể vào cơ cấu GRDP thành phố; năm 2021 chiếm tỷ trọng 12,57% GRDP thành phố; năm 2022 chiếm tỷ trọng 19,76% tổng GRDP thành phố. Ngành công nghiệp công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân trên 20%/năm), dần khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của thành phố.

Theo Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, thành phố Đà Nẵng năm thứ ba liên tiếp xếp hạng Nhất về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu cả 03 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.

Đặc biệt, nền tảng công dân số MyPortal cho phép định danh, xác thực, mỗi người dân có 01 hồ sơ số và được gắn mã QR cá nhân duy nhất, lưu giữ các thông tin, dữ liệu, tài liệu cá nhân trên Nền tảng; phục vụ thực hiện các giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước hoặc sử dụng các dịch vụ của các tổ chức, doanh nghiệp (điện, nước, y tế, giáo dục). Nền tảng cho phép tích hợp với các hệ thống, ứng dụng chuyên ngành để cung cấp dịch vụ, tiện ích số cho người dân; cung cấp thông tin, hướng dẫn kịp thời đến người dân; người dân dễ dàng góp ý, phản ánh, hiến kế đến Chính quyền và được xử lý, phản hồi kết quả.

Thành phố triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích và nhiều kênh để người dân, doanh nghiệp sử dụng; và có được sự tương tác giữa chính quyền và người dân trên môi trường số khá cao.

Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân các kĩ năng tương tác trên môi trường mạng, cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trên mạng nhằm giúp bảo vệ an toàn thông tin cá nhân.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra, ước tính kinh tế số phải tăng trưởng gấp 03 - 04 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/năm.

Kinh tế số là nền kinh tế với đầu vào quan trọng là dữ liệu và công nghệ. Các hoạt động kinh tế số diễn ra trên không gian mạng sẽ ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố vật lý trong không gian thực. Và vì vậy, kinh tế số còn là công cụ để tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế với các tác động tiêu cực từ bên ngoài. Phát triển Kinh tế số với không gian tăng trưởng chủ yếu đến từ chuyển đổi số ngành, lĩnh vực. Việt Nam cần đưa dữ liệu và công nghệ số vào từng hoạt động của nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực được coi là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Du lịch; Nông nghiệp; Logistics và Dệt may.

Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, cùng với Bộ chủ quản ngành, lĩnh vực xác định vai trò, vị trí pháp lý của các nền tảng số, triển khai thi hành Luật Giao dịch điện tử... Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng hành lang pháp lý để quản lý các nền tảng số, quy định trách nhiệm của chủ quản nền tảng trong kết nối phục vụ đo lường, giám sát trực tuyến để phát hiện sớm sai phạm, góp phần đảm bảo kinh tế số Việt Nam phát triển bền vững, lành mạnh và bảo đảm quyền lợi của các chủ thể tham gia.

KIM PHƯỢNG

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT